ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 5-12-23 00:30:23

Vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối

Báo Cà Mau Tính đến ngày 17/8, tỉnh Cà Mau có 1.496/1.496 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 100%. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ trực theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá và kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý, đặc biệt là những trường hợp vượt ranh giới. Qua đó, đã phát hiện, theo dõi 407 lượt tàu cá bị mất tín hiệu kết nối ngoài khơi; có 30 lượt /30 tàu mất kết nối 10 ngày trở lên; cũng thông qua VMS đã kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi 6 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam. Ðồng thời, yêu cầu chủ tàu cam kết không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các cảng cá, từ ngày 16/7-15/8, Ban Quản lý đã kiểm soát 1.720 lượt tàu cá cập, rời cảng; sản lượng thuỷ sản qua cảng 4.765 tấn; thu 828 nhật ký khai thác thuỷ sản; cấp 44 biên nhận cho 236 tấn thuỷ sản. Song song đó, đã lập biên bản nhắc nhở 4 tàu cá và yêu cầu chủ tàu cam kết khai thác thuỷ sản theo đúng quy định của pháp luật.

Tàu cá tại cửa biển Khánh Tiến, huyện U Minh. (Ảnh minh hoạ)

Quyết liệt trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và công tác chuẩn bị làm việc với Ðoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) lần thứ 4 trong thời gian tới, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, thời gian tới các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Công văn số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan; Thông báo số 393/TB-VPCP ngày 27/12/2022 của Văn phòng Chính phủ; Quyết định số 81/QÐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Ðoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu lần thứ 4”.

Xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm mục tiêu trước mắt là góp phần cùng cả nước sớm gỡ “Thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ, củng cố các hồ sơ có liên quan đến tàu cá của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá chỉ định và các trạm kiểm soát biên phòng; quản lý chặt chẽ tàu cá ngay từ khi chuẩn bị ra biển, kể cả theo dõi, giám sát 24/24 tàu cá đang hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển. Thực hiện tốt quy chế trao đổi thông tin theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, quy chế phối hợp với các tỉnh, các lực lượng chức năng trên biển (cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư) để quản lý, kiểm soát tàu cá, ngư dân của tỉnh. Phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, bổ sung các tính năng, ứng dụng phù hợp vào phần mềm để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá.

“Ðặc biệt, tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý, đơn vị trong lắp đặt thiết bị VMS, cung cấp thông tin xác định nguyên nhân thiết bị VMS trên tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển. Xác minh, xử phạt đối với trường hợp cố tình tác động gây mất tín hiệu kết nối thiết bị VMS để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn biện pháp xử lý, lập hồ sơ đối với các trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối, tàu cá trễ hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu nằm bờ, sang bán... để làm cơ sở triển khai thực hiện tại các địa phương”, ông Bằng cho biết thêm./.

 

Kim Cương

 

Rau thuỷ canh trên đất mặn

Đầm Dơi là vùng nuôi trồng thuỷ sản nên đất nông nghiệp địa phương này ngày càng thu hẹp. Thêm vào đó, tình trạng đất bị nhiễm mặn nên khó canh tác, nhất là trồng màu. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình trồng rau sạch, đặc biệt là rau thuỷ canh theo hướng an toàn, phục vụ người dân địa phương. Ðây là cách trồng rau không cần đất, cây được trồng trên giá thể và trực tiếp hấp thu dinh dưỡng thuỷ canh để sinh trưởng và phát triển.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh trên tôm

Từ đầu năm đến nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, với diện tích thiệt hại 105,6 ha. Ngành nông nghiệp đã và đang nỗ lực phòng dịch, giảm thiệt hại nhưng nguy cơ mầm bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Ẩn hoạ từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 100 ngàn lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc, 1.700 người bị ảnh hưởng đến sức khoẻ do phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng cách. Và cùng theo nhận định từ cơ quan này, nguy cơ mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, chỉ đứng sau một số ngành công nghiệp khai thác mỏ, xây dựng và hoá chất.

Cần hỗ trợ thu hoạch lúa - tôm

Kể từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm kết hợp, hằng năm nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Cái Nước duy trì gieo sạ trên dưới 500 ha lúa - tôm, thuộc xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ. Ðặc biệt, khi hệ thống cống Tiểu vùng Nam Cà Mau hoàn thành thì diện tích gieo sạ lúa - tôm liên tục tăng lên. Vụ mùa năm 2023, bà con xuống giống được hơn 830 ha, lúa đang phát triển tốt, sẽ cho thu hoạch đồng loạt vào cuối tháng 12. Nông dân phấn khởi về năng suất, nhưng không khỏi lo lắng khâu gặt lúa, bởi đã qua khi đến mùa thu hoạch lúa bà con phải chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công, thậm chí có mướn giá cao cũng khó tìm được người.

Ðể nghề nuôi cua phát triển bền vững

Nhanh tay trói số cua mới câu được để kịp bán cho thương lái, anh Phạm Trung Tân (ấp Ðường Kéo, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) nhẩm tính: “Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi thu hoạch cua bán tầm hơn 90 triệu đồng, trừ chi phí chắc lời hơn 75 triệu đồng. Dưới vuông giờ cũng còn một mớ, đặt lọp vét chừng vài đợt nữa rồi chuẩn bị cải tạo ao đầm lại để làm tiếp vụ mới. Giờ thì kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn vốn đã có, vụ tới đây tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi và chia sẻ cách nuôi để bà con thực hiện, cùng vươn lên phát triển kinh tế”.

Mô hình hiệu quả của cựu chiến binh

Những năm qua, mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm được các cựu chiến binh (CCB) xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tích cực phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Ấm no từ nghề làm khô

Thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi danh với nghề muối ba khía, nghề làm tôm khô, mà nơi đây còn được nhiều người biết đến với nghề làm cá khô truyền thống. Mỗi năm, các cơ sở, hộ làm nghề đã sử dụng hàng ngàn tấn cá nguyên liệu để chế biến, cung cấp sản phẩm cá khô cho thị trường, đem về cuộc sống ấm no.

Hướng đi mới cho người trồng chuối

Tháng 9 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai Dự án cải tạo vườn chuối định hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tại Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Dự án xây dựng với quy mô 10 ha, 20 hộ dân tham gia thực hiện.

Giữ vững nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”

Năm Căn có diện tích nuôi thuỷ sản hơn 25.600 ha, trong đó, diện tích nuôi cua bán thâm canh 2,65 ha và diện tích nuôi cua kết hợp chiếm từ 80-90% diện tích nuôi thuỷ sản. Sản lượng cua hằng năm trên 2 ngàn tấn.

Nhân rộng diện tích lúa hữu cơ

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ đó, giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ.