Chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ từ trung cho đến dài hạn - đó là tinh thần chỉ đạo của tỉnh nhằm thúc đẩy cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Cà Mau có vị trí địa lý nằm xa các trung tâm thành phố lớn, lại gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là điểm nghẽn về giao thông... Từ đó, việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua chưa như kỳ vọng, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.
Mặc dù tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên, nếu nhìn vào năm 2023, dù số dự án được cấp phép đầu tư tăng nhưng số vốn đăng ký và cả số lượng doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động giảm so với năm 2022. Cụ thể là thu hút được 9 dự án đầu tư nhưng tổng số vốn đăng ký chỉ khoảng 456,7 tỷ đồng, trong khi năm 2022 dù chỉ thu hút được 7 dự án đầu tư nhưng với số vốn hơn 1.020 tỷ đồng.
Thời gian qua, hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp được tỉnh tập trung đầu tư để tạo điều kiện mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế. (Ảnh chụp tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh).
Ngoài ra, con số doanh nghiệp thành lập mới cũng như giải thể những năm gần đây cũng khiến không ít người lo ngại. Cụ thể như, trong năm 2022 có đến 100 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 233 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; trong năm 2023 có đến 110 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 220 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Ðiều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh cũng như các vấn đề về lao động, việc làm và thu nhập của người dân.
Doanh nghiệp được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Do đó, để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, UBND tỉnh xác định một trong những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của năm 2024 là: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Theo đó, liên quan đến TTHC, những quy định trong kinh doanh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, TP Cà Mau tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá TTHC, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC; cắt giảm, đơn giản hoá TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện đơn giản hoá TTHC trên tất cả các lĩnh vực theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, ít tốn kém, nhất là TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh, việc huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, các công trình giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức xã hội hoá... được tỉnh triển khai quyết liệt nhằm tháo điểm nghẽn giao thông, một điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.
Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau là một trong những dự án khi hoàn thành sẽ tạo đột phá cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để quản lý tốt nhất các dự án đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, với tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hoá, xã hội.
Cà Mau là tỉnh có quy mô kinh tế còn nhỏ nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm cũng không quá cao, chỉ khoảng từ 22-26 ngàn tỷ đồng (năm 2022: 22.039 tỷ đồng; năm 2023: 24 ngàn tỷ đồng; kế hoạch năm 2024 khoảng 26.800 tỷ đồng). Với nguồn vốn đó, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định, tỉnh đang tập trung, tranh thủ các nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đường thuỷ, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng mang tính đột phá gắn với kết nối, liên kết các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các vùng ven biển, khu di tích lịch sử, khu du lịch... nhằm tạo không gian kinh tế hài hoà, khắc phục các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.
Đường Hành làng ven biển phía Nam, trục giao thông kết nối quan trọng của Cà Mau với các tỉnh trong khu vực.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức đấu giá quỹ nhà, đất công trên địa bàn tỉnh để bổ sung nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Khai thác quỹ đất vùng phụ cận các hành lang kinh tế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ðây được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế để Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực./.
Nguyễn Phú