(CMO) "A-lô, đúng 8 giờ sáng thứ 5 tập trung lại Hội Văn học Nghệ thuật lãnh nhuận bút mấy bài ca cổ nghen!"- Thỉnh thoảng nhận được cuộc gọi của Soạn giả Minh Đăng như thế là tôi lại háo hức. Mừng vì thành quả sáng tạo là một lẽ, nhưng hơn hết đây cũng là dịp quý báu để có thể gặp gỡ cô chú, anh chị đồng nghiệp đi trước, qua đó những câu chuyện về nghề viết cứ thế thêm dài.
Đảm nhiệm vai trò biên tập chương trình đờn ca tài tử của Đài PTTH Cà Mau, bên cạnh việc sáng tác rất đều tay, Soạn giả Minh Đăng lúc nào cũng hết lòng hỗ trợ, động viên đồng nghiệp cháy thêm ngọn lửa đam mê.
Có lần bị cuốn theo câu chuyện nghề giữa cái nắng xôn xao, tôi chợt hỏi: "Một quãng đường dài gắn bó với nghề, có bao giờ bản thân chú cảm thấy hài lòng với những gì mình đã gặt hái?". Ông cười, nụ cười hào sảng có duyên: "Biết sao mà hài lòng, cái nghề của mình mà, lúc nào cũng lắng nghe và lấy sự đón nhận của công chúng làm niềm hạnh phúc thôi!".
Chàng trai đất Bắc trót mê tài tử
Những chương trình đờn ca tài tử của Đài PTTH Cà Mau luôn có bàn tay chăm chút tỉ mỉ của Soạn giả Minh Đăng. |
Đầu thập niên 80, có chàng bộ đội gốc Bắc giải ngũ xin về Ty Văn hoá Thông tin Minh Hải với niềm khao khát được tiếp tục cống hiến sức trẻ nơi miền đất cuối trời.
"Bây giờ chú bố trí cho cháu về phòng văn nghệ quần chúng công tác nghe!". "Dạ, dạ, cháu mê văn nghệ lắm...". Nghe Nhà thơ Nguyễn Hải Tùng - nguyên Trưởng Ty Văn hoá Thông tin Minh Hải khi ấy đặt vấn đề, chàng trai Nguyễn Mạnh Đăng (Minh Đăng, sinh năm 1954) như mở cờ trong bụng, vì vốn dĩ từ nhỏ cho đến những ngày sống trong môi trường quân ngũ, lúc nào niềm mê say ca hát, cải lương cũng được dung dưỡng một cách rất hồn nhiên.
Có cơ hội cọ xát trong môi trường nghệ thuật, làm việc chung với nhiều tác giả lớn như Trọng Nguyễn, Thanh Tâm, Trần Xuân Linh..., thấy đàn anh đi trước viết vọng cổ ca từ mướt rượt, được nghệ sĩ trình diễn hay quá, đã thôi thúc ông phải tập viết thử cho thoả lòng. Ngặt nỗi chưa biết cấu tứ, niêm luật bài vọng cổ ra sao, nên cách duy nhất là lần theo từng dấu, khuôn, nhịp từ các bài vọng cổ mẫu sẵn có rồi viết lời.
Trong thời gian ngắn, "Hương cau kỷ niệm", bài vọng cổ đầu tay của ông lấy xúc cảm từ hình ảnh thơ ấu gắn chặt với vùng quê nghèo bên ông bà ngoại đã nhận rất nhiều lời khen ngợi, rồi được chọn phát trong chương trình phát thanh Tiếng ca từ quê hương Minh Hải. Lần đầu tiên được nghe tác phẩm của mình trên làn sóng phát thanh, lòng ông cũng mừng rơn theo từng nhịp song lang.
Từ niềm khích lệ rất lớn này, đã chắp thêm động lực cho ngòi bút trẻ. Bằng sự lắng nghe, chắt chiu học hỏi, những bài vọng cổ của ông lần lượt nối tiếp nhau ra đời. Không chỉ xuất hiện trên làn sóng phát thanh của tỉnh Minh Hải, mà còn cả các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang...; Đặc biệt, trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, thường xuyên xuất hiện tác phẩm mới của Minh Đăng. Tên ông dần được nhiều đồng nghiệp và khán thính giả biết đến với lối viết bài vọng cổ có chiều sâu, tính hình tượng cao. Cùng với chủ đề cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, hình ảnh người mẹ được ông tập trung khai thác ở nhiều phương diện, viết bằng cả tấm lòng đối với hình ảnh thiêng liêng nhất của đời mình...
Góp bàn tay giữ lửa đờn ca
Khi phong trào đờn ca tỉnh nhà bắt đầu được nhen nhóm trở lại, lúc này với vai trò nhân viên phòng nghiệp vụ, tác giả Minh Đăng bắt tay vào việc tìm và mời những nghệ nhân, tài tử thuộc thế hệ "Cây đa cây đề" như Lâm Tường Vân, Tăng Phát Vinh... cùng ngồi lại với nhau, bình bầu ban chủ nhiệm để năm 1993 cho ra mắt CLB Ca nhạc tài tử trực thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh.
Trong khoảng 10 năm, từ sinh hoạt CLB định kỳ mỗi tháng 1 lần, về sau lên đến 3 lần mỗi tuần. Hoạt động này đã tạo nên phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi, là sân chơi hấp dẫn để giới yêu thích cổ nhạc khắp nơi tìm về. Khoảng thời gian này, ông sáng tác thêm bài bản tài tử thay vì chỉ bài vọng cổ như trước đó. Quyết tâm mày mò lĩnh hội từ các bậc thầy đi trước, tìm sách vở tài tử sưu tầm, càng ngày Nam, Bắc, Oán, Hạ cũng dần dà mềm mại trong ngòi bút của Minh Đăng.
Theo lý giải từ tốn của soạn giả, thật ra nghiệp sáng tác không ai có thể dạy ai được, mà là cái vốn thiên bẩm của mỗi người. Từ vốn liếng về ngôn từ, sự nhạy cảm, lãng mạn đó, người cầm bút gom xã hội vô trong bàn tay rồi khai thác đặt để một cách hợp tình hợp lý, thành đứa con ưng ý của riêng mình.
Điểm lại một hành trình dài song hành với nghệ thuật, ông không thể nhớ chính xác số lượng "đứa con tinh thần" mà mình đã tạo ra. Bên cạnh phần lớn sáng tác là vọng cổ, bài bản tài tử, còn có chặp cải lương, kịch... với nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh và khu vực nối nhau như những sự ghi nhận thật đẹp. Trong số đó, có nhiều tác phẩm được sử dụng thường xuyên và sức sống bền bỉ, đặc biệt là trong các đợt hội diễn đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh (như: Cho mẹ bớt buồn, Đêm nghe mẹ trở mình, Dưới tàn cây cổ thụ, Trông cây lại nhớ đến người, Hoan hô chị sui, Vầng trăng tri kỷ, Vọng mãi tiếng ru xưa...).
Sáng tác của Minh Đăng được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng yêu mến bởi giàu tính hình tượng nhưng mộc mạc, gần gũi, đặc biệt luôn có sự chú trọng gieo vần trong câu ca để hoà quyện giai điệu vừa làm nên sự thi vị, không cưỡng âm dễ ca, dễ cảm, dễ thuộc.
"Bài vọng cổ phải vừa có hình ảnh nhân vật, tính văn học cao, gắn liền với cuộc sống, thật mà giả, giả mà thật. Một bài ca không thể bê nguyên văn nói ngoài đời, phải biến thành văn ca, có vần điệu thể thống thơ. Việc sáng tạo luôn có sự chọn lọc, nghiên cứu, tìm tòi, sao cho chiếm được trái tim người nghe. Vọng cổ thiên về cốt truyện, hình tượng, còn bài bản tài tử thiên về tả, tự sự. Văn phải vừa bám sát thực tế vừa mang tính giáo dục, giải trí. Đầu tiên phải mang tính giải trí, khi người ta "đã" mới thấm rồi làm theo, chớ ép người ta không được...", Soạn giả Minh Đăng tâm tình.
Không dừng lại ở việc sáng tác, một thời gian dài trước đây, ông còn tham gia giảng dạy ở lớp năng khiếu đờn ca tài tử mỗi dịp hè cũng như các lớp tập huấn đờn ca các huyện trong tỉnh. Những nơi đi qua, không coi mình là thầy mà hơn hết Soạn giả Minh Đăng cho rằng mình có trách nhiệm nhen nhóm niềm đam mê đến những thế hệ đi sau.
Một điều không thể phủ nhận rằng, chính cánh sóng phát thanh - truyền hình đã chắp cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh nhà thêm bay cao, bay xa. Đảm nhiệm vai trò là người biên tập, chịu trách nhiệm chương trình suốt 20 năm qua, với tần suất xuất hiện thường xuyên mỗi tháng 1 kỳ truyền hình và 4 kỳ phát thanh, chương trình đờn ca tài tử đã góp phần giới thiệu được nhiều gương mặt tài tử có ngón đờn, giọng ca hay đến gần hơn với công chúng.
Đặc biệt, hễ phát hiện đâu đó có người trẻ đam mê cổ nhạc, có tố chất ca hát hay sáng tác, ông lại sẵn sàng hỗ trợ, cần mẫn nhen nhóm, tạo điều kiện hết mình để họ có cơ hội phát huy khả năng và thoả sức vẫy vùng trong khu vườn nghệ thuật. Đơn giản vì nhìn vào những mầm xanh ấy ông thấy lại vùng trời thanh xuân của mình ngày xưa./.
Hoàng Phúc