ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:49:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phía bên kia rào…

Báo Cà Mau (CMO) Nhà ông Sáu Cụt nằm sâu trong con ngõ nhỏ buồn buồn với hàng rào dâm bụt bao quanh, trông có vẻ gì đó rất bí hiểm.

Tụi trẻ con xóm Rẽ Hành chẳng có đứa nào dám léng phéng lại gần căn nhà của ông. Tôi vẫn thường đứng thập thò ở ngoài lộ ngó vào để coi cho rõ mọi ngóc ngách bên trong. Nhà ông Sáu Cụt có con chó mực cực kỳ hung hãn, hễ thấy có bóng dáng của người lạ là nó lại gân cổ lên sủa, như thể nó chẳng cho phép bất cứ một ai đến gần ngôi nhà của chủ nó. Núp trong bụi lùm ngó ra, tôi thấy con chó cứ vẫy đuôi quanh quẩn bên chân ông Sáu Cụt. Lúc đó, trông con chó rất đỗi hiền lành. Thằng Cò vỗ vai tôi:

- Tao với mày phải làm cho con chó đó nghe lời mình như nghe lời ông già mới được.

Tôi nhìn thằng Cò lắc đầu. Trong bụng vẫn không tin con chó đó có thể nghe lời một ai khác ngoài ông già. Vườn cây trái của ông già luôn là niềm khao khát của bất kỳ đứa trẻ nào trong xóm Rẽ Hành. Tôi và thằng Cò luôn tiếc hùi hụi cho ông Sáu Cụt, phải chi chân cẳng của ổng lành lặn như người ta. Ổng sẽ lội đi dài dài xóm, tạt hết chỗ này chỗ kia. Thằng Cò đang nằm gác kèo ong, miệng còn ngậm ngọn cỏ mần trầu ngồi bật dậy vỗ đùi đen đét.

- Ổng không ra khỏi nhà thì mình dụ ổng ra khỏi nhà. Có gì đâu mà sợ.

- Nếu mày không sợ con chó của ổng thì mày ngon nhào vô coi.

Thằng Cò có phần sững lại trước lời thách thức của tôi. Nhưng hình ảnh ông Sáu Cụt nằm lắc lư trên cái võng trong vườn càng khiến chúng tôi thấy xốn xang. Cái võng nhà ông được mắc tòn ten giữa hai cây mít to đùng. Mùi trái cây chín bói thơm lừng, mấy con chim tha hồ kéo nhau về làm tổ trên nhánh cây bưởi, lâu lâu lại cất giọng hót líu lo nghe sướng lỗ tai. Chiếc cần câu trên tay thằng Cò dường như cũng biết buồn mỗi khi đi ngang đìa cá nhà ông Sáu Cụt.

***

Thằng Cò chạy hớt hải đến nhà tìm tôi, giọng nó cứ âm ỉ ngoài ngõ. Má tôi ngưng tay vá lưới nhìn thằng Cò thở hổn hển, hỏi tôi:

- Hai đứa bây định tụ tập phá làng phá xóm gì nữa phải không?

Tôi nhìn má gãi đầu ngượng nghịu, còn thằng Cò thì lấm lét nở một nụ cười bí hiểm.

- Dạ hổng có đâu thím.

Ba má tôi và ba má thằng Cò đã quá quen với mấy trò “chơi ngu lấy tiếng” dậy động xóm Rẽ Hành của chúng tôi. Ngồi chưa kịp nóng đít, thằng Cò đã thục cùi chỏ ra hiệu cho tôi xin má đi chỗ khác. Vẻ mặt nôn nóng của nó làm tôi thêm tò mò. Thằng Cò lôi giật ngược tôi chạy về phía ông Sáu Cụt, nó gí sát tôi vào bụi cây trâm bầu, vẻ mặt đầy hệ trọng:

- Trời cao có mắt. Cuối cùng chúng ta cũng đợi được ngày này.

Tôi bĩu môi nhìn nó:

- Mày định làm khùng làm điên gì nữa đây?

Nó cú đầu tôi cái cốc, rồi khoanh tay đứng lừng lững như một tay anh chị, giọng không ngừng vênh vang:

- Bữa nay tao nghe lỏm được anh Hai tao nói chuyện với mấy người trong xóm, ngày mai xã tổ chức họp mặt thương binh gì đó. Mà điều bất ngờ là ông Sáu Cụt cũng đi nữa. Đây là cơ hội cho tụi mình.

- Mà mày có chắc là ổng đi không?

Thằng Cò chắp tay sau đít dửng dưng:

- Để rồi mày coi.

***

Sau hai mươi ba lần tụi tôi nhấp nhổm cái mông, cuối cùng ông Sáu Cụt cũng bước ra khỏi nhà. Con chó mực tí tởn đi đằng trước, ông Sáu Cụt chống tó đi khập khiễng phía sau. Tôi và thằng Cò lén mở cổng rào đi vào nhà ông Sáu, nó nhẹ nhàng khép cổng lại rồi vội vàng lao thẳng đến khu vườn. Nó nhắm mắt chu mỏ, đưa mũi hít hà xung quanh rồi giơ ngón tay lên quả quyết:

Minh hoạ: M.Tấn

- Tao nghe có mùi ổi chín, mùi mận chín nữa.

Tôi nhìn điệu bộ của nó mà không nhịn được cười. Nhưng quả thật, nhà ông Sáu Cụt mát mẻ và bình yên đến lạ. Tôi nằm trên võng đung đưa trong khi thằng Cò đã leo tọt lên cây há miệng cắn vào trái mận đang lủng lẳng trên cành. Tôi bật dậy trợn mắt nhìn nó:

- Mày làm gì vậy Cò?

Thằng Cò giật thót người, miệng nuốt nước miếng thèm thuồng:

- Thì tao định cắn thử chút xíu coi nó ra sao.

- Mày mà làm vậy là tao bỏ về đó.

- Dạ, “ông nội”! Chỉ được vào chơi không được lấy bất cứ cái gì. Xin thề! Xin thề!

Cơn gió vườn nhà mát lạnh, vài chiếc lá khô rơi xuống mặt nước. Bầy cá rô ục dưới đìa, thằng Cò lấy cục đất chọi xuống miệng chép lia chép lịa “tiếc gì đâu”. Thỉnh thoảng có vài bóng người đi qua trước ngõ, tôi và thằng Cò phải đứng núp vào bụi cây để trốn. Hé mắt nhìn qua cửa sổ, bên trong mọi thứ đều rất đơn giản, vừa đủ cho một người và một con chó. Tất cả đều ngăn nắp chứ không phải như trong tưởng tượng của tôi. Thằng Cò lấy tay thục vào hông tôi:
- Ê! Vô đó không?
Ánh nhìn trân trân của tôi đủ dập tắt mọi hy vọng trong nó. Thằng Cò thở dài, dắt tay tôi ra phía sau nhà. Bụi hoa mười giờ bắt đầu nở rộ, thằng Cò đưa tay ngắt vài nhánh “chút đem về nhà trồng”. Cây me sau nhà bự bằng vòng tay ôm của tôi, nhánh nào nhánh nấy xum xuê trái. Đứng dưới gốc cây nhìn lên, những tia nắng hình rẻ quạt cứ lấp ló trong tán cây mà nhìn hoài không biết chán. Thằng Cò lóng tai nghe ngóng. Nó tiến gần mé đìa, một con chim non nằm lăn lóc dưới mé nước. Tôi kéo vạt áo lau cho con chim, còn thằng Cò thì không ngừng thổi thổi vào. Nó mừng húm:

- Đem nó về nuôi nha.

- Nó còn non lắm. Mình trả nó về tổ đi. Là chim mà không bay trên bầu trời thì tội nghiệp lắm.

Thằng Cò nhìn tôi chán chường. Tôi bắt trớn từ xa nhảy tọt lên cây trong khi thằng Cò đứng phía dưới dùng vai đỡ tôi leo lên. Thằng Cò nhẹ nhàng đưa con chim cho tôi trong cái nhìn tiếc nuối. Tôi dò dẫm từng bước tiến về phía tổ chim. Thằng Cò đứng dưới gốc cây me cũng không dám thở mạnh với những bước chân của tôi. Nó mừng húm khi tôi nói vọng xuống:

- Trên đây còn có ba con chim non nữa nè.

Tôi vừa thả nhẹ con chim vào tổ thì thằng Cò ở dưới gốc me giậm giò giục tôi leo xuống. Tiếng chó sủa ăng ẳng càng khiến tôi cuống cuồng chẳng còn hồn vía. Tôi bước hụt chân rồi ngã nhào xuống nước. Thằng Cò đứng trên bờ nhảy dựng mà chẳng biết làm gì. Ông Sáu Cụt bước hối hả về phía chúng tôi, cây tó trật vuột khiến ông ngã nhào. Nhưng ông vẫn lồm cồm đứng dậy đưa cây tó về phía tôi, miệng không ngừng la lên:

- Nắm chặt lấy cây tó.

Ông với thằng Cò kéo tôi vào bờ với cái bụng óc ách nước. Con chó mực vẫn không quên sự hiện diện của hai kẻ lạ mặt. Nó chỉ thật sự im lặng khi ông Sáu Cụt đưa mắt về phía nó ra hiệu. Thằng Cò mếu máo:

- Ông đừng có méc má tụi con nha. Tụi con vô đây chơi thôi chứ không có lấy bất cứ thứ gì hết. Ông không tin thì coi lại đi.

Thằng Cò xoè hai bàn tay đưa về phía ông Sáu Cụt. Tôi vẫn đứng run run như cầy sấy. Ông Sáu nở nụ cười hiền làm cho chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên, gương mặt lạnh lùng chúng tôi vẫn thấy lúc nép sau bụi lùm nhìn vào như chẳng còn chút dấu vết nào. Ông sáu đưa bộ quần áo cho tôi thay. Thằng Cò bụm miệng cười khi thấy tôi trong bộ đồ thun của con gái. Ông ngoắc tay chỉ tôi lại ngồi trên bộ vạc lúc tôi lấp ló ở cửa buồng. Ông cười ngặt nghẽo khi nghe thuật lại “đường đến khu vườn” của chúng tôi. Ông lấy rổ trái cây trong cái khạp da bò đem ra cho chúng tôi ăn. Thằng Cò đưa mắt nhìn về phía tôi, coi động tĩnh thế nào. Như hiểu được ý đồ của thằng Cò, ông Sáu dúi vào tay nó trái mận đỏ.

- Ăn đi con. Ở vườn còn nhóc, có ai ăn đâu.

Nghe đến đoạn đó, thằng Cò chẳng thèm để ý đến phản ứng của tôi như thế nào. Tôi cắn ngập răng trái ổi chín thơm lừng mà không quên nhìn nét mặt có chút gì đó gợi buồn và tiếng thở dài mênh mông của ông.

- Tụi con làm gì cho ông buồn hả?

Thằng Cò buông trái mận xuống, chưng hửng nhìn. Ông Sáu nheo mắt rồi nở nụ cười hiền:

- Nhìn mấy con ăn mà ông nhớ cháu nội của ông quá. Hồi nó còn ở đây, nó thường phụ ông trồng cây, tưới nước. Nó thích mảnh vườn này lắm.

- Vậy giờ cháu ông ở đâu? - Thằng Cò nhanh miệng.

- Nó theo ba nó về Sài Gòn sống rồi. Cây trái um tùm mà nó có được ăn đâu.

Không biết lúc đó tại sao tôi lại ngồi xích lại gần ông. Thằng Cò cũng quên đi rổ trái cây thơm lừng, nó ngồi đung đưa hai chân trên bộ vạc.

- Ông đừng buồn. Từ nay ông có tụi con rồi.

Ông Sáu xoa đầu tôi:

- Con đang mặc bộ đồ của cháu ông đấy. Con nhỏ cũng bằng tuổi tụi con. Phải có nó ở đây thì hay biết mấy.

Ngoài sân nắng vẫn hắt xuống từng dòng chói chang, bộ đồ trên sào của tôi đã ngưng rỏ nước từ lâu. Thằng Cò đứng dưới đất ngước mặt nhìn lên vách đọc chữ được chữ mất trên tấm bằng Huân chương Kháng chiến của ông. Tôi dìu ông Sáu ngồi xuống, lấy ấm nước sôi châm trà cho ông. Thằng Cò chạy te te kéo ghế ngồi cạnh ông.

- Hồi đó, đi đánh giặc ông có được cầm súng không ông?

- Được chứ con.

Tôi bỏ ấm trà xuống ngước mặt nhìn ông với vẻ đầy ngưỡng mộ.

- Vậy chắc lúc đó ông oai lắm phải không ông?

Ông Sáu thở dài nhìn ra sân nắng:

- Giá mà hồi đó đừng có chiến tranh, để không ai phải cầm súng. Chiến tranh tàn khốc lắm con. Bên nào cũng mất mát và đau thương.

***

Thằng Cò ném cục đất xuống sông, nhìn bầy cá lìm kìm giật mình quẫy nước. Câu chuyện của ông Sáu cứ ám ảnh suốt dọc đường đi của chúng tôi. Một phần cơ thể của ông đã nằm lại nơi chiến trường, đồng đội của ông có người mãi mãi không trở về nhà. Vậy mà lúc thấy ông chống tó đi ngang qua, cả đám con nít trong xóm chạy vào nhà đóng cửa, hé mắt nhìn ra cười chỉ chỏ “ông già cụt chân”. Lúc đó cả tôi và thằng Cò cũng ném vào ông những lời miệt thị. Không biết ông nghĩ gì lúc cả đám con nít xóm Rẽ Hành rút ván bắc cầu để ông đứng bơ vơ mà con chó thì đâu có nói được gì ngoài tiếng sủa dồn. Tụi trẻ con xóm Rẽ Hành còn lâu mới biết lúc cưa đoạn chân bị nhiễm trùng, thuốc gây tê chỉ là bài hát quen thuộc tụi nó học ở trường.

Má dọn lại mớ mùng mền trong tủ khi mùa gió chướng về. Chứng bệnh viêm xoang hành má suốt đêm, các khớp xương của ba cũng bắt đầu lên tiếng khi đau âm ỉ khắp người. Thằng Cò quấn lên mình đủ các loại áo đứng chờ tôi ở cửa. Ánh nhìn của má có phần kỳ hoặc khi thấy hai đứa tôi đột nhiên thay đổi:

- Hai đứa bây mấy nay ăn trúng thứ gì mà hiền lành đột xuất vậy?

Tôi nắm tay thằng Cò chạy đi mà không quên nói vọng lại, tụi con hiền đó giờ mà.

Cổng rào của ông Sáu đóng cửa im lìm. Hàng xóm nói, con ông Sáu về rước ổng lên Sài Gòn chữa bệnh. Miểng đạn trong đầu ông cứ trở trời lại lên cơn đau nhức. Tôi với thằng Cò đứng lặng một lúc lâu, cánh cửa rào chỉ khép hờ như chờ đợi chúng tôi. Ông Sáu để lại lời nhắn bên hàng xóm là nhờ chúng tôi coi nhà giúp. Thằng Cò chống cằm thở dài:

- Không biết chừng nào ông Sáu mới về?

Nó hỏi mà không đợi câu trả lời của tôi. Nó lôi tôi đi một nước ra phía sau, chỉ tay vào mấy liếp mía bên bờ:

- Mày đánh lá mía, còn tao vô chân mía.

Vừa dứt câu nói, nó đã xắn tay áo lên chui vào liếp mía. Mấy đứa trẻ con trong xóm Rẽ Hành không còn thấy bóng dáng của hai thằng “chơi đía” vào những buổi chiều mát mẻ. Tôi và thằng Cò ở lì trong mảnh vườn đợi ông Sáu trở về.

***

Buổi chiều thứ mười lăm, tôi và thằng Cò ngồi trước hàng ba cùng rổ trái cây thơm lừng. Cơn gió chiều thổi nhè nhẹ qua hiên, tôi và thằng Cò chia trái cây ra từng bọc nhỏ chuẩn bị đem cho hàng xóm như cách ông Sáu vẫn thường làm. Tiếng xe ô-tô dừng lại trước ngõ, thằng Cò nhảy cẫng lên, giọng không ngừng hét lên: “Ông Sáu về rồi”. Tôi ùa chạy ra sân, ông Sáu lần bước xuống xe, phía sau ông một bé gái với hai bím tóc xinh xinh mang vác đủ thứ đồ đạc trên người. Cô bé nở nụ cười trong vắt. Ông Sáu chỉnh lại miếng vải băng trên đầu rồi vẫy tay về phía chúng tôi. Đám trẻ xóm Rẽ Hành í ới gọi nhau phụ xách đồ cho ông Sáu, có đứa còn giành đi trước để dọn đường. Bữa đó cổng rào nhà ông Sáu mở rộng dữ lắm…./.

Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương