ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:17:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thu nhập khá nhờ "lượm lặt"

Báo Cà Mau Không trông chờ vào các mô hình kinh tế có sẵn mà linh hoạt tăng nguồn thu cho gia đình, nhiều chị ở xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, tự mày mò, tìm nghề riêng để có thêm khoản thu nhập ổn định.

Đến với nghề may bọc nón rất tình cờ, chị Tô Kim Huyền, ấp Tân Phước, đã có thêm đồng ra đồng vô trong thời gian nhàn rỗi chờ xổ vuông tôm của gia đình. Ban đầu, chị Huyền mua được đồ bọc nón lá ở vùng trên. Sau khi xài một thời gian thì bị hư nhưng chị không mua lại được, thế là chị tập tành làm, rồi may được sản phẩm.

Chị Huyền kể: “Cái bọc nón lá bị hư, tôi mang ra xem đường may, cách cắt, rồi bắt chước làm. Tôi thấy khó nhất là khâu may sao cho vừa vặn, tôi phải chỉnh tới chỉnh lui mấy lần. Tôi tập may cả tháng, hư hơn 20 cái mới hoàn chỉnh được. Tôi làm bọc nón này đã 2 năm nay”.

Không chỉ may một mình, chị Huyền còn rủ thêm người mợ của mình, cũng có tay nghề may vá, làm cùng. Cứ thời gian rảnh, sau khi cơm nước và đưa các con đi học, chị và mợ cứ may sản phẩm để sẵn, ai mua thì bán, ai đặt thì may thêm. Chị Huyền mang sản phẩm giới thiệu đến chị em trong ấp, trong xã. Khách dùng xong thấy hài lòng về chất lượng lại giới thiệu cho nhiều chị đặt mua. Chị Huyền bán sỉ từ 10 cái trở lên, mỗi cái giá 20 ngàn đồng; còn giá bán lẻ mỗi cái 25 ngàn đồng. Thu nhập hằng tháng của chị Huyền khoảng 3-5 triệu đồng, tuỳ theo số lượng hàng đặt.

Chị Huyền (người ngồi giữa) “khoe” thành phẩm may cho khách.

Cái khó của nghề này là phải tỉ mỉ và thường xuyên cập nhật mẫu mới. Chị Huyền tâm sự: “Tôi phải ra thị trường xem mẫu nào đẹp mới mua về may, đa dạng mẫu cho khách lựa chọn. Tôi may ra được sản phẩm đẹp nên vui lắm. Hơn nữa, mình vừa có thu nhập thêm, lại gần chồng con, có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi xa kiếm sống như nhiều chị khác. Tôi đăng Facebook để giới thiệu sản phẩm, chị em ở Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng hỗ trợ quảng cáo thêm. Nếu chị nào thích nghề này thì tôi sẵn sàng hướng dẫn”.

Bao nón của chị Huyền rất đa dạng về mẫu mã.

Cũng đến với nghề một cách ngẫu nhiên là trường hợp chị Huỳnh Ngọc Cầm, ấp Tân Phước, với nghề đan sịa, rọ... Chị Cầm hài hước bảo, nghề này của chị đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là đi “lượm”, vì ban đầu chị vô tình thấy người anh thứ tư lượm dây về đan, lúc đó mẹ chị bị bệnh, chị cũng lượm dây về nhưng không có thời gian đan. Ðến cuối năm 2020, mẹ chị Cầm mất, lại thêm vuông tôm thất thu, kinh tế eo hẹp, chị Cầm lại lượm dây về đan và bán sản phẩm. Không ngờ mặt hàng này được ưa chuộng, bán ngày một nhiều nên chị lượm dây về đan thêm, cứ vậy làm nghề này tới giờ.

Chị Cầm cho biết: “Tôi lượm dây ở các cửa hàng bán vật liệu xây dựng hoặc những chỗ xây nhà, họ không xài dây nên mình xin. Dây này gọi là dây đai gạch, rất chắc nên đan thành sịa xài lâu lắm. Sản phẩm làm ra tôi đem về nhà mẹ, ở xã Tân Trung (cùng huyện Ðầm Dơi) gửi bán. Nhiều người thấy rồi đặt hàng mua, mỗi ngày tôi bán được hơn 10 cái. Lúc đầu ít có người làm, một chuyến tôi bán cũng được 20 cái, có khi hơn. Sau này nhiều người làm nên bán hơi chậm, nhưng mẫu của mình đẹp nên nhiều người đặt hàng".

Công sản phẩm tính tuỳ theo kích thước lớn nhỏ và yêu cầu hoạ tiết. Giá mỗi sản phẩm từ 25-60 ngàn đồng loại nhỏ và trung bình, loại lớn có giá 100 ngàn đồng trở lên. Không chỉ làm một mình, chị Cầm còn được chồng và ba chồng phụ giúp. Dần dần, nghề này trở thành nghề tay trái nhưng nguồn thu rất hiệu quả cho gia đình chị.

Ba chồng chị Cầm dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phụ con dâu nức vành.

Chị Cầm tâm sự: “Tôi phụ trách đan, ba với chồng tôi thì làm công đoạn nức vành. Có nghề này cũng ổn, vì tôi có con nhỏ, không đi làm mướn ở vùng trên được, cho thu nhập ổn định, tôi kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng".

Nhờ có những nghề “lượm lặt” mà chị Huyền, chị Cầm và nhiều chị sống ở nông thôn tìm được nguồn thu nhập ổn định, phụ đồng ra đồng vào cho gia đình. Họ tự tin bám trụ lại quê nhà, chăm lo đời sống gia đình mà không cần phải tìm lên vùng trên kiếm sống cực nhọc./.

 

Lam Khánh - Lê Diện

 

Tín hiệu tích cực từ xác thực sinh trắc học

Ðã hơn 2 tháng kể từ ngày thực hiện quy định xác thực sinh trắc học khuôn mặt khi thực hiện giao dịch tài khoản trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, đến nay, đã có hàng triệu khách hàng thực hiện xong sinh trắc học, góp phần bảo vệ, bảo mật tài khoản khi thanh toán trực tuyến, trong bối cảnh lừa đảo không gian mạng ngày càng gia tăng.

Rà soát tổng thể quy hoạch vùng ngọt hoá Trần Văn Thời

Cần có đánh giá rà soát tổng thể lại vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời và cả vùng Bắc Cà Mau một cách cụ thể, chi tiết và khoa học, nhất là số liệu về thổ nhưỡng, đất đai, cao độ của địa hình (gò, trũng), đặc điểm canh tác từng khu vực cho toàn vùng, thực trạng đầu tư hệ thống thuỷ lợi, đề xuất những nhu cầu mới để đáp ứng sản xuất trước biến đổi khí hậu.

Bùng nổ xu hướng “nhúng” dịch vụ ngân hàng

Hiện nay, ngân hàng không còn là dịch vụ tách rời mà trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hằng ngày thông qua xu hướng “nhúng” dịch vụ ngân hàng. Khái niệm “nhúng” dịch vụ ngân hàng đang ngày càng trở nên phổ biến, mang đến cho người tiêu dùng một trải nghiệm liền mạch và tiện lợi hơn bao giờ hết. Xu hướng này đang thay đổi cách các doanh nghiệp và khách hàng tương tác với nhau, mở ra một kỷ nguyên mới của tài chính số.

Vươn lên từ nghề đũa đước

Những năm gần đây, với phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp, tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, đã xuất hiện nhiều tấm gương dám nghĩ, dám làm, luôn cần cù trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Anh Lê Trường Ðại, ấp Xẻo Mắm, là một điển hình.

Triển khai giai đoạn 2 dự án trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm

Từ thành công của Dự án “Trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2022, gọi tắt là DFCD giai đoạn 1", Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú tiếp tục phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, địa phương và các bên triển khai dự án giai đoạn 2 (mở rộng) năm 2023-2024 tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Sau 1 năm thực hiện, sáng nay (28/8), các đơn vị đã tổng kết dự án.

Chậm tiến độ cấy lấp vụ lúa - tôm

Bước vào vụ lúa trên đất nuôi tôm, nông dân trên địa bàn huyện U Minh gặp nhiều thuận lợi, thời tiết thường xuyên có mưa lớn kéo dài giúp nông dân cải tạo đất, gieo mạ và rửa mặn đạt hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nắng hạn cục bộ, làm cho việc cấy lấp vụ lúa trên đất nuôi tôm chậm hơn so với yêu cầu.

Để những chuyến vươn khơi an toàn

Vươn khơi an toàn, hiệu quả để phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương là mục tiêu và nhiệm vụ thiêng liêng của ngư dân huyện Ngọc Hiển. Ý thức rõ điều này, từng ngư dân luôn chủ động trang bị thiết bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn lao động cho bản thân khi hành nghề.

Ứng dụng thành công kỹ thuật nuôi cua 2 da

Qua 9 tháng triển khai thực hiện, Dự án “Ứng dụng kỹ thuật lọc tuần hoàn nuôi cua biển 2 da trong hộp nhựa” tại hộ bà Nguyễn Thị Quyên, ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, đã mang lại kết quả hết sức khả quan. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cái Nước tổ chức hội thảo tổng kết và nhân rộng mô hình.

Ðồng hành giúp thanh niên khởi nghiệp

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được quan tâm. Các chương trình hỗ trợ triển khai ở nhiều cấp, từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Cà Mau xác định hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Cải thiện thu nhập từ năn bộp

Từng là loại cỏ mọc hoang dại không ai chú ý nhưng những năm gần đây, năn bộp trở thành loại rau sạch được khách hàng ưa chuộng, nhu cầu thị trường cao. Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Thành chuyển từ trồng lúa sang năn bộp mang lại hiệu quả kinh tế khá.