Qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cho thấy, chương trình không chỉ góp phần nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của huyện Năm Căn mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
- Quảng bá sản phẩm OCOP
- Huyện Trần Văn Thời đoạt giải Nhất Hội thi “Tuyên truyền về chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Cà Mau năm 2024”
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ
Tại Hợp tác xã (HTX) Tài Thịnh Phát Farm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang), mỗi ngày có hơn 10 lao động tham gia chế biến các sản phẩm từ tôm, cua tự nhiên ở rừng ngập mặn như: thịt cua sinh thái, tôm khô sinh thái, chả tôm, chà bông tôm và một số sản phẩm đi kèm như: riêu tôm, tôm nõn... Trung bình thu nhập mỗi lao động từ 150-220 ngàn đồng/ngày, tuỳ theo sản phẩm làm ra nhiều hay ít.
Từ khi thành lập đến nay, HTX Tài Thịnh Phát Farm giúp hàng chục lao động tại địa phương và các xã lân cận tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, cá biệt có hộ nghèo, cận nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Công nhân thực hiện công đoạn tách thịt cua tại HTX Tài Thịnh Phát Farm.
Chị Lê Ngọc Giàu, ngụ ấp Tân Tạo, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, công nhân làm việc tại HTX, cho biết: “Gia đình làm vuông nhưng thu nhập bấp bênh. Từ khi có HTX, tôi có việc làm, thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Tính đến nay, toàn huyện có 18 sản phẩm của 8 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 3 sao và 6 sản phẩm 4 sao. Khi đã có thương hiệu thì sản lượng sản phẩm bán ra sẽ tăng nhiều lần so với trước đây, nhất là vào dịp lễ, Tết nên các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng lao động để đáp ứng đơn hàng. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, hạn chế tình trạng người lao động rời quê đi làm ăn xa.
Các cơ sở sản xuất bánh phồng tôm trên địa bàn xã Hàng Vịnh góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Theo ông Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường, Ấp 2, xã Hàng Vịnh, sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, có thương hiệu, số lượng đơn đặt hàng tăng lên rõ rệt. Do đó, cơ sở đã đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và cần thêm nhân công làm việc.
“Vào những lúc có nhiều đơn hàng, thu nhập của chị em từ 200-250 ngàn đồng/ngày. Nếu tăng ca buổi tối, mỗi người có thêm 70-80 ngàn đồng. Nói chung là sản phẩm xuất bán nhiều, chị em có thu nhập, làm việc cũng phấn khởi”, chị Nguyễn Thị Thuận, làm việc cho công ty, chia sẻ.
Bà Lữ Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh, cho biết: "Hiện toàn xã có 29 hộ sản xuất bánh phồng tôm. Những cơ sở này đã giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương, trong đó đa phần là nữ. Từ đó, góp phần tạo thêm thu nhập cho gia đình và cải thiện cuộc sống người dân".
“Sản phẩm đạt chuẩn OCOP giúp các cơ sở sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ và góp phần giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Đồng thời, giúp người dân tăng thu nhập và giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi”, ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhận định.
Quốc Sáng