(CMO) Ở tuổi 82, ông Nguyễn Văn Thiền (Út Thiền, ngụ Phường 7, TP Cà Mau) vẫn duy trì đều đặn việc dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày, cùng thành viên Câu lạc bộ (CLB) xe đạp Nghĩa Phát bon bon trên những cung đường quen thuộc của TP Cà Mau. Ông là thành viên lớn tuổi nhất CLB.
“Cách đây 7-8 năm, tôi có thể chạy 35-40 km/h, hành trình xa nhất và dài nhất là hơn 170 km từ Cà Mau đến Cần Thơ. Rồi dần dà rút ngắn, chỉ đi vài chục ki-lô-mét về các huyện. Nay thì chỉ đạp xe thể thao loanh quanh thành phố”, ông Út Thiền giọng nói sảng khoái, da dẻ hồng hào, cười tươi tắn. Ông còn kể rất nhiều kỷ niệm vui về những chuyến đi cùng CLB tham gia các giải đua xe đạp ở các tỉnh, thành.
7 lần tai biến, đột quỵ
Tôi gặp ông trong chuỗi sự kiện “Hương rừng U Minh” dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Ban đầu, ông Út Thiền đăng ký chạy xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ cùng với anh em CLB xe đạp Nghĩa Phát. Nhưng do địa hình không quen thuộc, cộng thêm đường đua dài 15 km, nên vì lo lắng sức khoẻ, anh em khuyên ông chuyển sang đi bộ xuyên rừng an toàn hơn. Vậy mà mấy ai ngờ, ở cái tuổi 82, ông Út Thiền đã vượt qua rất nhiều vận động viên khác trên cung đường rừng dài 7 km đi bộ xuyên rừng để về đích “Top 10”. Ngay sau đó, ông được các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh phỏng vấn, ghi hình.
“Cảm xúc của mình như thế nào khi đã về đích ạ?”, ông phấn khởi trả lời báo chí: “Sức khoẻ vẫn rất dồi dào, cũng nhờ đã quen vận động xe đạp, đi bộ”.
Ông Út Thiền sau khi về đích cuộc đi bộ xuyên rừng U Minh Hạ. Ảnh: NHẬT MINH |
Theo ông, trước đây khi tháp tùng cùng CLB xe đạp Nghĩa Phát đi các tỉnh, thành như Ðà Nẵng, Ðà Lạt…, dù không trực tiếp thi đấu các giải đua, vì tuổi cao, nhưng ông đã từng trải nghiệm địa hình đồi núi, cây cối nên nếu so với đi bộ, hay chạy xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ thì cảm xúc đặc biệt hơn, nhất là không khí trong lành, hít thở được hương tràm, hương rừng, ngắm nhìn cây trái trĩu quả…
“Con người cũng cảm thấy khoẻ khoắn hơn và tràn đầy năng lượng, tinh thần cũng phấn khởi, bởi đây là quê nhà”, ông khẳng định.
Sau sự kiện, tôi liên hệ với Phó chủ nhiệm CLB xe đạp Nghĩa Phát, anh Nguyễn Văn Khởi, hiện là Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, để tìm gặp ông Út Thiền. Anh tấm tắc: "CLB có hai nhóm, một là nhóm trung niên tầm 40 đến hơn 50 tuổi; nhóm thứ hai là nhóm tuổi cao nhưng vẫn còn sỏi lắm. Ông Út Thiền là người nhiều tuổi nhất, kế đến còn có ông Ngô Minh Tường, 78 tuổi".
"Mỗi sáng khoảng hơn 5 giờ 30 phút, các chú sẽ đạp xe về quán cà phê gần Cửu Long Plaza, đến đó sẽ gặp”, anh Phó chủ nhiệm CLB gợi ý.
Tiếc là mấy hôm nay trời cứ mưa suốt, tôi lỗi hẹn khung giờ sớm. Vậy nên tôi tìm đến tận nhà. Ông Út Thiền tặc lưỡi: “Mưa gió quá không hẹn hò được với mấy ông bạn, buồn dữ luôn. Có lúc thay xong bộ đồ, cộ chiếc xe ra tới cửa là phải quay trở vô”.
Tuy tuổi đã cao nhưng mắt ông vẫn sáng, minh mẫn, tươi vui và hài hước. Nhưng mấy ai biết ông đã từng 7 lần bị tai biến, đột quỵ khi mới hơn ngũ tuần.
“Thời trẻ, rượu bia, thuốc lá tôi có đủ. Tuy có chơi thể thao, đi bộ thể dục nhưng không thường xuyên. Những năm bị tai biến, đột quỵ, tôi mới thấy sức khoẻ vô cùng”, ông Út Thiền bộc bạch.
Năm 68 tuổi, sức khoẻ mới dần ổn định, ông bắt đầu cọc cạch đạp xe mỗi sáng. Ban đầu chạy quẩn quanh gần nhà, rồi gặp gỡ nhiều bạn bè hơn. Duyên bén duyên, ít lâu sau ông gia nhập CLB, thế là ông dần dần nâng cấp, “lên đời” với dòng xe đạp thể thao chuyên nghiệp.
“Sức khoẻ quý hơn vàng!”
Ông khẳng định chắc nịch: “Sức khoẻ quý hơn vàng!”. Ngót 14 năm chạy xe đạp mỗi sáng, sức khoẻ ông Út Thiền cải thiện rất nhiều. Minh chứng rõ nhất là huyết áp tốt, ăn ngon, ngủ ngon, tinh thần luôn lạc quan, thoải mái.
“Nhờ chạy xe đạp thể thao, tôi giao lưu được rất nhiều bạn bè, nhiều CLB xe đạp ở các huyện của tỉnh mình và khắp các tỉnh, thành khác. Ði xe đạp ngắm cảnh, thưởng ngoạn làng xã, thôn quê và còn có dịp hiểu thêm về đời sống văn hoá, nét đặc trưng từng vùng miền. Giống kiểu đi du lịch hen!”, ông Út Thiền tâm đắc. Ngoài ra, CLB của ông cũng còn có nhiều chuyến thiện nguyện để lan toả việc tốt.
Theo ông, “bí quyết” để giữ được sức bền, khoẻ khoắn chính là ăn uống điều độ, ngủ đúng giờ, năng thể dục, thể thao. Nếu không chạy xe đạp được thì nên tập thái cực quyền, đi bộ, hoặc vận động nhẹ để máu huyết lưu thông.
Ông khuyến nghị, chạy xe đạp thể thao nhất định phải đảm bảo an toàn: có nón bảo hiểm, đôi giày, bộ quần áo chuyên dụng, nước uống thì nên pha ít trà, kèm muối, đường để giữ năng lượng trong suốt hành trình. Trước khi đi nhất định phải kiểm tra xe, thay ruột, vỏ mới; nên có dụng cụ sửa xe…
“Tiền bạc không mua được sức khoẻ. Ngay từ bây giờ hãy trân quý nó. Hãy sống vui, sống khoẻ, sống có ích!”, ông Út Thiền vui vẻ./.
Băng Thanh