ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-12-24 20:23:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quản lý hoạt động Grab

Báo Cà Mau Dịch vụ “xe ôm công nghệ”, hay còn gọi là Grab, dần trở nên phổ biến ở Cà Mau, với khoảng 40 nhóm tự lập và mặc áo đồng phục, nhận và chở khách cả trong và ngoài TP Cà Mau.

Mỗi nhóm từ 3-10 xe, thậm chí có những nhóm quy mô tới vài chục xe. Dịch vụ này phát triển chủ yếu phục vụ khách di chuyển khi đã có sử dụng bia, rượu. Thông thường nhiều nhóm Grab sẽ tập trung lúc 18 giờ và bắt đầu được phân công các cuốc xe. Mỗi cuốc xe thường cần 2 tài xế, một chở khách, một lái xe của khách.

Hoạt động bình thường một thời gian, dịch vụ Grab xuất hiện nhiều tiêu cực. Ðó là việc tranh giành khách và giá cả lên xuống thất thường. Ðối với một số đội Grab chuyên nghiệp quy tụ đông anh em chạy cùng thì giá ổn định và có niêm yết, việc phân tài chạy cũng công bằng và đảm bảo thu nhập hằng tháng cho người chạy. Tuy nhiên, đối với một số nhóm tự phát và thường các nhóm này ăn chia với một số quán nhậu thì thường có giá thất thường, tuỳ vào khách sang hay không?

Grab - xe ôm công nghệ, hiện trở thành dịch vụ được nhiều người lựa chọn.

Grab - xe ôm công nghệ, hiện trở thành dịch vụ được nhiều người lựa chọn.

Anh Nguyễn Văn Tràng, người thành lập nhóm Grab Tràng, cho biết: “Ðội Grab của tôi hoạt động minh bạch, công khai. Giá cả đã có sẵn và không thay đổi. Các anh em chạy phải đảm bảo an toàn, nếu phát hiện trường hợp không đàng hoàng với khách hay cự cãi để khách khiếu nại là không được chạy nữa. Tôi đảm bảo công bằng cho anh em trong các cuốc chạy để làm sao ai cũng có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải cạnh tranh với một số nhóm Grab tự phát, dẫn đến nhiều phức tạp, nên mong có quy định cụ thể hẳn hoi để có sự rõ ràng về giá cả và quản lý, nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng”.

Anh Huỳnh Duy, một tài xế thuộc nhóm Grab Cà Mau, chia sẻ: “Chúng tôi cũng gặp trường hợp vài người tự nhận là Grab, giành giật khách. Những người này không đăng ký, không có bất kỳ sự đảm bảo nào, dẫn đến hét giá và gây nguy hiểm cho khách. Nhiều khách không phân biệt được nên đánh đồng, khiến những người chạy Grab đàng hoàng như chúng tôi bị ảnh hưởng”.

Ðể tránh tình trạng loạn "Grab", theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tại Tờ trình số 53/TTr-SGTVT ngày 11/6/2024, UBND tỉnh đã ra Quyết định quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo quyết định này, đơn vị cung cấp dịch vụ điều khiển phương tiện (xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh và xe ô tô) của hành khách tham gia giao thông đường bộ phải đảm bảo đủ các yếu tố như: thực hiện đăng ký kinh doanh với ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp; xây dựng phương án hoạt động để tự kiểm tra, kiểm soát người điều khiển và phương tiện tham gia vận chuyển thuộc đơn vị; xây dựng quy định nội bộ về đồng phục và thẻ tên (gồm các thông tin cơ bản: tên đơn vị; ảnh, họ và tên người điều khiển; loại xe điều khiển: 2 bánh, 4 bánh hoặc cả hai) cho người điều khiển phương tiện thuộc đơn vị để phân biệt với các đối tượng tham gia giao thông khác. Ðồng thời, thông báo bằng văn bản gửi đến UBND huyện, TP Cà Mau (nơi đặt trụ sở) trước khi tổ chức hoạt động, trong thông báo gồm các thông tin tối thiểu: tên đơn vị kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (số, ngày cấp, cơ quan cấp); danh sách những người điều khiển phương tiện (họ và tên, số Giấy phép lái xe, hạng Giấy phép lái xe, số điện thoại); mẫu đồng phục, thẻ tên của người điều khiển phương tiện; giá dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách; thời gian bắt đầu hoạt động.

Về giá cả, khi có thay đổi về người điều khiển phương tiện, giá dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách so với lần thông báo liền kề, phải thông báo nội dung thay đổi gửi đến UBND các huyện, TP Cà Mau (nơi đặt trụ sở) trước khi thực hiện. Niêm yết giá dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách, số điện thoại tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, trên phần mềm ứng dụng của đơn vị.

Nhiều đội grab có đăng ký hoạt động và mặc đồng phục hoạt động rất nghiêm túc.

Quyết định này cũng nhấn mạnh, các đội Grab phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành khách, phương tiện của hành khách do lỗi của người điều khiển phương tiện thuộc đơn vị gây ra khi thực hiện công việc được giao.

Theo UBND TP Cà Mau, UBND tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách trên địa bàn; chỉ đạo các phòng chuyên môn, lực lượng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Quyết định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ðồng thời, UBND thành phố cũng định kỳ trước ngày 20/12 hằng năm, báo cáo tổng hợp về số lượng đơn vị kinh doanh, số lượng người tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách trên địa bàn về Sở GTVT để tổng hợp, báo cáo.

Ðối với Sở GTVT, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện, TP Cà Mau tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, Sở cũng chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định tại Quyết định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, định kỳ trước ngày 15/1 hằng năm, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Quyết định này và những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Riêng đối với Công an tỉnh phải chỉ đạo Công an các huyện, TP Cà Mau trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định tại Quyết định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Song song đó, phải phối hợp với Sở GTVT trong công tác kiểm tra, nắm bắt thông tin về xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ điều khiển phương tiện của hành khách tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh./.

 

Lam Khánh - Hoàng Vũ

 

Chịu quan sát, thay đổi tư duy

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) đoạt 4 giải tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp thành phố, với những giải pháp mang tính ứng dụng thực tiễn cao đến từ chính nỗ lực quan sát, học hỏi của các em.

Thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, đã chủ động thực hiện nhiều phong trào góp phần quan trọng trong hoàn thiện phát triển thể chất lẫn trí tuệ cho trẻ ngay từ bậc học mầm non.

Chuẩn bị các điều kiện giải toả mặt bằng

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau là công trình có nhiều ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Cà Mau. Ý thức được tầm quan trọng của công trình này, từ khi có chủ trương thu hồi đất, các địa phương có đất nằm trong vùng giải toả bắt tay thực hiện ngay công tác tuyên truyền, vận động, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dìu dắt trẻ khuyết tật trưởng thành

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau (Trung tâm), ấp Cây Trâm, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau, nhiều năm qua trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh có con em bị khuyết tật bẩm sinh, là ngôi nhà chung của trẻ em khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, giáo dục các em khuyết tật từ 3-22 tuổi, theo học từ mẫu giáo đến lớp 12.

Lan toả thông điệp tích cực về sức khoẻ và bình đẳng

Tối 17/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp Cục Phòng chống HIV/AIDS, Ban quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Nhóm MCN và các nhóm cộng đồng khu vực ĐBSCL tổ chức sự kiện truyền thông tuyên truyền về HIV và PrEP năm 2024.

Báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho 200 học sinh Cà Mau khó khăn

Sáng ngày 17/12, tại hội trường Huyện uỷ U Minh, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức trao học bổng “Gieo mầm tri thức” cho 180 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích khá, giỏi tại huyện; mỗi suất học bổng trị giá 2 triệu đồng, gồm xe đạp và dụng cụ học tập.

Chợ mua bán văn minh

Vẫn là khung cảnh nhộn nhịp người bán, người mua, tuy nhiên, chợ Phường 1, TP Cà Mau, để lại ấn tượng tốt bởi cách sắp xếp gọn gàng, tiểu thương ứng xử văn minh, tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Ðó là thành quả sau thời gian địa phương triển khai mô hình “Chợ Phường 1 mua bán văn minh”.

Ông Hai Ẩn giàu lòng trắc ẩn

Trong thời buổi "tấc đất, tấc vàng", nhất là ở đô thị, vậy mà tại Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau, có một cán bộ hưu trí đã mạnh dạn cho hàng chục hộ dân mượn đất cất nhà ở, ổn định cuộc sống. Nghĩa cử này không phải ai cũng làm được.

Dồn sức thực hiện chủ trương lớn

Thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, Cà Mau đang tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của đề án, nhằm tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tái định cư, yên tâm lập nghiệp

Qua hơn 10 năm đưa vào sử dụng, Khu Tái định cư ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, phát huy được công năng, tạo điều kiện để người dân được an cư, lạc nghiệp.