ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 9-7-24 04:50:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phát triển đô thị xanh, thông minh

Báo Cà Mau Năm 2017, Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành, đã cơ bản cụ thể hoá hệ thống đô thị theo Chương trình Phát triển đô thị Quốc gia, giai đoạn 2012-2020 tại Quyết định số 1659/QÐ-TTg, ngày 7/11/2012, của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện Chương trình Phát triển đô thị thời gian qua tại tỉnh Cà Mau đạt được một số kết quả nhất định, số lượng đô thị toàn tỉnh tăng từ 10 đô thị năm 2017 lên 22 đô thị năm 2022; tỷ lệ đô thị hoá 22,65% năm 2017 được nâng lên 29,09% năm 2022.

Tình hình quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Rất nhiều dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được triển khai theo kế hoạch. Các dự án nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được thực hiện. Việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng tập trung vào các dự án hạ tầng khung kết nối giữa các đô thị có tính chất trung tâm với các khu chức năng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh và dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây mới hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung các đô thị là động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Các chỉ tiêu quan trọng về phát triển đô thị như: GRDP khu vực đô thị, diện tích sàn nhà ở đô thị, diện tích đất giao thông đô thị, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch, đất cây xanh đô thị... từ khi thực hiện chương trình đến nay đã được cải thiện đáng kể so với trước.

Tuy vậy, mặc dù hệ thống chỉ tiêu phát triển đô thị đã được cải thiện, nhưng tổng thể chất lượng đô thị còn thấp, đặc biệt mạng lưới giao thông trong các đô thị phát triển thiếu đồng bộ. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn ít; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế, phát triển chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ đô thị hoá tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp so với bình quân cả nước (bình quân cả nước năm 2022 là 42%).

Với mục tiêu phát triển đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu đến năm 2025 đất cây xanh toàn đô thị đối với đô thị loại III trở lên đạt tối thiểu từ 7 m2/người. (Ảnh chụp tại Phường 5, TP Cà Mau).

Một số chỉ tiêu quan trọng tuy có tăng nhưng chỉ ở mức tối thiểu như: đất dân dụng bình quân đầu người, công trình đầu mối giao thông, cấp điện sinh hoạt, mức tiêu thụ nước sạch, công trình thể thao cấp đô thị... Một số chỉ tiêu chưa đạt như: tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý, đất cây xanh đô thị... Một số chỉ tiêu về phát triển đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được đề cập đến trong chương trình phát triển đô thị tỉnh trước đây.

Ðồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, nguyên nhân hạn chế chủ yếu là do nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng xa các khu trung tâm kinh tế lớn như: TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... nên việc xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, xử lý nước thải đô thị, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế... đang gặp nhiều khó khăn, trong khi các đô thị hiện nay có xu hướng mở rộng và phát triển rất nhanh dẫn đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật không bắt kịp tốc độ phát triển. Công tác lập quy hoạch tuy được cấp thẩm quyền quan tâm nhưng việc thực hiện chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị, khu vực phát triển đô thị còn chậm; nguồn lực thực hiện quy hoạch (nguồn kinh phí, cán bộ quản lý, tư vấn...) còn thiếu, yếu và chưa được các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng.

Trước thực tế đó, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; cùng với quan điểm phát triển đô thị đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng; đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội; đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường..., tại kỳ họp thứ 12 vừa qua, HÐND tỉnh quyết nghị điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu phát triển đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh giữa các đô thị trong tỉnh và của hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phấn đấu đến năm 2025, Sông Ðốc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2030 thành lập thị xã Sông Ðốc, là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh, trục tam giác phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Theo đó, quyết tâm tăng tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt khoảng 35%, với 26 đô thị. Trong đó, TP Cà Mau đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 2 đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III là Sông Ðốc, Năm Căn. 23 đô thị loại V, gồm: 7 đô thị huyện lỵ hiện hữu: Cái Nước, Ðầm Dơi, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân), Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Trong đó, các đô thị: Cái Nước, Ðầm Dơi, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm và Trần Văn Thời đến năm 2025 đầu tư cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Hiện, có 12 đô thị loại V đã được công nhận: Hàm Rồng, Hàng Vịnh (huyện Năm Căn); Tân Hưng, Thạnh Phú (huyện Cái Nước); Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển); Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời); Nguyễn Huân, Thanh Tùng, Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi); Phú Tân (huyện Phú Tân); Trí Phải (huyện Thới Bình); Khánh Hội (huyện U Minh). Cùng với đó hình thành 4 đô thị mới: Khánh An (huyện U Minh); Hưng Mỹ, Phú Hưng (huyện Cái Nước); Quách Phẩm (huyện Ðầm Dơi).

Ðến năm 2030, Cà Mau phấn đấu có 29 đô thị, trong đó thành lập 2 thị xã là Năm Căn và Sông Ðốc và 3 thị trấn mới là Ðất Mũi, Tân Thuận, Khánh Bình Tây. Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, các nguồn vốn cho từng giai đoạn phát triển đô thị của tỉnh tới đây sẽ tập trung nhiều cho các công trình, dự án theo quy hoạch, trong đó ưu tiên phát triển các dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết, các công trình ứng phó biến đổi khí hậu... Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối phát triển đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2030 trên 106 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến 2025 khoảng trên 33 ngàn tỷ đồng./.

 

Trần Nguyên

 

Thu nhập cao từ nuôi dúi

Là loài gặm nhấm, dễ nuôi, dễ chăm sóc, cho thu nhập ổn định, thời gian gần đây, mô hình nuôi dúi bắt đầu phát triển trên địa bàn tỉnh. Anh Phạm Ga Băng, ấp Công Ðiền, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, đã và đang thành công với mô hình này.

Tín hiệu tích cực từ thu ngân sách

Mặc dù đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, triển khai các giải pháp hiệu quả, kịp thời, công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tăng khá so với cùng kỳ.

Công cụ hiệu quả trong giảm nghèo và phát triển kinh tế

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển tín dụng chính sách tại Việt Nam. Sau 10 năm thực hiện, cùng với Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Xã khó khăn nỗ lực giảm nghèo

Nguyễn Phích là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 8,3%. Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, xã đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo.

Cần đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng ĐBSCL

“An ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách, cần có giải pháp chủ động thông qua các giải pháp công trình, phi công trình, thích ứng biến đổi khí hậu, khi tình hình hạn hán trong thời gian qua đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tiến độ phát triển của ĐBSCL”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định tại Hội nghị điều phối vùng ĐBSCL lần thứ tư, tổ chức vào chiều 1/7 tại Cà Mau.

Ngư dân đồng hành bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Phần lớn ngư dân đánh bắt ven bờ ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, đã chuyển sang nghề khác để chung tay ngăn khai thác huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản (NLTS).

Chi hội trưởng tiêu biểu

Trong 13 năm gắn bó với công tác hội, chị Ðoàn Oanh Muội, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, được đánh giá là cán bộ hội gương mẫu, tận tuỵ. Ngoài ra, chị còn là tấm gương về sự cần cù, siêng năng lao động sản xuất.

Ðịnh hình diện mạo cầu Gành Hào

Cầu Gành Hào (địa bàn xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) là công trình quan trọng, điểm nhấn cuối trong trục hành lang kinh tế Ðông - Tây, từ Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) xuyên qua Phú Tân, Cái Nước, kéo dài đến Ðầm Dơi và sang thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Công trình trọng điểm này được tỉnh chọn là công trình chào mừng Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVII.

Người dân, doanh nghiệp cần chung lòng với chính quyền cải thiện chỉ số PCI, PGI

Các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị. Phải làm sâu rộng, quyết liệt hơn nữa, làm đến nơi đến chốn các giải pháp cải thiện chỉ số PCI, PGI. Đó là nhấn mạnh của ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PGI) năm 2024 vào sáng 28/6.

Nuôi tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Nêu lên hàng loạt những khó khăn thách thức ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm tại địa phương và khu vực ĐBSCL, như: quy hoạch phát triển ngành tôm còn chậm, hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm…, tại Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Cà Mau vào sáng 28/6, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho rằng chính những tồn tại trên đã dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành tôm thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.