ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 07:34:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trồng mắm giữ bờ

Báo Cà Mau (CMO) Mắm là loài cây quen thuộc với người dân Cà Mau. Tuy giá trị kinh tế không cao so với những loại cây gỗ khác, song cây mắm được nông dân Cà Mau xem như giải pháp hiệu quả trong việc giữ bờ, chống sạt lở đất.

Về xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời vào những ngày này, ngoài những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, có lẽ điều bất ngờ hơn tại xã NTM này chính là những bờ mắm mọc dài theo mé bờ.

Không phải ngẫu nhiên mà cây mắm được sinh sôi, phát triển tại đây. Ðể có được những bờ mắm dày và cao như hiện tại, bà con nơi đây đã tốn khá nhiều công sức trồng, chăm sóc, với mục đích chính là giữ bờ, chống sạt lở. Ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc là một trong những địa phương có nhiều tuyến sông trồng mắm nhất. Hiện nay, 3 con sông chính và nhiều tuyến sông nhỏ đều được bà con trồng cây mắm.

Ðịa phương tích cực vận động người dân nhân rộng mô hình trồng mắm để giữ bờ, chống sạt lở.

Bà Nguyễn Kim Anh, ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, cho hay: “Trước đây bề ngang của con sông trước nhà tôi chỉ khoảng 5 m, vậy mà bây giờ đã lở rộng ra khoảng 8 m. Một phần do ghe tàu chạy, một phần do lòng sông sâu nên đất ngày càng lở. Bà con đã làm nhiều cách để kè giữ bờ nhưng không bao lâu lại hư hỏng”.

Trước đây, khi địa phương chưa vận động trồng cây mắm, cách để người dân nơi đây giữ bờ là làm bờ kè bằng cây gỗ địa phương, cao su hoặc lưới mành. Tuy nhiên, cách làm bờ kè này tốn kém nhưng hiệu quả không lâu dài. Với những hộ dân không có điều kiện, việc làm bờ kè càng khó khăn hơn. Từ ngày cây mắm được trồng, câu chuyện chống sạt lở đất không còn là vấn đề nan giải với người dân xã Phong Lạc.

Ðược địa phương vận động trồng mắm giữ bờ, khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng nhiều, người dân tranh thủ đi lượm trái mắm về trồng trước bờ sông. Ðể giữ cho trái mắm không bị thuỷ triều cuốn trôi, người dân còn xịa cây, bao lưới mành để làm bãi đất trước. Sau 1 năm trồng, cây mắm có thể phát huy hiệu quả giữ đất. Bà Kim Anh phấn khởi: “Tôi trồng gần 2 năm, cây mắm đã cao quá khỏi đầu, rễ bám dày mặt đất. Từ ngày có hàng mắm trước mé bờ, vợ chồng tôi bớt lo chuyện lở bờ trước nhà. Không chỉ giữ đất, cây mắm còn được nhà tôi tận dụng làm củi nấu nướng”.

Với nhiều hộ dân, việc trồng mắm bước đầu khá công phu để giữ trái mắm bám rễ vào đất, song, hiệu quả mang lại từ cách làm này rất lâu dài. Cây mắm sinh sôi và phát triển liên tục, khi cây mắm có trái già sẽ tự động rụng, trong điều kiện thuận lợi bám đất, trái mắm sẽ tự mọc lên chứ không cần trồng nữa. Ông Bào Văn Hùng, ấp Ðất Cháy, chia sẻ: “Ðất mặt tiền nhà tôi dài tới 3 công. Hồi trước chưa trồng mắm thì bỏ mặc vậy chứ không có điều kiện làm bờ kè chống sạt lở. Mỗi năm bờ lở một chút mà nhìn con sông rộng ra. Từ khi trồng mắm, tôi nhận thấy hiệu quả rõ rệt trong việc chống sạt lở đất, bờ được giữ không bị sóng đánh nên ít lở. Cách làm này hiệu quả mà chỉ tốn công chớ không tốn tiền”.

Có thể thấy rằng, tiết kiệm được chi phí nhưng phát huy hiệu quả cao là một trong những tín hiệu tích cực mà mô hình trồng mắm chống sạt lở mang lại. So với một số loại cây cũng có hiệu quả giữ bờ khác như dừa nước thì cây mắm có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, sớm giữ được bờ đất. Chủ tịch UBND xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời Nguyễn Văn Hiên cho biết: “Với đặc thù là vùng có hệ thống sông ngòi tương đối nhiều, việc mua bán và chở hàng hoá bằng xuồng ghe trên các con sông vẫn còn nên nguy cơ sạt lở rất cao. Không chỉ mất đất, sạt lở còn ảnh hưởng đến các công trình giao thông. Sau gần 2 năm phát động trồng mắm, cây mắm giờ đã lớn, rễ bám dày vào đất và phát huy hiệu quả giữ bờ rất tốt. Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền để bà con nhân rộng”./.

 

An Kỳ

Xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành

(CMO) Ngày 17/8, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành.

Khởi sắc những tuyến dân cư kiểu mẫu

Những ngày này, xuôi xe về các xóm, ấp trong huyện Cái Nước, lòng bỗng thấy phấn khởi vì làng quê có nhiều thay đổi. Những tuyến dân cư kiểu mẫu hiện ra như khoác lên làng quê chiếc áo mới. Ðó là thành quả từ sự chung tay góp sức của Nhân dân xây dựng quê hương.

Khởi sắc Nguyễn Huân

Địa bàn rộng lại nằm xa trung tâm huyện, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế của người dân trong xã có bước tiến rõ nét, nhiều mô hình kinh tế kết hợp mang lại hiệu quả cao đang mở hướng phát triển mới cho xã trong thời gian tới.

Năm Căn trên đường phát triển

Năm Căn là một huyện được thụ hưởng nhiều công trình của Trung ương, của tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng để tạo đà phát triển mạnh về kinh tế. Các công trình có tính chiến lược như: sân bay, cảng biển, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Ðặc biệt, Năm Căn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Năm Căn với diện tích 11.000 ha, tỉnh Cà Mau phê duyệt Cụm công nghiệp Năm Căn trên 2.000 ha và Năm Căn còn được xác định là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau.

Rộn ràng Xóm Mới

Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bởi cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Xác định được khó khăn này, người dân ấp Xóm Mới, xã Đất Mới, huyện Năm Căn đã tự nguyện góp tiền để xây dựng hơn 1.000 m lộ để đấu nối đến thị trấn Năm Căn và một số xã lân cận. Không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước là việc làm đáng được biểu dương, nhân rộng.

Tạo đà xây dựng nông thôn mới

“Xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tân Thành đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Huỳnh Lãm nhận định.

Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới

Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng ngày càng vững chắc. Thời gian qua, bên cạnh tập trung củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, Ðảng uỷ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cái Nước còn triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”.

Điều tra vốn đầu tư làm cơ sở định hướng phát triển

Ông Nguyễn Văn Bé, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Cà Mau, cho biết, điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2015 nhằm thu thập thông tin về tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển năm 2014, năng lực vốn tăng của dự án, công trình hoàn thành trong năm 2014 và năng lực sản xuất chủ yếu hiện có của các thành phần kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh.

Niềm vui trên cánh đồng lúa - tôm càng xanh

Tận dụng điều kiện thực tế của địa phương, nhiều năm qua huyện Thới Bình đã phát triển nhiều mô hình kinh tế đa cây, đa con mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình lúa - tôm càng xanh ngày càng khẳng định được vị thế trên đồng đất Thới Bình.

Hiệu quả từ trồng dây thuốc cá

Năm Căn là vùng đất phèn, mặn, việc trồng cây gì, nuôi con nào cũng cần có thời gian thử nghiệm. Ở xã Đất Mới, bà con đã thêm cây thuốc cá vào “danh sách vàng” những cây hiệu quả.