(CMO) Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 5/8/2009, của Bộ Chính trị khoá X về Ðề án an ninh lương thực (ANLT) quốc gia đến năm 2020, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; nhận thức về ANLT, thực phẩm của cấp uỷ, chính quyền, của ngành chức năng được nâng lên.
Sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, từng bước xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, sản lượng cao và đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sản lượng lúa duy trì hàng năm đạt trên 500.000 tấn; sản lượng thuỷ sản năm 2020 đạt khoảng 600.000 tấn (tăng 1,8 lần so với năm 2009); đàn heo xuất chuồng khoảng 170.000 con (giảm khoảng 48.000 con so với năm 2009); đàn gia cầm đạt 5,5 triệu con (tăng 4,2 triệu con so với năm 2009).
Nuôi tôm trong nhà kính theo công nghệ cao, hướng tới đảm bảo hiệu quả nghề nuôi, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng sản phẩm. |
Tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 18% xuống còn 11%. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, lưu thông, dự trữ lương thực, thực phẩm được đầu tư nâng cấp và duy tu sửa chữa thường xuyên; năng lực sản xuất, lưu thông được nâng cao, các kênh phân phối được mở rộng, hoàn thiện; khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Nhận diện thực tế cho thấy, việc đảm bảo ANLT ở địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: chậm rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu của thị trường; hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu còn nhỏ lẻ; chất lượng hoạt động của nhiều hợp tác xã còn yếu kém; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành nhưng chưa bền vững; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, còn nhiều sản phẩm chưa qua chế biến sâu... tái cơ cấu nông nghiệp chưa tạo ra được giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Quản lý sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập, chưa phát huy được nhãn hiệu hàng hoá đã được chứng nhận; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tuy đã được quan tâm nhưng còn hạn chế...
Kế hoạch số 23, ngày 22/3/2021, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29/7/2020, của Bộ Chính trị về bảo đảm ANLT quốc gia đến năm 2030 chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chưa quan tâm đúng mức về bảo đảm ANLT.
Sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc triển khai, thực hiện về ANLT chưa đầy đủ, cụ thể. Công tác nghiên cứu về ANLT, an ninh dinh dưỡng chưa được triển khai toàn diện.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 là tiếp tục duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa (diện tích gieo trồng) 110.000 ha. Hàng năm, sản lượng lúa đạt khoảng 500.000 tấn; sản lượng thuỷ sản đạt 800.000 tấn (trong đó sản lượng tôm đạt 360.000 tấn); đàn heo xuất chuồng đạt 300.000 con; đàn gia cầm xuất chuồng đạt 5,5 triệu con. Nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn, bảo đảm tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020.
Phối hợp cùng cả nước đảm bảo cung cấp đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm: thịt, trứng, sữa, thuỷ sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nâng cao đời sống Nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống. Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 19% và thể nhẹ cân xuống dưới 10%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.
Ðể đạt mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền về công tác bảo đảm ANLT; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm ANLT. Tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, cụ thể là duy trì sản xuất theo hệ sinh thái ngọt đối với vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau; linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi các khu vực ngọt hoá quy mô diện tích nhỏ của huyện Thới Bình và TP Cà Mau.
Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ANLT. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiệu quả quản lý Nhà nước về ANLT, bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai...
Trần Nguyên