Ðối với nông dân, sản xuất hiện nay không thể theo kiểu “làm chơi, ăn thiệt” như trước đây, mà nhất thiết phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật mới để mang lại năng suất và hiệu quả cao. Nghề nuôi tôm theo kiểu quảng canh truyền thống hiện nay tuy nhàn nhã, đảm bảo sinh thái, nhưng rất khó cho năng suất cao do ít tác động về mặt kỹ thuật.
Ðối với nông dân, sản xuất hiện nay không thể theo kiểu “làm chơi, ăn thiệt” như trước đây, mà nhất thiết phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật mới để mang lại năng suất và hiệu quả cao. Nghề nuôi tôm theo kiểu quảng canh truyền thống hiện nay tuy nhàn nhã, đảm bảo sinh thái, nhưng rất khó cho năng suất cao do ít tác động về mặt kỹ thuật. Chính vì vậy, nhiều người chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi phải áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật mới có năng suất cao và đảm bảo yếu tố bền vững.
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, chính quyền, đoàn thể ở địa phương trong chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, việc tự hỗ trợ lẫn nhau của người dân trong áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất rất quan trọng. Hình thức này chủ yếu là truyền đạt kinh nghiệm lẫn nhau. Người áp dụng trước thấy đạt hiệu quả sẽ giới thiệu cho người khác để làm theo.
Ðiều kiện để nâng cao năng lực sản xuất
Ông Mai Minh Thông, Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, cho biết: "Hiện nay, tổ hợp tác này ngoài việc hùn vốn hỗ trợ lẫn nhau thì việc hỗ trợ kỹ thuật rất tốt. Các thành viên trong tổ đều bàn bạc, thống nhất thực hiện mô hình nuôi tôm có hố xi-phông đem lại hiệu quả tốt. Ngoài ra, anh em trong tổ ai học hỏi được “bài” nào hay đều về chia sẻ cho anh em cùng rút kinh nghiệm. Hoặc nếu anh em nào xài gói men đó thấy hiệu quả tốt, cách làm ra sao thì hướng dẫn lại cho anh em khác thực hiện qua các cuộc họp định kỳ hoặc trực tiếp luôn".
Tổ hợp tác là cầu nối giữa nhân viên kỹ thuật và người dân. |
Ðể làm được điều này, nhất thiết phải có một tổ chức sản xuất để bà con có điều kiện gần gũi, trao đổi kinh nghiệm, đó là tổ hợp tác sản xuất. Thời gian qua, các tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn huyện được hình thành khá nhiều. Một số tổ phát huy tốt vai trò của mình trong việc giúp nông dân hỗ trợ lẫn nhau các điều kiện sản xuất, trong đó có hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất. Cái được là người biết hướng dẫn cho người chưa biết để cùng thực hiện.
Cầu nối giữa ngành chuyên môn và người dân
Từ đó cho thấy, vai trò của tổ hợp tác và liên kết với nhau trong sản xuất là hình thức không thể thiếu trong điều kiện sản xuất như hiện nay. Bởi đây trước tiên là cơ sở, là điều kiện để ngành chuyên môn có thể chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất cho người dân, cũng chính là điều kiện để bà con nông dân tự trao đổi, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả làm ăn.
Thời gian qua, mô hình ký kết giữa nhân viên kỹ thuật với tổ hợp tác trên địa bàn huyện phát huy tốt hiệu quả. Thông qua tổ hợp tác là đầu mối, nhân viên kỹ thuật có thể tư vấn trực tiếp cho người dân các bước về kỹ thuật sản xuất. Qua đó, người dân cũng cung cấp cho ngành chuyên môn về tình hình tôm nuôi, dịch bệnh để ngành chuyên môn có sự chủ động. Người dân còn được cung cấp lịch thời vụ, hướng dẫn các điều kiện sản xuất thông qua tổ hợp tác.
Ðây là một lợi thế mà nếu nông dân không vào tổ hợp tác sản xuất sẽ không được tiếp cận, từ đó quá trình sản xuất sẽ gặp khó khăn hơn. Một khi vào tổ sản xuất, hiển nhiên kinh nghiệm từ nhiều người sẽ phong phú hơn một người khi sản xuất đơn lẻ. Khi ấy, người sản xuất cũng tránh được sai lầm khi người khác mắc phải, đồng thời, tích luỹ nhiều kinh nghiệm hơn, rút ngắn thời gian để nâng cao kỹ thuật sản xuất hơn.
Chẳng những vậy, tổ hợp tác còn là điều kiện để nông dân hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, cây, con giống, các yếu tố đầu vào, đầu ra…
Lợi thế từ tổ hợp tác mang lại cho người nông dân là rất tích cực. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn các tổ hợp tác chưa phát huy tốt vai trò của mình, thậm chí nhiều tổ thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, nhưng cái chính là do nhiều người chỉ thấy lợi ích trước mắt, cho rằng vào tổ là để được vay vốn, để được hỗ trợ nhưng chưa thấy trách nhiệm. Theo đó, người quản lý tổ chưa thật sự tích cực, nhiệt tình; tổ chưa được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, nhất là trong việc liên kết 4 nhà; tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẽ trong Nhân dân vẫn còn…
Ðiều đó cho thấy, người dân cần được hỗ trợ các điều kiện, nhất là liên kết 4 nhà, phải xây dựng mô hình điểm hiệu quả, lấy đó thu hút nông dân tham gia vào tổ hợp tác. Như vậy, tổ hợp tác mới phát huy tốt hiệu quả và là điều kiện để thúc đẩy sản xuất phát triển./.
Bài và ảnh: Quốc Hiệp