(CMO) LTS: Cà Mau có diện tích ngư trường lớn, thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi hải sản trên biển (cả gần bờ và xa khơi, hải đảo). Việc khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi, phục vụ tái cơ cấu ngành thuỷ sản hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững là hướng đi phù hợp, qua đó từng bước thúc đẩy nghề nuôi hải sản trên biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Đây cũng là hướng đi phù hợp nhằm hiện đại hoá ngành khai thác hải sản của tỉnh khi khuyến khích ngư dân chuyển đổi ngành nghề. Nếu có sự quy hoạch và hỗ trợ phát triển, nghề nuôi hải sản trên biển sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị, đảm bảo chuỗi cung ứng và thị trường ổn định; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo.
Bài 1: Đánh thức tiềm năng
Vùng biển tỉnh Cà Mau có tiềm năng lớn về phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển. Với chiều dài bờ biển trên 254 km, nhiều cửa biển, cửa sông, khu vực ven biển có các bãi triều thích hợp để nuôi các loài nhuyễn thể; khu vực trên biển có nhiều đảo (cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, hòn Đá Bạc), phù hợp cho phát triển nuôi hải sản bằng lồng, bè. Đã qua, từ thành công của một số mô hình nuôi hải sản lồng, bè tại Hòn Chuối và ven biển Đất Mũi đã tạo tiền đề cho nghề nuôi này phát triển.
Điều kiện thuận lợi
Ông Lê Song Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, nhận định: “Vùng biển Cà Mau ít bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên các hoạt động nuôi hải sản diễn ra quanh năm. Khu vực ven biển có các bãi triều thích hợp để nuôi các loài nghêu, sò huyết, hàu, vẹm, ốc hương, ốc móng tay… Khu vực trên biển có nhiều đảo phù hợp cho phát triển nuôi hải sản bằng lồng bè: cá bớp, cá mú đen, cá mú Trân Châu, cá chim vây vàng, cá chẽm…; nhóm giáp sát như tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm tít…”.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương có những bãi tự nhiên người dân đã tận dụng để nuôi sò huyết, mặc dù hình thức này vẫn còn tự phát với những bãi tự nhiên hình thành ở một số khu vực ven sông, ven biển. Cà Mau có thể tận dụng điều kiện thuận lợi này để phát triển nghề nuôi hải sản ven biển nếu được quy hoạch, quản lý của địa phương, ngành chức năng.
Ông Lê Song Hùng cho biết thêm: “Hiện nay, tỉnh chưa có chính sách quy hoạch cụ thể khu vực nuôi hải sản ven biển. Tuy nhiên, ngành chức năng đã có hướng dẫn địa phương nào có các bãi nuôi hải sản thuận lợi thì đề xuất đưa vào quy hoạch của địa phương, nhằm quản lý, phát triển nghề nuôi hiệu quả, vừa giải quyết việc làm, vừa bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tránh nuôi và khai thác tràn lan”.
Cà Mau có nhiều khu vực ven biển có các bãi triều thích hợp để nuôi các loài nhuyễn thể, khu vực trên biển có nhiều đảo, cụm đảo nên có điều kiện thuận lợi nuôi hải sản bằng lồng, bè. Ông Huỳnh Tấn Kiệt, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, một trong những người đầu tiên nuôi cá mú bằng lồng xung quanh khu vực hòn Đá Bạc, cho biết: “Khu vực quanh hòn thuận lợi cho nghề nuôi hải sản bằng lồng bè. Thực tế đã qua cho thấy, cá mú nuôi phát triển tốt, đạt đầu con. Bên cạnh đó, những hải sản khác cũng có thể nuôi hiệu quả, như vòm xanh, tôm tít. Nguồn con giống cá mú thì có liên tục, có thể thu mua của người dân đánh bắt gần khu vực. Đây cũng là điều kiện thuận lợi vì cá giống thích nghi với điều kiện môi trường tự nhiên nên không sợ dịch bệnh”.
Nhiều triển vọng
Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Cà Mau đã triển khai Kế hoạch số 96/KH-UBND, ngày 29/7/2019 của UBND tỉnh về việc phát triển nuôi hải sản trên biển, thực hiện các mô hình thí điểm đối với một số đối tượng hải sản mới, sử dụng lồng bè vật liệu HDPE bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Công tác đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm được tỉnh quan tâm, qua đó giúp ngư dân có thêm nhiều kiến thức về nghề nuôi hải sản để sẵn sàng tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ mới.
Qua thống kê cho thấy, tỉnh có 2 mô hình nuôi hải sản trên biển quy mô lớn, là nuôi cá lồng bè ở Hòn Chuối và nuôi nhuyễn thể của Hợp tác xã (HTX) nghêu Đất Mũi. Cụ thể, ở Hòn Chuối và hòn Đá Bạc có gần 200 lồng bè nuôi (khoảng trên 10.000 m2). Đối tượng thả nuôi chủ yếu là cá bớp, cá mú. Sản lượng nuôi ven Hòn Chuối hàng năm ước khoảng 200-300 tấn. HTX nuôi nghêu Đất Mũi đã thả nuôi khoảng 25 tấn/25 ha nghêu giống, kích cỡ con giống khoảng 3.000-4.000 con/kg, sản lượng ước khoảng trên 1.000 tấn/năm. Bên cạnh đó còn có các mô hình nuôi nhỏ lẻ của người dân ven biển khi họ tận dụng thời gian nhàn rỗi để nuôi hải sản, hình thức nuôi dèo hoặc nuôi ghép các ao, vuông tôm để cải thiện thu nhập.
Mô hình nuôi cá bớp trên đảo Hòn Chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. |
Tại các huyện ven biển, người dân phát triển nghề nuôi hàu lồng trên sông, rạch. Hiện toàn tỉnh có 1.150 lồng nuôi hàu với tổng diện tích nuôi trên 11.000 m2. Sản lượng thu hoạch hàng năm từ 250-300 tấn. Ngoài ra, người dân cũng kết hợp nuôi sò huyết trong vuông tôm với diện tích gần 4.000 ha trong toàn tỉnh.
Ông Lê Văn Út, người nuôi cá bớp bằng lồng bè ở Hòn Chuối, cho biết: “Hiện gia đình có 19 lồng nuôi cá bớp. Cá bớp nuôi ở đây rất hiệu quả, nhiều tỉnh khác cũng nuôi cá bớp lồng nhưng thực tế khi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm có thể nhận thấy nghề nuôi cá bớp lồng bè ở Hòn Chuối của Cà Mau là hiệu quả nhất”.
Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Phong Vụ, Khóm 4, thị trấn Sông Đốc, một trong những người đầu tiên phát triển nghề này trên đảo Hòn Chuối, nhận định: “Có thể nói, Hòn Chuối có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá bớp lồng. Cá thu hoạch được tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, nếu có chính sách hỗ trợ nghề phát triển thì người dân có thể đầu tư tăng số lượng lồng bè. Qua đó, tăng sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm”.
Với nghề nuôi nhuyễn thể hai mảnh, sau một thời gian ồn ào về khai thác nghêu giống trái phép, tranh giành địa bàn nuôi nghêu, ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, xử lý hiệu quả nên tình hình hiện nay ở bãi nghêu xã Đất Mũi đã ổn định. HTX nuôi nghêu Đất Mũi hiện đang trong quá trình thu hoạch nghêu thịt với sản lượng được các thành viên HTX đánh giá khoảng 1.000 tấn.
Diện tích nuôi nghêu của HTX nuôi nghêu Đất Mũi khoảng 25 ha, sản lượng ước trên 1.000 tấn/năm. |
Ông Nguyễn Thành Công, HTX nghêu Đất Mũi, cho biết: “Năm nay sản lượng nghêu đạt cao, hiện các xã viên HTX đang tiến hành khai thác nghêu thịt cho đến cuối năm. Giá bán cho thương lái là 18.000 đồng/kg loại từ 80-85 con/kg, nên năm nay nếu không có gì thay đổi thì người nuôi nghêu sẽ có lãi cao. Đặc biệt, mô hình này còn tạo được việc làm cho người dân địa phương. Người cào nghêu chỉ làm việc khoảng 3 tiếng mỗi ngày, nếu làm giỏi có thể thu nhập từ 300.000-400.000 đồng”.
Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, cũng như thực tế những mô hình nuôi hải sản trên biển đạt hiệu quả thời gian qua sẽ là cơ sở quan trọng để Cà Mau mạnh dạn đề ra định hướng quy hoạch phát triển nghề nuôi hải sản trên biển thời gian tới. Khi ngành chức năng, chuyên môn, nhà khoa học có khảo sát, đánh giá và đưa ra quy hoạch, định hướng cụ thể sẽ giúp nghề nuôi hải sản trên biển có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ tận dụng và phát huy hết tiềm năng của tỉnh Cà Mau trong lĩnh vực nuôi biển. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương ven biển phát triển, giải quyết được việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nhất là giảm được áp lực khai thác ven biển kém hiệu quả như thời gian qua./.
Đặng Duẩn
BÀI 2: CẦN ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC