(CMO) Tôi đã từng nghe NSƯT Huỳnh Hảnh nhắc nhiều về Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển, giải thưởng lớn của tỉnh nhà ghi nhận sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ trong công cuộc vệ quốc và xây dựng đất nước, đồng thời là thành quả lao động nghệ thuật đẹp mà những nghệ sĩ sáng tạo mảnh đất này luôn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu cho mình.
Một chiều chớm đông, dự lễ trao giải thưởng danh giá này lần thứ IV (định kỳ 5 năm 1 lần), khi 14 tác giả với những công trình về âm nhạc, cải lương, vọng cổ, múa, văn học... lần lượt được xướng lên, khán phòng như sực ấm khi vườn nghệ thuật trổ ngát những đoá hoa thơm. Trong số đó, ấn tượng nhất với tôi là tác phẩm “Áo mới Cà Mau” được cất tên và lắng nghe bức thư chân tình của một nghệ sĩ lão thành, Nhà thơ Lê Giang từ phương xa gửi về.
“Áo mới Cà Mau” - điểm trang “cô út” thêm rạng rỡ thanh xuân
Không biết từ khi nào, bài hát "Áo mới Cà Mau" của Nhạc sĩ Thanh Sơn đã trở thành bài hát quốc dân bởi mức độ phủ khắp và sức ảnh hưởng của nó. Chỉ cần nhìn vào danh sách những tác phẩm đoạt giải, thấy tựa đề quen thuộc là ai ai cũng nghe lòng dễ chịu. Phải rồi, từ bài hát này đã đóng góp rất nhiều cho quê hương Cà Mau ở nhiều lĩnh vực, không chỉ nghệ thuật mà còn văn hoá, du lịch, kinh tế... Từ “Áo mới Cà Mau”, du khách mọi miền đã tìm về để chiêm ngưỡng "cô út" từng ngày “sửa soạn đẹp hơn”, thêm hiểu nhiều về nơi “ở cuối cùng bản đồ Việt Nam” rồi ghiền món đặc sản “dễ thương vô cùng” của những con người chân chất, hào sảng, trọng tình của xứ này.
Bức thư của Nhà thơ Lê Giang gửi Ban tổ chức Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển. Ảnh: VIỆT ĐOÀN |
Đối với NSƯT Hoa Phượng, mỗi khi nhắc tên bài hát là lòng chị lại dâng tràn cảm xúc. Đồng điệu giữa nghệ sĩ biểu diễn và người sáng tạo là một lẽ, nhưng hơn hết là sự tự hào của người con trước bức tranh quê hương thêm dạt dào hương sắc. “Với ca từ mộc mạc, đậm chất miền Tây, con người, khung cảnh quê hương hiện lên hiền hoà. "Áo mới Cà Mau" dễ ca, dễ nghe rồi cũng khó ai có thể quên được. Cảm ơn Nhac sĩ Thanh Sơn đã quan tâm, quảng bá và ngợi ca để làm đẹp thêm miền đất cuối trời”, NSƯT Hoa Phượng bày tỏ chân thành.
Mặc dù đã nhiều năm từ ngày Nhạc sĩ Thanh Sơn đi xa, nhưng những tác phẩm đồ sộ của ông đối với nền âm nhạc Việt vẫn vẹn nguyên giá trị, ngòi bút chân phương qua từng tỉnh, thành miền Tây đã thổi vào đó hết cái hồn hậu để những giai điệu, ca từ đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng. Cũng như những nơi lưu dấu bước chân ông bằng đong đầy yêu thương trong sáng tác, giải thưởng Phan Ngọc Hiển đã trở thành đoá hoa đẹp của đất Cà Mau, người Cà Mau thể hiện sự biết ơn gửi đến người nhạc sĩ tài hoa.
Bức thư xúc động của đứa con xa
“Tôi là Trần Thị Kim” (Lê Giang), được quê hương Cà Mau sinh ra vào ngày 8/3 bên bờ sông Gành Hào. Trải mấy chục năm theo cách mạng, dù ở nơi nào tôi cũng không quên nơi chôn nhau cắt rốn... Năm nay, tôi đã 90 tuổi đời, bất ngờ được quê hương vinh dự tặng thưởng giải danh giá. Giải thưởng Phan Ngọc Hiển càng gợi trong tôi biết bao kỷ niệm đã trải qua trên quê hương Cà Mau và được quê hương Cà Mau công nhận người con của Cà Mau là người con hiếu thảo, giỏi giang, cống hiến tài năng cho đất nước, cho nơi đã sinh ra mình không một ngày ngơi nghỉ... Vì tuổi tác đã cao và sức khoẻ không cho phép trở về chào đón vinh dự mà quê hương đã dành cho tôi, mong Ban tổ chức và bà con, bè bạn tha thứ, cảm thông cho sự vắng mặt...”.
Từng dòng thư của Nhà thơ Lê Giang được đọc lên tại buổi trao giải khiến không ít khách tham dự nghe tim mình đánh rơi một nhịp. Trong đợt này, bà là tác giả lớn tuổi nhất được trao tặng giải thưởng, vì quy luật thời gian mà không thể trở về lại quê hương. Câu chữ nắn nót đơn sơ, chữ Cà Mau được lặp đi lặp lại nhiều lần một cách có chủ ý dường như để thoả nỗi nhớ nhung, thoả lời cảm ơn của người con xa đối với quê hương ân tình.
Đôi vợ chồng Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Nhà thơ Lê Giang đã quá quen thuộc đối với giới văn nghệ và khách mến mộ âm nhạc, thơ ca. Họ là bạn đời nhưng tương kính như tân trong nghệ thuật, từ những ý thơ của bà quyện với sáng tạo giai điệu của ông ăn ý, góp vào nền nghệ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt "Bài ca đất phương Nam” hai mươi mấy năm đã trở thành bức tranh nồng hậu tình đất, tình người. Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà kể rằng, khi tỉnh nhà thành lập 2 đoàn nghệ thuật về ca múa và cải lương, lãnh đạo tỉnh hội ý chọn tên để đặt cho phù hợp. Sau những suy nghĩ đắn đo, đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa phân tích: Ở Cà Mau có dòng sông Tam Giang ghi dấu bao chiến công oanh liệt và cũng có những tán rừng tràm làm nên biết bao điều đặc biệt riêng cho xứ sở, chính vì thế, ngay sau đó đã có tên Đoàn Cải lương Hương Tràm và Đoàn Ca múa Tam Giang. Điểm lại một câu chuyện nhỏ để thấy, với quê Cà Mau, ông bà có rất nhiều đóng góp về lĩnh vực văn học - nghệ thuật từ những thập niên 50 của thế kỷ trước, rồi bền bỉ nhả những sợi tơ đẹp đến sau ngày giải phóng.
Bút ký “Cuộc chạy trốn “cầu âu”" của Nhà thơ Lê Giang được vinh danh một lần nữa khẳng định tài năng, những đóng góp của bà đối với quê hương. Nền nghệ thuật Cà Mau sẽ mãi nhớ ơn bà, nhớ ơn một người con ưu tú đã góp cho đời những sợi tơ óng ánh./.
Minh Hoàng Phúc