ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:42:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Theo nhịp chèo khua

Báo Cà Mau (CMO) "Hò khoan, chị em chúng mình, đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo…". Chiến tranh là khủng khiếp, nhưng cũng có giây phút phơi phới, lạc quan, có chút lãng mạn như lời ca từ đã cất lên.

Những ngày sau Tết Mậu Thân 1968, tôi có lần từ vàm Ông Tự với chiếc xuồng be tám, cộng thêm 2 tàu lá cột chặt vào 2 cột chèo. Người chỉ ngồi điều khiển mái chèo giữ lái, 2 tàu lá căng gió, xuồng rẽ nước rào rào, chẳng bao lâu, nào Phát Thạnh, Rạch Cui, Rạch Ráng… đã ở lại phía sau. Chỉ hơi buồn, vì mỗi xuồng một người, không có ai để chia sẻ những giây phút thư thả ấy.

Từ căn cứ Cái Nước, muốn đi về huyện Trần Văn Thời, Thới Bình phải vượt qua sông Ông Đốc; có yêu cầu về các huyện Năm Căn, Đầm Dơi lại phải qua sông Bảy Háp. Sông Ông Đốc thuộc hệ thống thuỷ triều phía Tây nên dòng chảy nhẹ, chênh lệch mực nước giữa lớn, ròng không nhiều; các kênh, rạch thường ít đập. Ở sông Bảy Háp thì khác, thuộc hệ thống thuỷ triều biển Đông nên dòng nước bao giờ cũng chảy xiết, chênh lệch giữa nước lớn, ròng có khi 5-7 tấc nước. Đường giao thông qua đây phải vượt qua lộ xe Cà Mau - Cái Nước, phải kéo xuồng qua đập, có khi gặp nước kiệt, xuồng từ trong ra, chúi mũi nước tràn vào ngập cả sạp, hoặc từ ngoài vào thì nước tràn sau lái.

Những năm 1969-1971, ở sông Ông Đốc, ngoài hệ thống đồn bót dày đặc, địch còn dùng tàu sắt tuần tra, mật phục ở các vàm rạch ta thường qua lại. Chỉ thời gian ngắn, chị Võ Thị Di (tức Bảy Thiện), Tỉnh uỷ viên, Hội trưởng Phụ nữ tỉnh; anh Huỳnh Văn Nhụ (Tư Vững), Tỉnh uỷ viên, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ và 4 cán bộ Tỉnh đoàn đã hy sinh trong những lần qua sông, 3 thi thể cán bộ Tỉnh đoàn vật vờ trôi ra biển. Sự hy sinh cùng lúc 4 cán bộ Tỉnh đoàn trong một chuyến qua sông định mệnh là nỗi đau khôn nguôi của những gia đình mất chồng, mất con và mất cả thi thể. 

Minh hoạ: M.T

Ở tuyến sông Bảy Háp, bên kia vàm kênh Má Tám là rạch Ông Do, Cây Thơ, Bù Mắc…, là căn cứ của nhiều cơ quan tỉnh. Bên kia của đoạn Đông Thới là Cả Giữa, Cái Keo, tuyến giao thông về trung tâm huyện Đầm Dơi và địa bàn trú quân của huyện Giá Rai ở Đồng Giác - Tân Thuận; từ đại bản doanh ở Cái Nước muốn đi về các hướng trên phải vượt qua án ngữ là lộ xe Cà Mau - Cái Nước. Một lần qua sông ở đoạn Cả Giữa - Cái Keo, anh Lê Triều Xuân, Khu đoàn uỷ viên đụng phải địch phục kịch ở bờ sông, may là đồng chí bảo vệ đã dũng cảm, dùng AK chống trả lại địch, anh chỉ bị thương, đưa về tuyến sau cứu chữa.

Tôi không có dịp tìm hiểu tận tường thân nhân má Tám. Nhà má ở ngọn kênh hay đầu kênh, tuổi má ở trạc nào, người má mập hay ốm, tóc má có bạc phơ, nhà má có nuôi chứa nhiều cán bộ, bộ đội không... Nhưng mỗi lần qua sông Bảy Háp bằng đường kênh Má Tám, tôi luôn hình dung có một gia đình má chiến sĩ sẵn sàng đùm bọc, che chở cán bộ, chiến sĩ, là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con xa nhà. Có điều chắc chắn, tên kênh Má Tám chỉ xuất hiện trong những ngày chiến tranh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Qua sông, còn có dòng Năm Căn. So với sông Ông Đốc và Bảy Háp, sông Năm Căn rộng hơn, một đầu ra biển Đông, một đầu về biển Tây, có dòng chảy rất mạnh. Những năm địch mở chiến dịch "sóng tình thương", sau đó là "hạm đội nhỏ trên sông", địch đã huy động cả tiểu pháo hạm, từng tốp trực thăng vũ trang lùng sục và hàng chục tàu chiến hàn kín con sông này nhằm chia cắt, cô lập phần đất chót vót của Tổ quốc. Đời sống cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân xã Viên An, một phần Tân Ân gặp vô vàn khó khăn. Có lúc thiếu gạo phải ăn trái mắm, thiếu nước phải cất nước mặn để chắt chiu từng giọt nước ngọt. Nhưng địch đã không hàn được sự dũng cảm, mưu trí của những con người nơi đây. Sự chỉ đạo vẫn thông suốt, những đoàn cán bộ, bộ đội vẫn vượt sông, hàng chục tàu, có cả tiểu pháo hạm đã bị nhận chìm. Chính ở dòng sông này, cố Soạn giả Trọng Nguyễn đã nuôi cảm xúc cho ra đời tác phẩm "Quê anh quê em" sống mãi với đời.

Bình thường, sông là mạch máu của đất, bồi bổ phù sa, tiêu nước nội đồng, nuôi sống hàng vạn con người, trong chiến tranh đã mang tầm chiến lược trong thế trận chiến tranh Nhân dân. Mỗi lần qua sông, tất nhiên là chỉ vào đêm, là mỗi lần đọ sức với hiểm nguy, tranh thủ từng giây, từng phút. Dù vậy, khi gặp lúc trăng lên, mặt sóng lấp lánh như bìa trăng bị vỡ, giây phút trời mây, sông nước thoáng qua chút xao xuyến, gân guốc thêm tay chèo.

Qua sông, theo nhịp chèo hối hả, mạnh mẽ, khẩu súng lên đạn sẵn để dưới chân. Rồi cũng đến lúc hơi thở nhẹ tênh, nụ cười lại rạng rỡ khi gặp nhau qua cuộc hành trình đầy may rủi là hồi ức không thể nào quên./.

Nguyễn Thái Thuận

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...