(CMO) Hôm rồi về thăm má, thấy tôi cứ cầm miết cái điện thoại, má quở: “Mầy ở trển mần phóng viên, máy móc suốt ngày hổng thấy ngán hả con?”. Rồi má quay qua kể với thằng con tôi: “Ba bây hồi nhỏ 6 tuổi biết kiếm cá ăn cho nguyên cả nhà.
Học cấp 2 thì cắm cua, cắm cá bống bỏ ống heo để mua sách vở, quần áo cho năm học mới”. Cả cái chuyện hồi năm nẳm, nhà tôi mới vô điện, cúp điện, tôi khóc tới chừng nào có điện mới thôi. Con tôi từ lúc lọt lòng ra đã ở phố, chỉ lâu lâu được về quê thăm ngoại, thăm nội. Tự dưng nhìn con, tôi nhớ mình ngày xưa…
Nhà tôi ở Xóm Ruộng, nép mình theo dòng kinh Dân Quân được đào từ thời Pháp (điều này nghe ông nội tôi hồi còn sống kể lại). Lúc tôi chừng 4 tuổi, biết mê coi ti-vi, nhất là phim Tề Thiên Đại Thánh (tức Tây Du Ký), cứ chiều chiều là chế Năm tôi bó mấy bó đuốc lá dừa chuẩn bị đi coi ké. Cả xóm chỉ có 2 nhà có ti-vi, một là nhà của ông bác Sáu Nhượng tuốt ngoài đầu kênh và cuối kênh là nhà ông Cụ Choóng. Cái cảnh đi coi ti-vi ké cực trần ai, hôm chủ nhà vui thì còn đỡ. Hôm nào chủ nhà quạu thì tắt cái rụp, đành ôm cục tức đi về.
Rồi ba má tôi bán lúa, mua cái ti-vi trắng đen hiệu Sanyo và cái thâu băng 2 loa bự chà bá lửa. Hồi đó chỉ coi bằng bình ắc quy. Coi tới lúc cái bình xuống điện, ti-vi chỉ còn một vệt hình siêu vẹo, ở giữa màn hình có một lằn trắng chạy ngang chút xíu mới đem đi xạc. Rồi anh Hai tôi, làm kiểm lâm ở Kênh 5, Rạch Tàu về nhà cho tiền ba má khoan cây nước. Cả xóm xúm lại coi. Khi mạch nước trong vắt, ngọt xớt phun lên, nhiều ông già bà cả trong xóm cười hở nướu răng vì… khoái. Kế đó, nhà tôi kéo điện lưới quốc gia. Tất cả những sự kiện ấy, trong tâm trí của tôi đều là những điều trọng đại với niềm vui… hết lớn.
![]() |
Minh hoạ: MT |
Rồi sau này, mọi thứ mà tôi coi là những đổi thay to lớn ấy cũng thành bình thường, là lẽ đương nhiên và chẳng bận tâm nữa. Con tôi cũng vậy. Lạ là tụi nhỏ lại thích cái cảnh cúp điện, má tôi lôi cái đèn cóc ra đốt. Thích về quê uống nước mưa trong cái ca Mỹ bằng i-nốc láng bóng ở hàng kiệu sau hè. Thích con cào cào, cái chong chóng lá dừa má tôi thắt cho chơi. Còn tôi, mỗi bận cúp điện không còn khóc lóc, chỉ bực bội vì không làm việc được. Cúp nước máy thì là nỗi ám ảnh cực hình. Vợ tôi thấy tôi quạu, hỏi lơi: “Dị chớ hồi đó ở quê mần sao?”. Tôi cự nự: “Ở quê khác, ở chợ khác”. Vợ tôi nói: “Khác gì đâu, anh với em hồi đó cũng ở quê, ông bà nội ngoại hai bên cũng ở quê, người ta ở quê cũng sống nhăn, vui vẻ chớ ai mà quạu quọ như anh”.
Ờ, tôi gốc nông dân mà ra, từ quê mà lên. Giờ tự dưng mang cái lý so sánh ở chợ - ở quê để nói thì… quê thiệt. Nhớ ra, má tôi dù có cây nước khoan vẫn còn hàng khạp, hàng kiệu hứng nước mưa để dành ăn uống, sinh hoạt. Vẫn giữ mấy cái đèn cóc và lít dầu lửa mỗi khi cúp điện. Tự dưng, tôi lạc lõng với chính nguồn cội của mình. Và rồi, tôi thấy sống ở chợ quả là khó khăn. Bởi làm sao sống được khi thiếu wifi tốc độ cao, điện thoại thông minh, nước máy, máy tính xách tay… Còn ở quê, mấy thứ đó có thiếu cũng sống khoẻ ru. Ngẫm ra, ở chợ có gì đâu tự hào mà lúc nào cũng chê “quê một cục”, “quê mùa”. Đâu đó trong vấn đề này, tôi nghĩ, chắc dân chợ bày đặt ra để chữa cháy cho tâm lý yếm thế của mình. Bởi, như má tôi, ra chợ hai bữa là đòi về quê. Còn mấy ông bạn chợ của tôi, về quê chơi rồi ra về mà lòng cứ luyến tiếc.
Xa hơn, trong những sự so sánh khập khiễng, tôi thấy có nhiều điều mà người ta cứ đem ra để đánh đố nhau, để rồi thành ra làm nhau khó xử: Nào là hàng nội - hàng ngoại; dân vùng này - dân vùng khác; nghề này - nghề khác; con nhà này - con nhà người ta; học cao hay học thấp… Nghĩ cho cùng, ai cũng có một nguồn cội để hướng về, để tự hào; một lựa chọn để sống và dấn thân. Chẳng có lựa chọn nào tốt nhất, chỉ có lựa chọn phù hợp nhất. Ở đâu không quan trọng, làm gì không quan trọng, chỉ cần trân trọng chính mình, làm tốt nhất phận sự của mình, sống lương thiện và có ích, như vậy là đủ.
Và nếu cứ nghĩ như thế, ở chợ, ở quê hay ở nước ngoài đi nữa, đã là con người Việt Nam thì cũng sẽ thanh thản hơn để sống, để nhớ về nguồn cội quê hương mình với căn tính nông dân, với văn minh lúa nước. Và tất cả những thứ đó, thật đặc biệt, chỉ ở quê mới có./.
Phạm Quốc Rin