“Đến nay, tỉnh đã triển khai phương án bố trí, tổ chức không gian tổng thể các hoạt động sự kiện; cơ bản hoàn thành công tác tổ chức, sắp xếp bố trí không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và triển lãm thương mại sản phẩm OCOP, với tổng số gần 400 gian hàng; sẵn sàng đón các chủ thể tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của cơ sở”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, thông tin.
Về trưng bày sản phẩm OCOP, số lượng đăng ký là gần 200 gian hàng. Cụ thể: không gian trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu Việt Nam là 48 gian hàng; không gian trưng bày sản phẩm các tỉnh, thành phố 75 gian hàng; không gian trưng bày sản phẩm OCOP các huyện, TP Cà Mau 33 gian hàng, còn lại là các gian hàng khác.
Công tác bố trí gian hàng, không gian trưng bày sản phẩm OCOP đang được Ban Tổ chức khẩn trương hoàn thiện.
Ðể chuẩn bị cho Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023, ngành NN&PTNT đã tham mưu tỉnh thực hiện công tác nâng hạng sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chủ tịch Hội đồng Ðánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, chia sẻ: “Ðây là năm đầu tiên tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh, thành cả nước nói chung thực hiện đánh giá, chấm điểm các sản phẩm theo bộ tiêu chí mới được ban hành tại Quyết định số 148 ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, Hội đồng thống nhất chọn 26/30 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Ðến nay, toàn tỉnh có tổng số 145 sản phẩm OCOP; có 32 sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại đạt chuẩn OCOP 3 sao”.
Các chủ thể OCOP của tỉnh Cà Mau đang rất phấn khởi chuẩn bị tinh thần tham gia vào sự kiện trọng đại này. Các chủ thể đã đăng ký gian hàng tại cấp huyện và thiết kế ý tưởng bố trí, trưng bày sản phẩm để tạo được hiệu ứng nổi bật, hoành tráng tương xứng với tầm vóc, quy mô của sự kiện.
Các chủ thể OCOP của tỉnh Cà Mau, đang rất phấn khởi chuẩn bị tinh thần tham gia vào sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh chụp tại Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm, ấp Lung Đước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn).
Chị Lê Thị Giàu, Phó giám đốc Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) chia sẻ: “Là 1 trong 4 chủ thể đại diện huyện Năm Căn tham gia Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023, hợp tác xã cảm thấy rất vinh dự và gắn liền đó là tinh thần trách nhiệm với những sản phẩm mình đem đến Festival lần này. Với tiêu chí là những sản phẩm OCOP sạch, thiên nhiên thuần tuý, hiện nay, hợp tác xã đang chủ động nguồn nguyên liệu để chế biến các sản phẩm như khô tôm đất thiên nhiên, thịt cua thiên nhiên... góp phần quảng bá sản vật địa phương".
“Một nội dung không kém phần quan trọng đối với các chủ thể OCOP là Hội thi Sản phẩm OCOP tiêu biểu. Hội thi nhằm khuyến khích và phát huy ý tưởng sáng tạo của các chủ thể OCOP; lựa chọn được những sản phẩm có thiết kế đẹp, câu chuyện hay, tiêu biểu cho các sản phẩm OCOP tỉnh", ông Nguyễn Văn Quân cho hay./.
Phú Hữu