(CMO) “Cung ứng dịch vụ công không chỉ là cung ứng phương thức giải quyết các hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính (TTHC) mà còn là cung ứng các dịch vụ tiện ích, như dịch vụ thanh toán trực tuyến, giám sát, theo dõi chất lượng TTHC... Và trong đó, một trong những công cụ quan trọng để đưa người dân trở thành công dân số chính là dịch vụ thanh toán trực tuyến được cung ứng bởi thanh toán của dịch vụ công”, ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, nhận định.
Tỉnh Cà Mau hiện nay đang xếp thứ 9 trên đơn vị cấp bộ và tỉnh về số lượng giao dịch trực tuyến, được Chính phủ đánh giá cao. Ðiều này cho thấy sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương và người dân trong việc triển khai, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, thanh toán trực tuyến được xem là công cụ tài chính quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Ðể tạo nền tảng thanh toán trực tuyến, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt. Hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung ứng dịch vụ công cho 14 nhóm thanh toán dành cho cá nhân và doanh nghiệp. |
Hiện nay, toàn tỉnh cung cấp 92 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 254 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong đó, có 346 dịch vụ công đã tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 100%.
Ghi nhận 9 tháng qua, đã có 13.369/26.453 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 50,53% (không bao gồm hồ sơ ngành dọc). Trong đó, cấp tỉnh có 5.878/13.662 hồ sơ, đạt 43,02%; cấp huyện có 5.412/ 9.136 hồ sơ, đạt 59,24%; cấp xã có 2.079/3.655 hồ sơ, đạt 56,88%.
Theo ông Hồ Chí Linh, hiện nay thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung ứng dịch vụ công cho 14 nhóm thanh toán dành cho cá nhân và doanh nghiệp, như thanh toán phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế cá nhân/doanh nghiệp; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện… góp phần tạo thuận lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và tạo tiền đề hình thành nên công dân số.
Tuy nhiên, theo ông Linh đánh giá, dịch vụ công trực tuyến hiện nay còn nhiều hạn chế, nhất là liên quan đến thanh toán trực tuyến. Nói về nghĩa vụ tài chính, phải bao gồm cả 2 chiều: chiều của người dân và chiều của Nhà nước với dân. Song, hiện nay chủ yếu đưa ra các dịch vụ để người dân thực hiện nhưng một số đơn vị Nhà nước chưa thật sự làm tốt chiều ngược lại.
Kết quả khảo sát cho thấy, một số lĩnh vực hiện nay vẫn chưa tiếp cận xu hướng chuyển đổi số, xu hướng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, các hình thức chi trả, giao dịch vẫn còn sử dụng phương thức truyền thống, đơn cử như lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Hàng năm, việc chi trả chế độ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội rất nhiều, nhưng hiện nay chưa sử dụng hình thức chi trả trực tuyến. Theo đó, được biết, quy trình chi trả chế độ, chính sách vẫn thực hiện theo phương thức thủ công, truyền thống, sử dụng tiền mặt. Do đó, nếu có giải pháp triển khai thực hiện được hình thức chi trả trực tuyến, chi trả không dùng tiền mặt thì số lượng này rất nhiều và tác động rất lớn đến bộ phận người dân.
Theo kết quả đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc triển khai chi trả các chế độ, chính sách lĩnh vực lao động - thương binh, xã hội theo phương thức không dùng tiền mặt tại một số địa phương là hết sức tiện lợi, hàng tháng đối tượng thụ hưởng không phải đi nhận trực tiếp, không phải mất thời gian đi giao dịch, tìm hiểu thông tin… Do đó, khuyến khích người dân mở tài khoản, app, ví điện tử để giao dịch, để người dân tự chủ, thấy được quyền lợi của mình, từ đó giải quyết bài toán thanh toán trực tuyến.
Ðể thực hiện thanh toán trực tuyến, vai trò của đội ngũ làm bộ phận xử lý hồ sơ chứng từ thanh toán rất quan trọng. Song, nhìn chung, bộ phận này vẫn còn ngại va chạm khi cùng lúc xử lý khối lượng hồ sơ công việc quá nhiều.
Một khó khăn nữa là hệ thống thanh toán dịch vụ công quốc gia ở một số thời điểm nhất định vẫn chưa thật sự thông suốt, tỷ lệ giao dịch thành công có những thời điểm vẫn chưa xác thực kịp thời, nên các giao dịch đôi khi làm người dân cảm thấy ngại khi thực hiện. Giai đoạn hiện nay được ví như “thời kỳ quá độ”, người dân chỉ mới tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới, vẫn còn sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ, chưa phổ biến các hình thức thanh toán trực tuyến, quét mã, sử dụng các ví điện tử. Do đó, sẽ mất thêm khá nhiều thời gian để thiết lập tài khoản thanh toán cho người dân cũng như tạo lập thói quen giao dịch trực tuyến cho người dân. Ðơn cử như những giao dịch lớn về đất đai, thanh toán phí, lệ phí đến nay vẫn chưa phát sinh giao dịch vì người dân vẫn còn ngại thanh toán bằng hình thức trực tuyến.
Ngoài ra, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tính an toàn của giao dịch, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tâm lý người dân. Phải để người dân hiểu rằng, giao dịch thanh toán trực tuyến trên môi trường điện tử của dịch vụ công khác so với giao dịch thông thường. Ðây là hệ thống xây dựng tập trung và đã định dạng sẵn, không bị sai lệch. Những giao dịch này đã được cấu hình trên một hệ thống và được xác định với độ an toàn cao.
Theo đó, cả các cơ quan Nhà nước cũng phải thay đổi phương thức giao dịch với người dân, chuyển từ giao dịch truyền thống chi trả bằng hình thức tiền mặt đến trực tuyến mới đảm bảo được 2 chiều, giữa người dân và cơ quan Nhà nước và lấy người dân làm trung tâm cho việc thực hiện mục tiêu đó, dần dần sẽ tiếp cận toàn bộ quy trình.
“Mặc dù tỉnh hiện đang xếp thứ 9 trên đơn vị cấp bộ và tỉnh có số lượng giao dịch trực tuyến cao, song, địa phương cần có lộ trình chuyển giao cho người dân, đúng nghĩa lấy người dân làm trung tâm, thực hiện các giao dịch với người dân bằng hình thức trực tuyến, để người dân thấy cái lợi, từ đó khuyến khích họ an tâm khi thực hiện giao dịch”, ông Hồ Chí Linh nhấn mạnh./.
Hồng Nhung