Trung tuần tháng 4 vừa qua, đoàn phụ nữ xã Khánh Tiến, huyện U Minh có chuyến đi học tập kinh nghiệm mô hình sinh kế. Ðối với chị em, đây không đơn thuần chỉ là một chuyến đi, mà còn là hành trình mở ra hy vọng tìm được hướng đi mới bền vững, giúp nâng cao đời sống.
Bà Lê Trúc Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khánh Tiến, chia sẻ: "Chúng tôi được Hội LHPN tỉnh tạo điều kiện tham quan các mô hình may mặc, đan năn tượng, lục bình... Mỗi nơi mỗi cách làm khác nhau, nhưng đều để lại bài học quý. Tôi nghĩ, điều quan trọng là học để truyền đạt lại, rồi triển khai trong từng tổ, nhóm sinh kế của xã, để chị em biết cách làm, có cái nghề và công việc ổn định”.
Ở mỗi nơi đến, họ không chỉ xem mà còn được tận tay làm thử, trò chuyện, chia sẻ. Theo đó, mô hình may mặc được chị em Khánh Tiến tâm đắc nhất, bởi tính khả thi và phù hợp với đời sống địa phương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý (thứ hai từ trái sang), Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cùng chị em phụ nữ xã Khánh Tiến tham quan mô hình đan năn tượng, ấp Nhà Máy B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình.
Cụ thể, đoàn đã đến tìm hiểu tại cơ sở may gia công của bà Nguyễn Thị Tú Em, xã An Xuyên, TP Cà Mau. Bà Tú Em chia sẻ: “Ngày trước, tôi từng làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh. Làm riết cũng quen tay, học được nhiều công đoạn ráp đồ. Sau một thời gian, tôi về quê, thấy nhiều chị trong xóm không có việc làm, ngày cứ trôi qua trong cảnh nhàn rỗi. Vậy là tôi suy nghĩ, tại sao mình không thử mở một cơ sở nhỏ để vừa làm, vừa truyền nghề? Tôi nghĩ đơn giản, mình làm được thì chị em cũng sẽ làm được; có người hướng dẫn, có chỗ làm, là họ sẽ có thu nhập”.
Vậy là vào đầu năm 2024, với số vốn tích góp và sự ủng hộ của Hội LHPN xã, bà Tú Em mạnh dạn mở cơ sở may nhỏ. Tiếng máy may bắt đầu vang lên trong căn nhà nhỏ. Lúc đầu chỉ vài chị đến học, giờ cơ sở đã có 15 chị gắn bó, người may tại xưởng, người may tại nhà. Thu nhập tuy chưa cao (từ 4-7 triệu đồng/tháng) nhưng ổn định, phù hợp với chị em nông thôn. Quan trọng hơn, ai cũng thấy mình được quan tâm, được công nhận.
Cơ sở may gia công của bà Nguyễn Thị Tú Em tạo công ăn việc làm cho chị em tại địa phương.
Bà Tú Em còn được Hội LHPN xã tín chấp vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thêm máy móc. Giấc mơ nhỏ ngày nào giờ đang dần thành hiện thực, khi bà nghĩ xa hơn, đến chuyện đào tạo nghề cho lớp trẻ, kết nối với các đầu mối tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh để đầu ra ổn định.
Chị em phụ nữ xã Khánh Tiến còn tâm đắc nghiệm ra một điều, đó là không chỉ có phụ nữ khoẻ mạnh mới có thể làm ra kinh tế, qua trải nghiệm câu chuyện của Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật do bà Lê Thị Hồng Phương sáng lập, ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình - một câu lạc bộ đặc biệt đã và đang âm thầm tiếp sức những hoàn cảnh bất hạnh.
Ngày mới thành lập, năm 2016, câu lạc bộ chỉ vỏn vẹn vài chị, lại không có vốn, không kinh nghiệm, nhưng lòng quyết tâm thì chưa bao giờ vơi. Bà Phương kể lại: “Ban đầu chị em còn mặc cảm. Nhưng tôi nghĩ, phải tạo ra nơi để các chị có thể tụ họp, rồi từ đó học một cái nghề. Tôi chọn nghề đan lục bình, vì dễ học, nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng chị em”.
Từng bó lục bình khô qua tay các chị đã biến thành giỏ, hộp, khay... đẹp và hữu ích. Công việc thủ công tuy vất vả, thu nhập còn khiêm tốn (từ 1-2,5 triệu đồng/người/tháng), nhưng mang lại niềm vui bởi họ không còn thấy mình bị bỏ lại, mà trở thành một phần tích cực trong xã hội. Ðến nay, câu lạc bộ đã có 24 thành viên khuyết tật và hơn 180 phụ nữ khó khăn cùng tham gia.
Những mô hình sinh kế như may mặc, đan lục bình và đan năn tượng đã và đang giúp phụ nữ nông thôn Cà Mau vượt qua khó khăn, tạo dựng cuộc sống ổn định. Sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, Hội LHPN và sự nỗ lực không ngừng của bản thân là yếu tố quan trọng giúp chị em phụ nữ vươn lên, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Qua chuyến học tập mô hình, tới đây, Hội LHPN xã Khánh Tiến sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể khác để vận động nguồn lực, từ máy móc, vốn vay ưu đãi, đến người hướng dẫn nghề, để chị em có thể bắt đầu từ những bước nhỏ nhưng vững chắc.
“Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc triển khai mô hình, mà còn muốn giúp chị em tự tin hơn, đoàn kết hơn. Làm được việc là một chuyện, nhưng làm với tinh thần sẻ chia, cùng nhau tiến bộ thì mới bền vững. Với vai trò của mình, tôi cam kết sẽ đồng hành cùng chị em, không để ai thấy mình đơn độc. Chúng tôi sẽ cùng nhau bước tiếp, từng bước một, trên con đường khởi tạo sinh kế”, bà Xuân chia sẻ./.
Hoàng Vũ