Ở Cà Mau, các khu rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển là nơi sinh sống của các loài nhuyễn thể như: vọp, chem chép, ốc len..., thức ăn của chúng chủ yếu là các loại tảo, chất mùn hữu cơ dưới tán rừng. Theo đó, nhiều người dân địa phương mưu sinh từ nghề khai thác nguồn lợi này, tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Trước đây, người dân đi bắt vọp, ốc len... về chỉ để chế biến, cải thiện bữa ăn của gia đình. Nhiều năm trở lại đây, với hương vị thơm ngon đặc trưng, các loại: vọp, ốc len, chem chép... trở thành món đặc sản, được thương lái tìm mua.
Theo chia sẻ của người dân xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, loài vọp, ốc len, chem chép có quanh năm, chủ yếu bắt bằng tay, phải luồn sâu trong rừng ở những khu vực cho phép.
Anh Trần Văn Linh, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ, anh làm nghề bắt vọp đã trên 15 năm, ngày nào cũng đi bắt, vào lúc nước lớn thì bắt được nhiều hơn nước ròng. Hiện, vọp có giá 80 ngàn đồng/kg, ốc len 100 ngàn đồng/kg, chem chép 80 ngàn đồng/kg và sâm đất 70 ngàn đồng/kg. Một ngày vợ chồng anh cũng kiếm được từ 7-8 kg, có khi hơn 10 kg, thu nhập vài trăm ngàn đồng.
Hành trình mưu sinh của anh Trần Văn Linh, ấp Xẻo Mắm với chiếc vỏ máy và bộ đồ nghề bắt vọp, ốc len…
Nhiều hộ ở ấp Xẻo Mắm chọn nghề này mưu sinh, vì đa số họ không đất sản xuất, từ nhiều nơi đến vùng đất này sinh sống và lập nghiệp. Công việc vất vả, nhưng có thu nhập trang trải cuộc sống. Những lúc bán được giá cao, họ thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày.
Anh Trần Văn Linh lặn lội vài chục cây số để bắt vọp và các loài thuỷ sản khác.
Loài chem chép thường sống chủ yếu ở bìa rừng và các mé sông.
Thành quả sau một buổi bắt vọp và ốc len của anh Linh.
Hoàng Vũ thực hiện