ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-12-24 20:56:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chắp cánh tài năng học đường

Báo Cà Mau Với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, các câu lạc bộ (CLB) ở trường THPT thực sự là chiếc cầu nối đánh thức, phát huy những tiềm năng năng khiếu của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Câu lạc bộ trong nhà trường là nơi tập hợp những học sinh có cùng sở thích, năng khiếu ở cùng một lĩnh vực nào đó, tự nguyện tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi giải trí phù hợp với bản thân. Tuỳ vào lĩnh vực, mỗi CLB sẽ có cách thức tổ chức, sinh hoạt khác nhau, nhưng đều được sự quan tâm đầu tư bài bản và chuyên nghiệp của nhà trường.

Ðể tạo môi trường vui chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, Ðoàn trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau) đã thành lập các CLB cho đoàn viên, thanh niên tham gia như: CLB Sách và hành động, CLB Tuổi trẻ năng động, CLB Nhảy hiện đại, CLB Acoustic, CLB Ðọc sách..., mỗi CLB có khoảng 30 thành viên.

Tham gia vào các câu lạc bộ các em học sinh được thoả mãn với đam mê của mình, cũng như được giao lưu học hỏi, mạnh dạn tự tin hơn.

Thầy Tạ Hoàng Nghị, Bí thư Ðoàn trường, cho biết: “Các CLB trong trường được thành lập nhiều năm nay. Các em tham gia rất hào hứng và sôi động. Sinh hoạt tại các CLB giúp các em phát huy được năng khiếu, sở trường, không chỉ trong học tập mà còn bên ngoài xã hội. Chính vì thế, các CLB trong trường học rất cần thiết và tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy, mạnh dạn, tự tin hơn, tránh xa các tệ nạn xã hội; đồng thời, trang bị cho các em kỹ năng, vận dụng linh hoạt, xử lý được tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Thấy được lợi ích trên nên phụ huynh quan tâm, ủng hộ”.

Em Lê Tấn Nguyên, lớp 12B4, Trường THPT Cà Mau, bộc bạch: “Em tham gia sinh hoạt CLB Acoustic nhiều năm. Những lần có lịch trình diễn, các bạn trong CLB không chỉ chú tâm về giọng hát mà còn rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin đứng trước đám đông. Chúng em luôn chơi hết mình, với tinh thần vì tập thể, vì mọi người, tạo cơ hội cho các bạn thể hiện tài năng, nhiệt huyết, được sống với đam mê, tự tin hơn. CLB giúp chúng em được học tập và phát triển trong môi trường lành mạnh, đoàn kết; truyền cho chúng em cảm hứng và định hướng tương lai”.

Còn tại Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau), bên cạnh sự tạo điều kiện của nhà trường, việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các CLB, giáo viên chủ nhiệm lớp rất chặt chẽ. Việc tham gia các CLB năng khiếu còn có tác dụng giảm tải căng thẳng cho học sinh sau những giờ học văn hoá, tạo điều kiện cho các em kết hợp học với hành, để các em có cơ hội thể hiện những gì mình được học bằng thực tế.

Ðến nay, Ðoàn trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đã thành lập được 6 CLB: CLB Sách và hành động, CLB Dân vũ ca, CLB Văn học, CLB Sử học, CLB Tiếng Anh, CLB Tranh biện, mỗi CLB có từ 30-50 thành viên, chủ nhiệm CLB là giáo viên hoặc học sinh. Cô Trần Nguyễn Việt Thanh, Bí thư Ðoàn trường, chia sẻ: “Tuổi học sinh cần được bồi dưỡng và trau dồi năng khiếu để khi trưởng thành các em có thể định hướng được con đường đi của mình. CLB năng khiếu chính là nơi ươm mầm cho những tài năng trẻ, cho năng khiếu của các em được nở hoa, hoặc chí ít sẽ là sân chơi đa năng đầy tư duy, không kém phần nghệ thuật, để các em thử sức mình với nhiều điều mới lạ và mang đến cho các em những phút giây thư giãn”.

Ngoài phát triển các CLB năng khiếu, các CLB gắn liền với các môn học cũng được Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển chú trọng thực hiện, giúp học sinh phát huy được năng lực cũng như kiến thức trong học tập.

Ngoài phát triển các CLB năng khiếu, các CLB gắn liền với các môn học cũng được Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển chú trọng thực hiện, giúp học sinh phát huy được năng lực cũng như kiến thức trong học tập.

Em Phan Nguyễn Yến Linh, lớp 11 chuyên Sử, Chủ nhiệm CLB Sử học, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, chia sẻ: “Qua những buổi sinh hoạt chuyên đề theo sự kiện lịch sử, chúng em muốn đem những giá trị lịch sử đến thế hệ trẻ ngày nay bằng cách truyền tải qua hình ảnh, video, trò chơi, cũng như lồng ghép qua những tiết mục văn nghệ. Thông qua đó, chúng em mong muốn giúp các bạn hiểu hơn, trân trọng hơn những giá trị lịch sử, những hy sinh, công ơn to lớn của ông cha ta, từ đó giúp các bạn nâng cao tinh thần yêu nước”.

Không chỉ thế, thời gian qua, các CLB của Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển còn tổ chức những hoạt động ngoại khoá, làm thiện nguyện vào các ngày lễ, Tết, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, cơ nhỡ tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Qua những hoạt động ý nghĩa này, giúp các em được bồi dưỡng lòng sẻ chia, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Các CLB là nơi chắp cánh cho những tài năng tương lai. Lợi ích của các CLB rất thiết thực, vừa cho học sinh vui vẻ học tập, vui chơi trong môi trường mà các em yêu thích, vừa giúp các em tự tin thể hiện bản thân và hoà đồng với bạn bè, với mọi người. Ðây là sân chơi bổ ích, lý thú, không những hỗ trợ việc giáo dục các môn văn hoá mà còn góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng tài năng sáng tạo của học sinh. Nội dung hoạt động CLB năng khiếu đều mang tính thiết thực, bổ ích và phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhận thức của học sinh.

Thông qua hình thức sân khấu hoá, các em trong CLB Sử học của Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển tái hiện lại sự kiện lịch sử thành cổ Quảng Trị.

Thông qua hình thức sân khấu hoá, các em trong CLB Sử học của Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển tái hiện lại sự kiện lịch sử thành cổ Quảng Trị.

Anh Nguyễn Trần Ðăng Khoa, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Cà Mau, nhận xét: “Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau có 263 CLB trong trường học THPT. Các mô hình phát triển CLB theo sở thích của tổ chức Ðoàn - Hội các trường hoạt động hiệu quả, duy trì qua hằng năm. Thông qua các CLB giúp các em thoả mãn đam mê, cũng như giao lưu học hỏi. Hằng năm, Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố đều tổ chức liên hoan cho các nhóm nhảy hiện đại, các ban nhạc acoustic để tạo sân chơi cho các em, đến nay đã tổ chức được 5 lần liên tiếp”.

Có thể thấy, mô hình các CLB năng khiếu trong trường học là một phần quan trọng trong chương trình phát triển toàn diện của nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh thực hành những điều đã học, cũng như phát triển tối đa khả năng của mỗi em. Qua việc tổ chức các CLB, tạo sân chơi bổ ích cho các em ngoài giờ học chính khoá, để các em thấy rằng mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ðó sẽ là động lực để các em phấn đấu học tập và rèn luyện tốt hơn./.

 

Quỳnh Anh - Hoàng Vũ

 

Dìu dắt trẻ khuyết tật trưởng thành

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau (Trung tâm), ấp Cây Trâm, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau, nhiều năm qua trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh có con em bị khuyết tật bẩm sinh, là ngôi nhà chung của trẻ em khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, giáo dục các em khuyết tật từ 3-22 tuổi, theo học từ mẫu giáo đến lớp 12.

Chịu quan sát, thay đổi tư duy

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) đoạt 4 giải tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp thành phố, với những giải pháp mang tính ứng dụng thực tiễn cao đến từ chính nỗ lực quan sát, học hỏi của các em.

Báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho 200 học sinh Cà Mau khó khăn

Sáng ngày 17/12, tại hội trường Huyện uỷ U Minh, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức trao học bổng “Gieo mầm tri thức” cho 180 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích khá, giỏi tại huyện; mỗi suất học bổng trị giá 2 triệu đồng, gồm xe đạp và dụng cụ học tập.

Thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, đã chủ động thực hiện nhiều phong trào góp phần quan trọng trong hoàn thiện phát triển thể chất lẫn trí tuệ cho trẻ ngay từ bậc học mầm non.

Chìa khoá giảm bạo lực học đường

Nhiều trường học đã thay đổi cách dạy, cách tiếp cận học sinh, tạo môi trường giáo dục thân thiện, mở ra không gian học tập hạnh phúc để tạo sự thoải mái, vui vẻ cho học sinh.

Nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo

Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về chủ quyền biển đảo, sáng nay (3/12), Bảo tàng tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin, Huyện đoàn U Minh tổ chức ngoại khoá cho đoàn viên, học sinh kết hợp triển lãm tư liệu, hình ảnh chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”.

Người truyền lửa đam mê môn Lịch sử

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hồ Hải Ðăng (34 tuổi), Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau), là người truyền cảm hứng, truyền lửa tình yêu môn Lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh.

Phổ biến kỹ năng phòng chống đuối nước cho giáo viên

Tỉnh Cà Mau là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, điều này mang lại lợi thế cho phát triển kinh tế thuỷ sản, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhiều gia đình sống gần sông, kênh mương, nhưng điều kiện học bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước còn hạn chế.

Cây vú sữa trong trường học

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm 2 miền Nam - Bắc, đồng bào miền Nam chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Tại Cà Mau, dù chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhưng người dân vẫn luôn hướng về Ðảng và Bác Hồ kính yêu. Cây vú sữa trong vườn Bác đã trở thành biểu tượng về tấm lòng của Bác luôn nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước.

Cô giáo yêu nghề, mến trẻ

Nhiệt huyết với nghề, mến trẻ và luôn phấn đấu trong giảng dạy, cô giáo trẻ Bùi Hồng Thích, giáo viên Trường Mầm non Hoạ Mi, xã Khánh Tiến, huyện U Minh là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.