(CMO) Biết Chi đoàn Đoàn Cải lương Hương Tràm tổ chức chuyến thăm người nữ anh hùng duy nhất còn lại của quê hương Cà Mau - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay, như sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với người đi trước nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, NSƯT Huỳnh Hảnh (nguyên Phó trưởng Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau) nhanh chóng sắp xếp cùng tham gia để gặp lại người em, người bạn mà lúc nào ông cũng dành sự yêu thương và kính trọng.
Đoàn xe máy dừng trước sân vắng khi chiều đã dần tắt nắng. Bà lão gầy gò với mái đầu bạc trắng, tay run run cầm chiếc gậy rướn người ngóng ra cửa đón khách đang bước vào nhà.
- "Ba Bay ơi, biết ai đây không, bữa nay anh xuống thăm em đây!".
- "Biết chớ sao không, anh Bảy Hảnh, ý chèn ơi lâu quá em mới gặp lại anh" - Giọng nói yếu ớt đáp lại, vẻ mừng rỡ pha với giọt nước mắt chực rơi. Bởi nếu tính từ khi NSƯT Huỳnh Hảnh về nơi này làm phim tài liệu "Chân dung người du kích", mà bà là một trong những nhân vật anh hùng của cuộc chiến đã lùi xa, đến nay cũng ngót 25 năm rồi mới có dịp hội ngộ cùng nhau.
Khoảnh khắc kỷ niệm của Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay (ngồi bên phải), NSƯT Huỳnh Hảnh (ngồi bên trái) và Chi đoàn Đoàn Cải lương Hương Tràm. |
Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay với chiến tích lẫy lừng giải phóng Chi khu Cái Nước mà nhiều thế hệ ngưỡng mộ nay đã ngoài tuổi tám mươi, tay không rời chiếc gậy tre, dáng đi từng bước một yếu ớt, giọng nói cứ ngắt quãng. Còn đạo diễn tài danh một thuở bây giờ cũng phôi pha nét phong trần. Thoáng chút bối rối khi nhận ra màu xuân của nhau đã phai, đôi bạn lại đưa nhau về những câu chuyện ngày xưa - Chuyện của những ngày khói lửa, người sát cánh với Đoàn Văn công giải phóng tỉnh biểu diễn phục vụ bà con khắp nơi, đặc biệt trên quê hương Hưng Mỹ, Cái Nước nhận được nhiều tình cảm của các má, các chị. Cũng tại nơi này có người con gái dành hết tuổi xuân thời vì cách mạng, vì chuyện chung, trở thành anh hùng. Rồi sau ngày hoà bình lại chọn cho mình một cuộc sống đời thường bình lặng.
- "Má Ba ơi, má kể cho tụi con nghe về ngày đó, về những chiến tích của má và các đồng đội đi" - Một thành viên trong đoàn cất tiếng đề nghị, phần vì ngưỡng mộ, phần vì tò mò muốn biết nhiều hơn những gì đã được nghe, được biết.
- "Đó là chuyện của quá khứ rồi, kể lại chi nữa con. Hồi đó chiến tranh thì phải vậy, ai cũng phải đứng lên đấu tranh quyết giành độc lập, chớ bây giờ thì còn anh hùng với ai nữa, mình cũng giống như bao người thôi..." - Bà nhẹ nhàng với ánh nhìn xa xăm.
Tính bà là vậy, lúc nào cũng khiêm tốn và đơn giản, sách báo viết nhiều về bà, về chiến công xưa nhiều lắm nhưng bản thân bà chỉ suy nghĩ gọn hơ: "Đó là trách nhiệm của mình mà, ai cũng có thời trẻ và một lý tưởng để sống. Và rồi mỗi thời mỗi khác, phải hướng tới tương lai chớ đâu níu kéo hoài quá khứ được!".
-"Má có lời dặn dò, dạy bảo nào đối với thế hệ trẻ Chi đoàn Đoàn Cải lương Hương Tràm tụi con không?" - Ai đó lại xen vào khi những câu thăm hỏi cứ nối nhau cất lên.
- "Bây giờ má già rồi, lại nay yếu mai đau, sao dám dạy bảo tụi con, chỉ mong mấy đứa cố gắng, sống trọn tuổi trẻ của mình thôi".
Nói thì nói vậy, chớ lời dạy bảo hay nhắn nhủ dành cho lớp trẻ đều được má ngầm gửi vào mẩu chuyện xưa của đôi bạn già, đôi lúc ngắt quãng vì sức yếu và sự xúc động. Tay run run nhận phần quà nhỏ từ Nghệ sĩ Quốc Tín, Trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm và của chi đoàn, lời cảm ơn cứ liên tục được lặp đi lặp lại khiến những đôi mắt trẻ nhìn nhau như chất chứa niềm kính trọng lớn lao. Bệnh già giày vò tưởng chừng vắt kiệt tấm thân gầy nên lâu rồi những ngày 20/10 của bà cũng bình lặng trôi như bao ngày khác mà thôi. Quyển sách thời gian lần lượt được giở lại, những mái đầu xanh chăm chú lắng nghe. Đây! Nhân vật sống với câu chuyện sống động một thời mà như mới hôm qua. Tháng năm đã qua rất xa, nhưng sương khói nào đâu dễ làm mờ những điều đáng quý.
- "Bây giờ nếu có chữ gì hơn chữ anh hùng thì anh cũng sẵn sàng dành cho em, với những gì em đã cống hiến cho quê hương" - NSƯT Huỳnh Hảnh cảm kích.
Cả tuổi thanh xuân bà dành trọn cho quê hương. Không chồng, con, bà dành hết tình cảm cho các em, các cháu, rồi khi tuổi về chiều lại sống trong đầy ắp tình yêu thương.
- "Đoàn cải lương đến thăm dễ gì thiếu hát cải lương hén má?".
- "Ừ, bây hát má nghe đi".
Câu vọng cổ trong vở tuồng quen thuộc được cất lên bởi chàng kép trẻ thay cho lời chào tạm biệt, câu chữ đơn sơ mà làm cho đôi bạn già chìm đắm vào những không gian đẹp ngày nào. Ngồi lặng im, nhấp nháp từng câu chữ rồi yếu ớt vỗ tay, từng cái ôm, cái bắt tay cứ lần lượt được trao nhau như một kỷ niệm thật đẹp. Từng bước thật chậm với ánh mắt thoáng vui buồn lần nữa hướng ra góc sân vắng để tiễn đoàn khách lần lượt dần xa theo những vòng xe.
"Nếu có chữ gì hơn chữ anh hùng thì anh cũng sẵn sàng dành cho em, với những gì em đã cống hiến cho quê hương...". Rời Hưng Mỹ khi vạt nắng chiều tắt hẳn, câu nói của NSƯT Huỳnh Hảnh vẫn in đậm vào trí nhớ những người trẻ chúng tôi, tin chắc rằng nó cũng lưu lại trong ánh mắt đứng dõi theo đó ở nhiều lần gặp sau nữa. Tin chắc là như vậy hén má...
Minh Hoàng Phúc