(CMO) U Minh, cái tên gắn liền với rừng tràm và đặc sản là mật ong nguyên chất. Tuy nhiên, khi nói về cây lúa, ngoài các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời thì đây cũng là nơi không thể không nhắc đến. Song, thời gian gần đây, diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp bởi nhiều nguyên nhân.
Vốn là đất rừng nên việc trồng thêm lúa để lấy ngắn nuôi dài gặp một số khó khăn nhất định, như bờ bao, kênh mương, hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn thiện... Đặc biệt là khu vực thuộc Ấp 12, xã Khánh Lâm, tình trạng này khá rõ nét. Mỗi năm, hàng chục héc-ta lúa thường xuyên xuống giống chậm vì địa hình ở đây là vùng trũng. Thêm vào đó, cùng với hệ thống lâm phần thì chủ trương cống phải khép kín để giữ nước phòng chống cháy rừng mùa khô càng khiến cho việc gieo sạ gặp không ít khó khăn. Bởi để xuống giống được cho vụ lúa đông xuân người dân còn phải chịu phát sinh thêm chi phí tiền dầu để bơm nước ra sông. Hơn nữa, tình trạng đóng cống giữ nước lâm phần còn gây khó khăn cho các phương tiện đi lại nên việc các thương lái thu mua lúa ép giá nông dân, dẫn đến giá lúa cũng bấp bênh.
Ông Trần Văn Tươi, Ấp 12, xã Khánh Lâm, cho rằng canh tác lúa mùa gặp nhiều khó khăn, bấp bênh, nếu đủ điều kiện sẽ chuyển đổi sang trồng rừng. |
Ông Nguyễn Văn Mở, Ấp 12, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Tổng diện tích tôi canh tác 3 ha lúa trong tổng số 12 ha đất rừng. Sản lượng lúa thu hoạch khoảng 5-7 tấn/ha. Tuy nhiên, lợi nhuận thì không là bao do giá lúa khá bấp bênh. Vụ trước giá lúa tôi bán ra chỉ được 4.200 đồng/kg. Chi phí tiền dầu bơm nước để sạ cho mùa vụ dao động từ 500-750 ngàn đồng/ha. Nếu vào mùa mưa nhiều lên đến hơn 1 triệu đồng/ha”.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của người dân ở đây, để thời điểm thu hoạch lúa có thể đưa máy cắt vào mà đất không bị lún, việc sạ lúa cho mùa vụ đông xuân cũng bị trì trệ không ít. Do vậy, nhiều hộ dân trong khu vực này gần đây bắt đầu chuyển hướng từ cây lúa sang trồng tràm.
“Tôi quê ở xã Khánh Hoà, được Nhà nước cấp cho 4,5 ha đất rừng. Trong đó, diện tích trồng lúa được 1,8 ha. Tuy nhiên, do đất nhiễm phèn nặng nên mấy năm gần đây sản lượng lúa thu hoạch không đạt, chỉ khoảng 1,7-2 tấn/ha. Vì thế tôi chuyển hết 1,8 ha này sang trồng rừng”, ông Trần Thanh Triều, 52 tuổi, Ấp 12, xã Khánh Lâm, bộc bạch.
Được biết, trong 2 năm qua toàn Ấp 12, xã Khánh Lâm chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rừng khoảng 150 ha. Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng thì người dân phải cải tạo lại đất, như cuốc đất, lên liếp để trồng cây giống. Tổng chi phí khoảng 12-13 triệu đồng/ha. Với mật độ trồng khoảng 20 ngàn cây/ha thì thu nhập mang lại ước tính khoảng 70-80 triệu đồng/ha tuỳ thuộc vào từng thời điểm.
Theo kinh nghiệm của người dân, để cây tràm sinh trưởng nhanh thì đất phải cuốc đất, lên liếp. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ các giai đoạn nên dọn, phát cỏ, chặt tỉa cành thì sẽ rút ngắn được một nửa thời gian thu hoạch. Đối với cây tràm Úc, trồng từ 3-5 năm là có thể thu hoạch, còn tràm cừ thì khoảng 5-6 năm có thể thu hoạch thay vì trước đây phải từ 8-12 năm. Quan trọng nhất là phải nắm vững các kỹ thuật về phòng chống cháy rừng để đảm bảo an toàn tránh nguy cơ gây thiệt hại.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh Đỗ Thanh Dân thừa nhận: “Việc sản xuất lúa 1 vụ, 2 vụ ở đây còn rất nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, địa hình là đất vùng trũng, nước sông dâng cao gây khó khăn trong việc làm bờ bao, kênh mương… Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất trồng rừng đang diễn ra khá nhiều”.
Ông Dân cho rằng, do có chính sách khuyến khích trồng rừng nên việc chuyển đổi của các hộ dân sẽ không gây ảnh hưởng đến quy hoạch sản xuất. Ngược lại, nếu kết hợp tốt cùng với mô hình nuôi cá đồng, gác kèo ong ở địa phương sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cũng như cải thiện và nâng cao hơn đời sống người dân.
Hiện nay, việc chuyển đổi cây lúa sang cây tràm trên địa bàn huyện mặc dù chưa nhiều so với tổng diện tích tự nhiên nhưng việc làm này đang được người trồng lúa hưởng ứng. Thiết nghĩ, để quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp cũng như định hướng cho người dân cây trồng, vật nuôi phù hợp, ngành chức năng cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể để sản xuất đạt hiệu quả./.
Toàn huyện có gần 26 ngàn héc-ta đất trồng lúa. Trong đó, diện tích xuống giống lúa hè thu 3.760 ha, diện tích xuống giống lúa mùa 2.635 ha, lúa - tôm 15.529 ha, lúa đông xuân 3.760 ha. Diện tích rừng thâm canh chiếm 18 ngàn héc-ta đất rừng trong tổng số 32 ngàn héc-ta của toàn tỉnh. Trong đó, cây keo lai khoảng 8,6 ngàn héc-ta, cây tràm 9,4 ngàn héc-ta, được phép khai thác quanh năm với các thủ tục cần thiết. |
Lưu Ngọc