ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 29-12-24 08:30:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ơ cá kho của nhà văn

Báo Cà Mau (CMO) Nhà văn Lê Minh Nhựt lên Messenger nhắn cộc lốc: “Mầy ăn lòng tong kho hông? Mai tao gởi”. Đọc dòng tin nhắn mà chưa kịp tin thật là từ ông nhà văn “giang hồ vặt”.

Bữa cơm ngày giãn cách thêm dung dị chất quê từ món cá lòng tong kho khô tự tay nhà văn Lê Minh Nhựt nấu.

Không tin cũng phải. Vì từ khi Việt Nam có Internet năm 1995 tới nửa năm 2021 này, anh ấy chỉ mỗi tài khoản thư điện tử là Email trên máy vi tính do nhờ anh kỹ thuật của cơ quan tạo giùm. Điện thoại thì vẫn cái Nokia “đập đá” hồi thời cuối thế kỷ 20 được xuất từ Phần Lan về Việt Nam đến giờ. Mỗi khi có chuyện cần, nhà văn “râu ria rậm rạp” ấy lại gửi Email, rồi điện vắn tắt hoặc nhắn tin qua hệ thống SMS.

Nay nhận tin trên Messenger. Nửa tin, nửa ngờ và lại cảm thấy mừng, chí ít anh ấy đã tập tành với công nghệ 4.0!

Nghĩ lạc quan thì như vậy, chứ tính cách và nếp sinh hoạt vẫn ruộng đồng lấn áp. Cứ mùa hạn thì anh gọi rủ ra đồng đào bờ bắt chuột; mưa xuống rủ bắt cá lên; lúa trổ rủ đi câu cá rô; bấc trở ngọn thì khoe ăn bông điên điển đến ngán tới cổ họng.

Anh cứ bám miết khoảnh vườn mà khi cưới vợ ra ở riêng được ba mẹ cho ở xã Lý Văn Lâm. Ai rủ ra nội thị ở cho gần chỗ làm, ảnh cũng cắt ngang: “Đâu cũng đất thành phố. Ở trong đây khí trời mát rượi, cây trái bốn mùa, ít ồn ào. Ra nội ô chi?”. Rồi ảnh lại cười khà mãn nguyện rất thuần nông theo phong cách của anh ấy.

Hồi cuối mùa hạn năm nay, ảnh hỏi xin hàng xóm mấy bao đất cày ải ngoài ruộng. Ì ạch bưng về vun mấy đống bên hông nhà. Khề khà gọi điện khoe: “Ê! Mơi mốt mầy có đi ngang ghé tao bứng cho cây ớt. Mới có mớ đất ruộng phơi giòn rụm, tưới nước vô nó bã như cám. Trồng vô tốt mắc mê”!

Vậy là anh cứ canh 2 tuần, 3 tuần rồi tới 7 tuần gọi lại: “Vô bứng đi. Nó có trái rồi thằng quỷ”!

Bữa hẹn để vô bứng cây, ảnh kêu: “6 giờ chiều mầy hả vô nghen. Tao đi làm xong dìa chiên xù mấy con cá sặc bướm, chấm nước mắm tỏi, rau lang để nhâm nhi. Tới 9, 10 giờ ra bứng. Lúc đó cây nó ngủ, bứng lén mai nó hông héo”!

Tôi cũng không biết kỹ thuật chân truyền này của anh được tinh lọc từ đâu. Nhưng buộc phải tin vì anh ít nhiều cũng từng lăn lộn đường đời gấp vạn lần tôi.

Từ tay học trò dạng nghèo hiếu học rồi hết tiền, bươn trải hết sức bình sinh tốt nghiệp được lớp 12, đăng ký tình nguyện nhập ngũ, ra quân, anh học nghề y rồi về làm ở trạm y tế thuộc huyện Ngọc Hiển. Ai ngờ, làm nghề y mà anh cứ hàng đêm viết truyện. Riết sau này thành danh, được công nhận là nhà văn, anh về “đầu quân” cho Tạp chí Văn nghệ Cà Mau.

Nghe bạn bè kể lại một khúc thời gian lăn lộn giữa đường đời của anh mà phát nể. Rồi cứ vậy, nể hết chuyện này tới chuyện khác vì khó tìm ra lý để cãi lại. Vậy là ưu tiên lựa chọn giải pháp gật gù như chuyện truyền bí kíp bứng cây ớt cho đề huề vậy!

Tôi đoán, cái chất nông dân và cộc lốc của anh truyền vô cây ớt hiểm đó 100% luôn. Vì không tự dưng mà cây ra trái kiểu hà tiện, trái nào cũng tí xíu cay nồng tới sóng mũi. Đem cây về ngoài khu dân cư trồng mà phải theo toa anh kê sẵn: “Mầy phải che bớt nắng, tưới ít nước, dặm thêm phân rác...”.

Bữa nay, anh làm món cá lòng tong kho khô. Anh nói: “Cá nầy tao gỡ lưới ngoài đồng, nên con nào cũng bự đều. Nó có trứng nên phải cạo hết vẩy cẩn thận từng con, chứ dùng lưới để chà vẩy làm tuột hết trứng mất ngon. Mà làm sạch vậy, mầy ăn mới mạnh miệng”.

Anh ướp kho theo kinh nghiệm chân truyền: “Tao ướp nước mắm đồng cho tụi mầy nức muỗi. Cho hàng xóm phải ganh tị!”. Rồi anh xách rổ ra bờ mương giữa đồng hái cả rổ rau muống, ghé liếp vườn hàng xóm xin nắm đọt bố, mấy trái đậu bắp, ít đọt rau lang...

Cho ơ cá kho và mấy tụng rau luộc vào thùng giấy, để lên honda chạy vèo ra thị. Cái kiểu sành như dân Shipper. Bỗng anh sực nhớ: “Ui chết! Mầy nhờ anh em nào qua chỗ tao làm đem cá, rau qua bển. Tao hông được cấp giấy đi qua bên phường đó!”. Ít ra gã “giang hồ vặt” râu ria rậm rạp như anh vẫn còn chừa tí máu liều để sợ.

Mà ăn ơ cá đậm chất nông dân nhàn hạ của anh đâu dễ dàng. Ảnh canh giờ cơm sáng vừa xong gởi liền cái tin trên Messenger: “Ngon hông? Chắc nhớ quài mà mắc ghiền hen? Tháng sau mầy sáng tác cho tao cái truyện trong mùa dịch Covid-19 để đăng trên Tạp chí! Tao chừa cho mầy 2 trang rồi đó!”.

Giờ mới phát hiện, anh nêm cá kho vừa ăn nhưng dầm ớt vô cay đến xé họng.

12 giờ trưa, tháng 7 thiếu cơn mưa ngâu nên ăn ơ cá kho quẹt, đọc dòng tin của nhà văn Lê Minh Nhựt mà mồ hôi ướt như tắm./.

Phong Phú

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...