Từ thành công của Dự án “Trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2022, gọi tắt là DFCD giai đoạn 1", Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú tiếp tục phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, địa phương và các bên triển khai dự án giai đoạn 2 (mở rộng) năm 2023-2024 tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Sau 1 năm thực hiện, sáng nay (28/8), các đơn vị đã tổng kết dự án.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Trường Giang, Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá cao kết quả thực hiện dự án.
Trải qua giai đoạn từ tháng 12/2021-12/2022, Dự án DFCD đã được triển khai tại 3 tỉnh Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre, với sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức phi Chính Phủ WWF và Doanh nghiệp Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú. Giai đoạn 2 của dự án từ tháng 9/2023-8/2024 tiếp tục thực hiện tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình với quy mô lớn hơn.
Có 83 hộ dân và 165 ha được hỗ trợ nhiều kinh phí, các hoạt động tập trung vào tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, trồng lúa hữu cơ, nâng cao năng lực của các thành viên trong tổ hợp tác và hợp tác xã, kết hợp với việc hỗ trợ đầu vào như tôm giống, vi sinh, cải tạo ao...
Dự án đạt kết quả tích cực, khả quan, 83 hộ dân tham gia đều đã đạt được chứng nhận ASC. Đây là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thuỷ sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, trao giấy khen của UBND xã cho 10 hộ dân tiêu biểu tham gia thực hiện dự án.
Đại diện cho 1 trong 10 hộ tiêu biểu thực hiện dự án, ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát, cho biết: “Dự án mang đến niềm vui lớn cho bà con và cũng từng bước giúp bà con thay đổi thói quen hướng đến sản xuất xanh, thân thiện môi trường; sản xuất hiệu quả cao, bền vững; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, thiết lập chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất tôm - lúa. Từ 2 vụ nuôi, thu nhập người dân được cải thiện do áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ. Phấn khởi hơn hết, khi sản phẩm nông dân làm ra đã được chứng nhận cấp quốc tế, là thành công vượt trội và tác động tích cực đến đời sống cộng đồng, tạo nên những giá trị bền vững cho người nông dân”.
Đoàn tham quan mô hình nuôi tôm tại hộ ông Nguyễn Văn Khiết, Ấp 8, xã Trí Lực.
Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, thông tin: “Khi tiếp cận dự án cho đến nay bà con có sự thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ thế sản xuất theo phương pháp truyền thống sang ứng dụng KHKT, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng và chính gia đình mình. Nhận thấy đây là một trong những mô hình bền vững, bà con rất tích cực tham gia và tuân thủ các quy định đề ra. Từ những lợi ích thiết thực và lâu dài từ dự án này, mục tiêu của địa phương đề ra là sẽ phát triển thêm bình quân 500 ha trở lên/năm để tham gia đánh giá chứng nhận chuẩn ASC”.
Loan Phương