(CMO) Năm 2018 là điểm mốc đánh dấu nhiều đổi thay về sản xuất và quy hoạch sản xuất hiệu quả ở huyện Thới Bình. Từ việc triển khai thí điểm nhiều mô hình của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã mở ra hướng đi mới cho nông dân.
Đó là những nghiên cứu ứng dụng thiết thực như: Nuôi tôm xen canh lúa, nuôi tôm sú chuyên canh ít thay nước, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên huyện đưa vào sản xuất thử nghiệm mô hình trồng lúa hữu cơ, với diện tích gần 54 ha. Trong đó, có 26,7 ha sử dụng giống lúa ST24, tại Ấp 5, xã Trí Lực và 27 ha giống lúa OM 2517 tại Ấp 4 và Ấp 6, xã Tân Lộc Bắc. Thành công bước đầu của mô hình này giúp bà con nông dân có thêm thu nhập và vô cùng phấn khởi.
Hiện mô hình lúa - tôm càng xanh đang là hướng đi bền vững cho bà con nông dân trên địa bàn huyện. |
Ông Trần Văn Nam, Ấp 5, xã Trí Lực, bộc bạch: “Năm nay là năm đầu tiên tôi làm lúa ST24. Trúng mùa, lại được giá cao, nông dân phấn khởi lắm”.
Ông Trần Văn Thống, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, chia sẻ: "Nuôi tôm thì phải cấy lúa, để lấy gốc rạ làm thức ăn cho tôm, môi trường đất cũng được cải tạo.Nhờ vậy nên năm nào gia đình tôi cấy lúa là trúng vụ tôm".
Hiện 10 xã của huyện Thới Bình đều thực hiện cấy lúa trên đất nuôi tôm, nông dân ở đây được tập huấn kỹ thuật để vụ lúa, vụ tôm đạt kết quả cao hơn, đồng thời cũng để người dân làm ra sản phẩm sạch.
Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa cho biết: "Nuôi tôm càng cùng với trồng lúa là mô hình kết hợp hài hoà, cải tạo được môi trường. Năm nay trên địa bàn xã diện tích nuôi tôm càng tăng hơn so với năm trước. Do giá tôm càng ổn định nên hầu hết bà con đều thả nuôi".
Đặc biệt, việc chuyển đổi giống lúa mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật canh tác đã được nông dân áp dụng mạnh mẽ. Đến nay, giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao được sử dụng trên 95% diện tích. Năng suất lúa năm 2018 đạt từ 4-5 tấn/ha, cá biệt với giống lúa F lai đạt hơn 8 tấn/ha.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm sạch của huyện Thới Bình đang được triển khai ở xã Trí Lực và Tân Lộc Bắc. Theo kế hoạch, những năm tiếp theo sẽ nhân rộng ra nhiều xã.
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết: "Thời gian tới, sau khi được công nhận quy trình sản xuất lúa sạch, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện nay đã quy hoạch khoảng 10.000 ha, tập trung ở các xã: Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Phú, Trí Phải, Trí Lực, Biển Bạch Đông, Tân Bằng và Biển Bạch. Đây là những vùng có điều kiện phát triển cây lúa gắn kết với nuôi tôm".
Mặt khác, trên đồng đất Thới Bình, bà con nông dân còn mạnh dạn ứng dụng thành công mô hình nuôi cua bán thâm canh. Với mô hình này, chi phí đầu tư thấp, dễ áp dụng, kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao, mỗi năm có thể nuôi 2 vụ.
Riêng vụ tôm càng xanh năm 2018, toàn huyện thả nuôi được hơn 16.200 ha, đạt 116% kế hoạch và tăng trên 5.200 ha so với vụ mùa năm 2017. Năng suất tôm đạt từ 180-250 kg/ha. Với giá bán dao động từ 110-120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân có thu nhập hơn 20 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt gần 30 triệu đồng.
Từ thực tế những mô hình trên, huyện đang bắt tay thực hiện nhân rộng trong năm 2019. Mục tiêu đề ra là tổng giá trị sản xuất hơn 9 ngàn tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông nghiệp gần 5.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 44,17 triệu đồng trở lên.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiềm năng của huyện Thới Bình được khai thác hiệu quả, tạo ra các sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao. Đây cũng là nền tảng góp phần đưa Thới Bình sớm về đích huyện nông thôn mới vào năm 2020./.
Minh Phong