(CMO) Mô hình trồng rau VietGAP vừa giúp người dân giảm bớt chi phí trong quá trình sản xuất, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm VietGAP chưa được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn sử dụng nên mô hình này khó duy trì và nhân rộng.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai mô hình trồng rau VietGAP tại các ấp 1, 4, 5 và ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi. Mô hình này có 51 hộ dân tham gia thực hiện, diện tích hơn 22 ha. Những hộ này được các ngành chuyên môn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất và được Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
So với sản xuất truyền thống, mô hình trồng rau VietGAP có nhiều ưu điểm như ít bị các loại sâu bệnh gây hại, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, qua sản xuất, mô hình này còn một số hạn chế nên người dân khó có thể duy trì và mở rộng.
Bà Cao Tuyết Hằng, Ấp 5, xã Trần Hợi, tham gia sản xuất mô hình rau VietGAP được 3 vụ. Bà cho biết mô hình này có lợi ở chỗ giảm được chi phí về phân, thuốc, bởi trồng trong nhà lưới, bướm không vô được nên không sinh sản sâu, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn so với trồng ở ngoài.
Ưu điểm là vậy, nhưng đầu ra của rau VietGAP không ổn định, giá cả cũng không cao hơn các loại rau khác nên hiện tại nhiều hộ có ý định dừng thực hiện mô hình này để trở lại trồng rau truyền thống.
Ông Trần Văn Thọ, Ấp 5, xã Trần Hợi đang xuống giống vụ cà chua theo chuẩn VietGAP. |
Ông Trần Văn Thọ, Ấp 5, xã Trần Hợi, là người tham gia mô hình trồng cà chua theo chuẩn VietGAP được 2 vụ, nhưng sắp tới có khả năng ông không tiếp tục thực hiện mô hình này. Ông Thọ đánh giá: "Trồng rau VietGAP sản phẩm rất an toàn cho người tiêu dùng, nhưng hiện tại người dân không muốn duy trì mô hình này nữa, do đây là sản phẩm an toàn nhưng giá bán ra cũng tương đương rau không an toàn. Tuy chi phí sản xuất thấp hơn, nhưng công chăm sóc rất nhiều, nếu giá cả như nhau thì chắc tôi không sản xuất theo chuẩn VietGAP".
Ngoài giá cả thấp, đầu ra không ổn định, mô hình trồng rau VietGAP cũng gặp một số hạn chế trong quá trình canh tác. Qua theo dõi của người trồng rau, trồng trong nhà lưới chỉ có cải xanh là phát triển tốt, còn các loại khác phát triển chậm, năng suất thấp. Thông thường nông dân phải trồng luân vụ, có thể trồng 1 hoặc 2 đợt cải xanh thì phải chuyển qua trồng các loại khác, nếu trồng một loại trong thời gian dài sẽ bị sâu bệnh nhiều hơn.
Ông Quách Bé Bảy, Trưởng Ấp 5, xã Trần Hợi, kiêm Tổ trưởng Tổ trồng rau VietGAP, nhận xét: "Trồng rau VietGAP phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, nhưng lúc bán ra giá cả cũng bằng các loại rau thường nên bà con chưa yên tâm sản xuất. Để đảm bảo mô hình này phát triển, sắp tới chúng tôi xin phép nâng tổ hợp tác lên thành hợp tác xã để có đủ pháp nhân trong việc ký kết hợp đồng tìm đầu ra cho sản phẩm".
Những ưu điểm của mô hình trồng rau VietGAP ai cũng có thể thấy được, vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại nhiều hộ trồng rau VietGAP ở xã Trần Hợi đã và đang chuyển sang trồng rau truyền thống hoặc chỉ sản xuất cầm chừng, chờ các ngành liên quan tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu thời gian tới giá cả và đầu ra của rau VietGAP không được cải thiện thì mô hình này khó có thể duy trì./.
Anh Quốc