ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-12-24 10:34:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

“Nhắn ai luôn giữ câu nguyền…”

Báo Cà Mau Tôi muốn mượn lời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Đằng Giao cùng viết lời) để kể câu chuyện về những người phụ nữ trong hoàn cảnh đất nước chia cắt sau Hiệp định Giơnevơ mà phận đời của họ gắn liền sự kiện tập kết năm 1954, với sự hy sinh âm thầm và tấm lòng sắt son, chung thuỷ.

“Mái đầu xanh thề mãi đến khi già”(*)

Ông Nguyễn Thành Ða, Khóm 6, phường Tân Thành, TP Cà Mau, mở đầu câu chuyện: “Cả đời tôi không biết kêu tiếng “ba”. Ba ruột đi tập kết khi mình chưa tròn tuổi...; ba vợ thì cũng hy sinh năm 1965”.

Sau phút lắng lòng, ông mang ra cho chúng tôi một bọc nhỏ, trong đó có nhiều mảnh giấy ố vàng, một số mảnh chữ viết vẫn còn khá rõ và đẹp, có cả những mảnh ghi tiếng Pháp và chữ Hán, rồi bảo: “Ngoài những giấy tờ này, ông cụ còn có quyển nhật ký nhỏ, khá dày, ghi đầy đủ quá trình đi ra Bắc, rồi những công việc làm ở miền Bắc, nhưng tiếc là bão số 5 đã làm hư hại...”.

Ông Nguyễn Thành Ða (thứ hai, từ trái sang) rất mừng vì vẫn còn biết mặt ba mình qua hình ảnh.

Ông Nguyễn Thành Ða (thứ hai, từ trái sang) rất mừng vì vẫn còn biết mặt ba mình qua hình ảnh.

Chúng tôi thật cảm động khi nghe ông kể câu chuyện về hai đấng sinh thành.

Ba ông Ða quê Bắc Giang, vào Cà Mau trong đoàn quân Nam tiến, thời kháng chiến chống Pháp. Ở Cà Mau, ba ông đảm nhận công việc dạy học cho cán bộ. Có lúc trường học cất ở gần nhà mẹ ông (ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, ngày nay), vậy là ông bà quen biết rồi phải lòng nhau và tiến đến hôn nhân.

Năm 1954, ba ông từ giã gia đình đi tập kết, hẹn 2 năm quay về. Khi ấy, con trai đầu lòng là anh ông Ða 3 tuổi, còn ông Ða mới sinh được 3 tháng. Mẹ ông ở nhà công tác phụ nữ, vừa tần tảo nuôi con, vừa đếm từng ngày từng tháng chồng sẽ trở về.

Chính quyền Mỹ - Diệm không thực hiện Hiệp định Giơnevơ, gây bao đau thương, tang tóc cho miền Nam, 2 năm thành 21 năm dài đằng đẵng... Bao nhiêu người không còn hy vọng sum vầy, hoàn cảnh đẩy đưa, không ít người ra đi và người ở lại tìm cho mình bến đỗ mới... Dẫu vậy, mẹ ông vẫn một mực đợi chờ chồng, dù ngần ấy năm trời không nhận được một bức thư.

“Thi hành Luật 10/59, đêm nào bọn chúng cũng bao vây nhà vì chỉ thấy đàn bà, trẻ con (chúng nghi ngờ đàn ông đi làm cách mạng). Cuối cùng mẹ con tôi phải dọn về ở bên nhà ngoại. Nhà ngoại có dì Hai chết hồi còn nhỏ, mộ chôn ngoài sau, cả nhà nói mộ đó là chồng của mẹ, bọn chúng mới để yên”, ông Ða kể.

Ông Ða còn nhớ, thời đó rất khổ, mẹ ông vừa công tác, vừa phải vất vả làm đủ thứ nghề, kể cả làm mướn, lặn lội đi nhổ bồn bồn làm dưa bán... để kiếm tiền nuôi con. Trong hoàn cảnh ấy, không ít người có thành ý muốn sẻ chia, nhưng bà một mực khước từ.

Rồi cũng đến ngày nước nhà thống nhất. Hoà trong niềm vui chung ấy, bà và các con hân hoan chờ đón ông về. Nhưng chờ mãi mà “bóng chim tăm cá”.

Gần cuối năm 1975, không còn hy vọng, bà xin giấy phép đi đường ra miền Bắc tìm ông. Tuy nhiên, bấy giờ tuyến đường Bắc - Nam đang sửa chữa nên chuyến đi bị hoãn. Qua năm 1976, bà nhận tin sét đánh từ tờ giấy báo tử có tên ông được gửi về. Mọi hy vọng, trông chờ hoàn toàn sụp đổ.

Ngay sau đó, ông Ða (bấy giờ là thầy giáo Trường Ninh Bình) đã lặn lội ra miền Bắc để tìm hiểu nguồn cơn. Ra đó, ông nhận được vali quần áo, giấy tờ ba ông để lại, cùng với các thông tin: Ba ông khi tập kết ra Bắc, làm ở Thư viện Ðại học Bách khoa Hà Nội, sau về Ban Tuyên giáo Trung ương, rồi qua Uỷ ban Văn hoá Ðối ngoại. Tại đây, ông được phân công đi làm đại sứ nước ngoài. Trước khi đi, bác sĩ kiểm tra sức khoẻ và phát hiện ông bệnh tim nặng. Giáo sư Tôn Thất Tùng mổ tim cho ông, ca mổ hoàn thành, nhưng sau đó thì ông không qua khỏi. Ông mất ngày 16/10/1965.

Trong chuyến đi này, ông Ða cũng tìm về quê nội Bắc Giang. Hai bên gặp nhau mừng mừng tủi tủi và ông cũng hiểu thêm về ba mình. “Nội tôi có 7 người con, 6 gái, chỉ duy nhất mình ba tôi là trai. Thấy tình hình chiến tranh không biết khi nào mới kết thúc, những lần ông về thăm nhà, gia đình khuyên ông cưới vợ khác để có con nối dõi tông đường, nhưng ông một mực không nghe. Ông bảo, chờ ngày thống nhất, về Nam sum họp với mẹ con tôi”, ông Ða xúc động kể.

Chân dung bà Phan Kim Ngôn.   (Ảnh gia đình cung cấp)

Năm 2004, thể theo nguyện vọng của mẹ ông “sống chia cắt, chết muốn được gần nhau”, ông Ða đã đưa mẹ cùng ra Bắc bốc hài cốt cha mình mang về quê nhà chôn cất.

Nói thêm về những giấy tờ ba ông để lại, thật nao lòng khi trong đó còn có một bức thư ba ông viết mà chưa kịp gửi mẹ ông. Thư ghi ngày 23/12/1964. Phần đầu thư, ba ông hỏi thăm ông bà nội ngoại, cha mẹ vợ, những anh chị em trong gia đình, tất cả bà con họ hàng từng người một; nhắn vợ đền ơn đáp nghĩa những người đã cưu mang, giúp đỡ gia đình, con cái mình; dặn vợ chăm lo cho con. Ông cũng cho biết, đã gửi cho bà 10 lá thư, chẳng biết có tới không mà không nhận được một dòng hồi đáp. Phần cuối là những tâm tình cùng bà. Xin mạn phép trích nguyên nội dung này: “Em Ba ơi! Chín năm trước đây, mỗi khi nghe tin giặc khủng bố quê ta, anh thương xót đồng bào, đồng thời lo cho em và hai con. Nỗi lo vợ trẻ lọt vào nanh lang sói, anh gởi vào trong bài thơ “Khi về hỏi liễu Chương Ðài”. Ðầu năm nay, cháu Nguyệt (con của hai bác Thái Ðức Hoà) cho hay rằng năm 1959 “cô Ngôn và hai em Cộng, Ða còn sống; hai em rất ngoan và cô Ngôn tham gia cách mạng...”, anh vui mừng, làm hai bài thơ “Tấm khăn thêu” và “Bay theo gió Bắc” tặng em và hai con. Chẳng biết thơ đến nơi chưa?

Anh đau tim nặng, sắp được mổ tim. Sau này nếu em thấy chúng ta không thể gặp nhau được nữa, thì em nên ưng chồng khác, cho khỏi phí xuân xanh. Nhớ chọn người thật lòng thương hai con Ða, Cộng.

Mười xuân cách biệt đôi phương/Tơ lòng Nam Bắc vấn vương muôn trùng...

Chồng yêu quý của em. Nguyễn Văn Chiểu”.

Vậy là không uổng công bà đợi chờ và không phụ lòng ông đặt trọn niềm tin vào “nơi miền xa xôi ấy...”.

Bà Phan Kim Ngôn sinh năm 1932, khi nhận thư chồng, bà 44 tuổi. Trước đã vẹn tình, giờ dù ông có khuyên đi bước nữa bà cũng không màng. Còn ông Nguyễn Văn Chiểu sinh năm 1921, khi mất cũng ở tuổi 44. Xa cách 11 năm, nhưng ông vẫn chung thuỷ với người vợ muôn trùng cách trở không tin tức ở quê nhà.

Năm 2016, bà qua đời. Vậy là ông bà đã mãi nằm cạnh nhau, không có gì chia cắt được.

“Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu..."

Nhà thơ Tế Hanh có bài “Vườn xưa” thật xúc động, nói về việc chia cách lứa đôi bởi “ở hai đầu công tác”; cứ người này về, thì người kia lại đi, họ không được gần nhau. Tôi muốn mượn lời thơ kể về một mối tình “như mặt trăng, mặt trời cách trở” dưới đây.

Chân dung bà Huỳnh Thuỵ Nhã. (Ảnh gia đình cung cấp)

Ông Lý Hoàng Lang và bà Huỳnh Thuỵ Nhã (quê xã Phú Thuận, huyện Phú Tân ngày nay), cùng tham gia công tác ở địa phương sau Cách mạng Tháng Tám, quen nhau và thành hôn.

Năm 1952, ông là bộ đội, theo lệnh trên, ông chia tay người vợ trẻ và đứa con thơ chưa đầy tuổi, hành quân lên núi rừng Tây Bắc tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Sau chiến thắng, ông cùng các đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội rồi công tác nơi này.

Năm 1954, bà Nhã có tên trong danh sách đi tập kết, bấy giờ bà công tác phụ nữ huyện. Dắt theo con trai 3 tuổi, lòng bà vừa luyến lưu, bịn rịn vì phải xa người thân, quê nhà, nhưng cũng chen lẫn nỗi mừng vui sẽ được cùng chồng tái hợp.

“Tuy tiếng cùng ở miền Bắc, nhưng ông bà có được gặp nhau bao nhiêu, vì ba tôi là bộ đội, rất ít ở nhà. Sau đó ông lại đi học bên Trung Quốc, về thì công tác hải quân, tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Nghe nói trận đó hy sinh nhiều lắm, ba tôi còn sống là điều may...”, ông Lý Hoàng Trung, Phường 8, TP Cà Mau, phân trần.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, miền Nam chìm trong lửa đạn, tiếng gọi quê nhà thúc giục, năm 1963, một lần nữa “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” (thơ Nguyễn Mỹ), ông để lại con dại, vợ hiền nơi xứ lạ quê người, vượt núi, băng rừng trở về Nam chiến đấu.

Bấy giờ ông Trung mới 3 tuổi, anh đầu 12, chị kế được 5. “Mẹ tôi công tác ở Thanh Hoá, từ phụ nữ xã rồi lên huyện, sau làm Liên hiệp Công đoàn tỉnh... Thời kỳ đó miền Bắc vô cùng khó khăn, thử tưởng tượng người phụ nữ một nách ba con ở xứ người, không bà con dòng họ, ở nhờ nhà dân hết nơi này đến nơi khác, môi trường làm việc, phong tục tập quán cũng khác..., phải vừa lo cho con, vừa công tác, phải đối nhân xử thế cho phải phép... thì biết vất vả đến thế nào. Chưa kể, có những lúc bị đàn ông ve vãn, chọc ghẹo, thấy buồn tủi trong lòng mà phải mạnh mẽ, kiên cường...”, ông Trung thấu cảm.

Trong ký ức chắp vá thời tuổi thơ, ông Trung kể lại rất nhiều những thiệt thòi, hờn tủi của anh em mình nơi quê người xứ lạ; từng hình ảnh, sự việc đầy gian khổ, khó khăn mà mẹ mình phải trải. Và nỗi ám ảnh lớn nhất với ông là những năm miền Bắc bị đánh phá ác liệt, mẹ ông phải trực canh. “Nhà máy, xí nghiệp cũng là mục tiêu chúng nhắm vào. Mẹ tôi phải đi trực bảo vệ những nơi này. Có lúc phải gửi con sơ tán hơn 10 cây số, mẹ đi về phía cầu Hàm Rồng, ban đêm đạn lửa đỏ trời... lòng những đứa con luôn phập phồng lo sợ. Có những lúc, khi đi mẹ dặn ông anh, chìa khoá mẹ để chỗ này, tiền chỗ kia, con mở cái đó, thì sẽ lấy được cái đó..., nếu lỡ mẹ không về”, ông Trung bùi ngùi.

“Có ai thấu hiểu nỗi niềm người phụ nữ, con 3 đứa, chồng đi B, mấy năm trời mới được một lá thư, có khi cũng chẳng một dòng tin tức. Nỗi lo cho chồng, lo mình chết bỏ lại con bơ vơ, rồi còn bao nhiêu lo toan, khó khăn khác phải đối mặt... Vậy mà công tác vẫn tốt, con cái chu toàn, không điều tiếng gì, vẫn một lòng chung thuỷ... Càng nghĩ, tôi càng khâm phục mẹ mình!”, ông Trung tự hào.

Cái may mắn là, cha mẹ ông Trung dù nghìn trùng xa cách rồi cũng kết thúc có hậu khi đất nước thanh bình.

Số phận của người phụ nữ luôn gắn liền với vận mệnh đất nước. Trong thời buổi chiến tranh, phận đời người phụ nữ càng nhiều éo le ngang trái. Và ở đó, phẩm chất của họ càng được sáng ngời. Mà nói như ông Trung: “Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngoài những tượng đài được dựng lên để ghi tạc những tấm gương kiên cường bất khuất, những mất mát đau thương, như mẹ Thứ, mẹ Suốt..., với tôi, để đi tới vinh quang, còn có một tượng đài vô hình, đó là sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ”.

(*) Thơ Chính Hữu

 

Huyền Anh

 

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.

Các anh về với đất mẹ xứ Đầm

Anh Sáu Phước (Lê Hoàng Phước), nguyên Giám đốc VNPT Cà Mau, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, gọi điện cho tôi, giọng xúc động: “Tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng và trao tặng lại di ảnh của 2 liệt sĩ Lê Tấn Tài và Lê Tấn Lộc, 2 người anh ruột của anh Sáu Phước, tại gia đình. Em liên hệ đoàn theo chuyến này để cùng mọi người đón các anh về với gia đình, với quê hương Đầm Dơi sau mấy chục năm trời”.

Mạch nguồn giáo dục kháng chiến

Nhìn vào lịch sử cách mạng của vùng đất Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy những điều rất đặc biệt về giáo dục trong kháng chiến. Sự nghiệp giáo dục những thế hệ “hạt giống đỏ” cách mạng kế cận luôn là công việc hệ trọng mà Bác Hồ và Ðảng ta luôn đặc biệt quan tâm gắn liền với mục tiêu thiêng liêng của sự nghiệp cách mạng là chiến thắng giặc thù, giành lại hoà bình, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Cà Mau trở thành chiếc nôi giáo dục kháng chiến Nam Bộ và đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh được giao phó.

Hẹn một ngày về

Từ nhiều tháng trước, các cựu học sinh miền Nam (HSMN) ở TP Hồ Chí Minh đã háo hức hẹn nhau cùng về Sông Ðốc - Cà Mau, dự Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, dù trong số ấy không phải ai cũng ra đi từ bến Sông Ðốc. Về với Sông Ðốc - Cà Mau, về với sự kiện mà 70 năm trước được xem là mốc khởi nguồn của các trường HSMN trên đất Bắc, với các cựu HSMN, thêm một lần nữa được tắm mình trong ký ức buồn vui của quãng đời tuổi thơ vắng mẹ, thiếu cha đầy khắc khoải nhớ thương, nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23/11 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.