ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 6-5-25 12:43:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn

Báo Cà Mau Thông tư 20/2023/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) có hiệu lực thi hành vào ngày 16/12/2023. Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, nhằm chuẩn hoá các điều kiện từ cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, nhân viên cho công cuộc đổi mới toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Ngành giáo dục Cà Mau đã có bước triển khai toàn diện, nhìn nhận trực tiếp những khó khăn, thách thức để có định hướng, giải pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Bài 1: Nhìn nhận từ thực tế

Ðến thời điểm này, các khối lớp đều học theo chương trình phổ thông mới 2018, do vậy, Thông tư 20/2023/TT-BGDÐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 20) được áp dụng nhằm “soi chiếu” lại những thuận lợi, khó khăn của ngành giáo dục, trong đó có tỉnh Cà Mau. Ðể đưa Thông tư 20 vào thực tiễn, ngành giáo dục đã linh hoạt rà soát thực trạng địa phương.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Cà Mau có 469 trường công lập (mầm non 119 trường, tiểu học 204 trường, THCS 112 trường và 34 trường trực thuộc Sở GD&ÐT), so với năm học 2023-2024 dự kiến giảm 9 trường (mầm non 1, tiểu học 7, THCS 1).

Khó khăn trường kiên cố hoá đã... lâu

Số trường phổ thông được chia theo vùng như sau: Vùng 1 có 130 trường (tiểu học 75, THCS 44, THPT 11); không có trường thuộc vùng 2; vùng 3 có 217 trường (tiểu học 129, THCS 68, THPT 20). Trường chuyên biệt: 3 trường. Tổng số học sinh toàn ngành năm học 2024-2025 là 238.794 học sinh, bố trí khoảng 7.055 lớp học. Tổng số viên chức hiện có 14.690 người. Số người làm việc được giao: 15.443 người. Số được giao chưa tuyển dụng đến tháng 7/2024 có 753 người.

Ðể chủ động khi rà soát theo Thông tư 20, ngành giáo dục đã phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau, Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đầy đủ, kịp thời.

Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau,  cho rằng: “Thực tế cho thấy, nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh đã kiên cố hoá nhiều năm nay, do vậy, diện tích phòng học khi áp dụng còn gặp khó khăn, đặc biệt là những đơn vị trường học vùng 1 và vùng 3. Chính vì lẽ đó, cuộc họp vừa qua chúng tôi đã báo cáo chi tiết, cụ thể những thuận lợi, khó khăn, tránh tình trạng bị động, ảnh hưởng đến công tác dạy và học”.

Trường THCS Phú Hưng, huyện Cái Nước, có diện tích các phòng học nhỏ hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trường THCS Phú Hưng, huyện Cái Nước, có diện tích các phòng học nhỏ hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Phòng học được quy định ứng với số lượng học sinh trong lớp học phân theo từng vùng, điều này đã tạo nên sức ép cho ngành giáo dục, làm sao không để xảy ra thừa, thiếu giáo viên. Năm học này, qua rà soát trên địa bàn tỉnh, việc bố trí số học sinh/lớp tại các huyện, xã (đặc biệt là các điểm trường lẻ) thực tế số học sinh/lớp bố trí thấp hơn so với bình quân theo quy định vùng tại Thông tư 20. Tại Báo cáo số 2665/SGDÐT-TCCB, của Sở GD&ÐT ngày 16/8/2024, cũng nêu rõ nguyên nhân do đặc thù tỉnh Cà Mau là vùng sông nước, nhiều huyện có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, điều kiện đi lại còn khó khăn, hiện còn khoảng 309 điểm trường lẻ (mầm non 146 điểm lẻ, tiểu học có 153 điểm lẻ, THCS có 10 điểm lẻ, so với năm học 2023-2024 dự kiến xoá 6 điểm lẻ).

Cơ sở vật chất trường học được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau, thực trạng hiện nay hầu hết phòng học có diện tích khác nhau (36 m2, 42 m2, 48 m2, 54 m2, 56 m2, 68 m2), diện tích phòng học cấp tiểu học từ 36-54 m2, bình quân 45 m2/phòng (để đảm bảo điều kiện đạt chuẩn quốc gia thì chỉ có khoảng 33 học sinh/lớp). Diện tích phòng học cấp THCS, THPT đều từ 42-68 m2, bình quân 55 m2/phòng (để đảm bảo điều kiện đạt chuẩn quốc gia thì chỉ có khoảng 37 học sinh/lớp).

Thực tế nhiều phòng học được kiên cố hóa nhiều năm nay nên khi áp dụng số học sinh theo vùng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện (Ảnh chụp tại trường THCS Phú Hưng, huyện Cái Nước).

Số chỗ ngồi trong lớp học bố trí tối đa khoảng 40 học sinh, việc bố trí 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT thuộc vùng 3 theo quy định Thông tư 20 ở các cơ sở giáo dục gặp khó khăn do một số nơi phòng học nhỏ hẹp, nếu kê thêm bàn, học sinh sẽ ngồi sát bục giảng, ảnh hưởng sức khoẻ và chất lượng giáo dục.

Bất cập khi chia lớp

Theo báo cáo của Sở GD&ÐT, Khoản 3, Ðiều 3, Thông tư 20, quy định, việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh. Ðối chiếu với thực tế tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh là chưa phù hợp, vì khi chia lớp thì các trường căn cứ số học sinh của từng khối, không thể chia số lớp theo toàn bộ số học sinh của toàn trường, cũng không thể ghép số học sinh sau khi đã chia bình quân còn dư ra của mỗi khối lớp để bố trí thành 1 lớp được.

Một số điểm lẻ cấp tiểu học mỗi khối chỉ có 1 lớp, số học sinh ít không đủ để bố trí 1 lớp đủ số lượng học sinh theo vùng (vùng 1 bố trí 25 học sinh/lớp, vùng 3 bố trí 35 học sinh/lớp), không thể ghép lớp do chương trình khác nhau, điểm lẻ xa điểm chính nên địa phương vẫn phải duy trì để tạo điều kiện thuận tiện cho học sinh đến trường.

Ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Cái Nước, cho rằng: “Thông tư 20 quy định chi tiết từng vùng số lượng học sinh ra sao, giáo viên phù hợp như thế nào, đó cũng là định hướng thuận lợi, khi không cào bằng quy định định mức giáo viên giữa vùng này, vùng kia. Tuy nhiên, chính điều này làm cho địa phương vướng phải khó khăn. Thực tế nhiều điểm trường học đã được kiên cố hoá nhiều năm nay, diện tích phòng học cũng vì thế mà đủ các kích cỡ. Do đó, đơn vị cần dựa vào số học sinh/lớp mới có thể bố trí vị trí việc làm cho giáo viên, nhân viên”.

Vấn đề sắp xếp số lượng học sinh/lớp theo vùng cũng ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên, nhân viên, tại một đơn vị trường học. (Ảnh minh hoạ)

Vấn đề sắp xếp số lượng học sinh/lớp theo vùng cũng ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên, nhân viên, tại một đơn vị trường học. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn, các trường xây dựng tổ hợp các môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập, học sinh đăng ký theo nguyện vọng và năng lực của mình. Do đó, biên chế số học sinh/lớp ở cấp THPT phải bố trí theo tổ hợp môn mà học sinh đăng ký theo từng khối lớp, do đặc thù từng khối lớp có các tổ hợp môn học khác nhau nên không thể dồn lớp để đảm bảo bình quân 45 học sinh/lớp, cho dù không đủ 45 học sinh vẫn phải bố trí 1 lớp và bố trí đủ giáo viên các môn học để đảm bảo công tác giảng dạy.

“Qua rà soát thực trạng ở các địa phương, đối với những trường thuộc vùng 1 nếu bố trí số học sinh/lớp theo Thông tư 20 sẽ tăng thêm số lớp, thiếu phòng học, thiếu giáo viên; đối với các trường thuộc vùng 3 sẽ giảm số lớp, thừa giáo viên (thừa giáo viên cấp tiểu học và THCS)”, ông Lê Hoàng Dự cho biết.


Khoản 2, Ðiều 3, Thông tư 20/2023/TT-BGDÐT, ngày 30/10/2023 nêu rõ: Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục. Vùng 1: bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT. Vùng 2: bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT. Vùng 3: bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT.


 

Hằng My

Bài cuối: Loay hoay tìm giải pháp

 

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.