(CMO) Phát triển các làng nghề nông thôn không chỉ góp phần duy trì nét đẹp truyền thống của xóm làng mà còn tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.
Theo Quyết định 1206/QĐ-UBND ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 37 làng nghề. Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đến nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 13 làng nghề.
“Chiếc phao” đa năng
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, nguyên nhân giảm số lượng làng nghề là do khan hiếm nguyên liệu vì chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi; Đầu ra sản phẩm các làng nghề còn hạn chế về số lượng; Giá thành bấp bênh và sức cạnh tranh thấp…, từ đó không ít làng nghề tự chuyển đổi sang nghề khác.
Đan đát các sản phẩm từ trúc, tre là nghề truyền thống có bề dày khá lâu trên địa bàn huyện Thới Bình. Trải qua thời gian, nghề đan đát ở đây gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, đầu ra… nên thời gian gần đây nhiều người đã thay đổi để phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Câu lạc bộ (CLB) dạy nghề đan đát cho người khuyết tật xã Tân Bằng là một điển hình tiêu biểu cho thấy sự năng động để thích ứng tồn tại và phát triển. CLB được thành lập vào tháng 6/2016, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, có công ăn việc làm phù hợp với sức khoẻ, ổn định cuộc sống. Khi mới thành lập, CLB chỉ khoảng 20 thành viên, đến nay đã hơn 50 người tham gia.
Không dừng lại ở người khuyết tật, CLB mở rộng cho cả những phụ nữ ở địa phương lành lặn nhưng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các nghề được dạy gồm kết cườm, thêu tranh, kết hoa, đan giỏ và cắt dây trói cua.
Bà Lê Thị Mười, ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, là một trong những trường hợp khuyết tật lại mang trong mình nhiều căn bệnh. CLB ra đời như một chiếc phao để bà bám víu, có thêm động lực. Sự tự tin trong cuộc sống đã trở lại trên khuôn mặt người phụ nữ đã ngoài tuổi 50 này khi bà chia sẻ, kể từ khi được truyền nghề, cuộc sống gia đình không chỉ ổn định hơn về kinh tế mà bản thân thêm tự tin, lạc quan. Cảm giác mặc cảm với những khuyết tật của cơ thể cũng như sự dằn dặt trong lòng vì là gánh nặng cho con cái đã được trút xuống.
Nghề làm tôm khô là một trong những nhóm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. |
Để phát triển, CLB cũng như chính quyền địa phương luôn tìm kiếm thêm đối tác, nhận thêm hàng gia công ăn sản phẩm theo nhu cầu của bạn hàng. Nhờ sự năng động ấy, cuối năm 2018, CLB đã liên kết với một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhận làm gia công các sản phẩm giỏ bằng lục bình và dây chuối với số lượng lớn. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Tân Bằng Cao Ngọc Phẩm cho biết, công ty này cung cấp nguyên liệu, chị em làm ăn công với mỗi sản phẩm trên dưới 18 ngàn đồng, tuỳ loại. Hiện nay, CLB và công ty này đang có hướng mở rộng thêm quy mô, ký hợp đồng dài hạn để chị em có việc làm ổn định hơn.
CLB đan đát cho người khuyết tật xã Tân Bằng thật sự là chiếc phao đa năng cho những người không may mắn trong cuộc sống. CLB không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà quan trọng hơn hết lấy lại cho họ sự tự tin rằng mình vẫn có thể làm được nhiều việc, vẫn có thể kiếm tiền để nuôi gia đình dù cơ thể khiếm khuyết so với người thường.
Đặc trưng vẫn là nhỏ lẻ
Hỗ trợ người dân nghèo địa phương là một trong những mục tiêu lớn nhất mà các làng nghề nông thôn đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Qua khảo sát thực tế các làng nghề hiện nay, điều có thể thấy rõ nhất là các làng nghề chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu sẵn có tại địa phương như lác, đước, tre, trúc... Đặc biệt là các nguồn nguyên liệu từ nuôi, khai thác thuỷ sản, cá biển, tôm... và các sản phẩm của các làng nghề chủ yếu là mặt hàng phục vụ đời sống. Ngoài ra, các làng nghề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình, mang tính chất mùa vụ, chủ yếu sản xuất bằng thủ công, chưa áp dụng kỹ thuật và khoa học - công nghệ mới dẫn đến thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá chưa ổn định.
Sản xuất còn nhỏ lẻ không chỉ đưa các làng nghề vào hoàn cảnh khó khăn mà còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo số liệu rà soát mới đây của các huyện, thành phố cho thấy, chất thải rắn thông thường thải ra trung bình 13,9 tấn/ngày; Đối với chất thải lỏng thải ra trung bình 407,9 m3/ngày. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh của các làng nghề xử lý các loại chất thải, nước thải này bằng nhiều cách khác nhau như đốt, chôn lấp, việc xử lý sinh học rất ít...
Nhóm làng nghề chế biến như tôm khô, cá khô khoai, mắm, ép chuối... là nhóm có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao từ khí thải, nước thải và chất thải rắn, bởi các làng nghề này hiện nay vẫn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, một bộ phận làng nghề người dân chưa ý thức về ô nhiễm môi trường. Trình độ lao động ở một số làng nghề còn thấp, hạn chế về vốn, không đủ kinh phí để trang bị hệ thống xử lý chất thải...
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chất lượng môi trường hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải và rác thải.
Thấy được thực trạng này, Sở NN&PTNT đã đưa ra giải pháp khắc phục là tăng cường công tác giám sát và thẩm định các kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động của các cơ sở sản xuất làng nghề có ảnh hưởng tới môi trường.
“Sở đã và đang tiếp tục kết hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết./.
Nguyễn Phú