(CM- PTĐ) Đó là một trong 3 nội dụng chính được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội thảo tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa tổ chức sáng ngày 6/11, tại Cà Mau do Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh và Ngân hàng Phương Đông OCB tổ chức. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đến dự và phát biểu tại hội thảo.
"Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, khoảng 303.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước và chiếm khoảng 45% vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm nuôi hằng năm đạt trên 300.000 tấn. Tuy là tỉnh đứng đầu so với cả nước về diện tích và sản lượng, nhưng xét cho cùng năng suất còn rất thấp so với cả nước và khu vực. Ngoài các yếu tố tác động từ thiên tai, dịch bệnh Cà Mau thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất. Đặc biệt tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành tôm". Đó là nhận định của phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Để nâng cao hiệu quả ngành tôm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu hội thảo tập trung thảo luận làm rõ 3 nhóm giải pháp liên kết chuỗi từ nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng con giống, thức ăn từ đầu vào đến đầu ra, doanh nghiệp phải tiếp cận chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại cho nông dân sản xuất bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường và nông dân phải tiếp cận nguồn tài chính bền vững từ ngân hàng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi gí trị ngành tôm là mục tiêu mà thời gian qua tỉnh Cà Mau đang theo đuổi. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngân hàng trong chuỗi liên kết cần phải chủ động hơn trong việc hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) về khoản vốn vay, có vậy họ mới có cơ hội đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bởi lẽ đây là một trong những nhân tố tích cực cung ứng khối lượng lớn tôm cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến đóng góp của các bên tham gia trong chuỗi: Doanh nghiệp đầu vào; Doanh nhiệp đầu ra; Đại diện HTX/THT; Ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng OCB Cà Mau sẽ chủ động cung cấp nhiều gói vay ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện người nông dân trong chuỗi ngành hàng chủ lực có điều kiện tiếp xúc với nguồn vốn vay, đáp ứng yêu cầu sản xuất và mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Qua đó các thuận lợi, khó khăn của chuỗi đã được thảo luận sâu, các nhóm giải pháp cũng được đưa ra. Đồng thời các đại biểu cùng nhìn nhận những thách thức của nghề nuôi tôm, như: Hầu hết các hộ nuôi đều là quy mô nhỏ, lẻ, kỹ thuật lạc hậu, rủi ro và ô nhiễm môi trường cao...để đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả./.
Trung Đỉnh