Sáng nay 4/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Ban Tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 “VietShrimp 2024” tổ chức họp báo phát động sự kiện lớn của ngành tôm Việt Nam với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”.
Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Cà Mau, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Cục Thủy sản, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 20-22/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, phát biểu tại buổi họp báo.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết, những năm qua, mặc dù luôn có những khó khăn, thách thức, thế nhưng con tôm vẫn là chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung và nền kinh tế của cả nước, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Trong hơn 20 năm qua, ngành tôm vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD (năm 2022 đạt kỷ lục mới với hơn 4,3 tỷ USD).
Hiện, tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Cà Mau có diện tích 280 ngàn ha nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tôm lúa, tôm rừng...
Năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747.000 ha; sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn. Năm 2023, mục tiêu diện tích nuôi tôm sẽ tăng lên 750.000 ha.
Tuy 8 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu tôm giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, khi chỉ đạt gần 2,2 tỷ USD, thế nhưng tín hiệu đã rất sáng khi kim ngạch xuất khẩu tôm từ tháng 5 đến nay liên tục tăng.
Với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”, Ban Tổ chức VietShrimp 2024 mong muốn đây sẽ là diễn đàn lớn để 4 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng ngồi lại tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, chia sẻ, Cà Mau mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành chức năng, các nhà khoa học trong phát triển ngành tôm.
Tại buổi họp báo, đại diện ngành nuôi tôm Cà Mau, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của ngành nuôi tôm Cà Mau.
Với diện tích 280 ngàn ha nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tôm lúa, tôm rừng…, ngành tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau, sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt trên 200 ngàn tấn, thu về ngoại tệ hơn 1 tỷ USD, chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu cả nước.
“Tuy nhiên, ngành tôm Cà Mau còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng còn thấp kém; giá tôm không ổn định, giá thức ăn tăng; trình độ sản xuất, khả năng tiếp cận của người nuôi tôm còn hạn chế… Cà Mau rất mong các ngành chức năng, các nhà khoa học luôn đồng hành, hỗ trợ để con tôm Cà Mau cất cánh bay cao và bay xa hơn nữa trong thời gian tới”, ông Bằng mong muốn.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cà Mau, mỗi năm thu về trên 1 tỷ USD.
VietShrimp 2024 dự kiến sẽ có khoảng 250 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng; các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tâm huyết với ngành tôm Việt Nam.
Qua 4 lần tổ chức, VietShrimp trở thành sự kiện lớn của ngành thủy sản Việt Nam và là một hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực và châu Á, với mong muốn tiếp tục đưa con tôm Việt Nam đến với nhiều thị trường mới, khẳng định vị thế, thương hiệu trên bản đồ ngành công nghiệp tôm toàn cầu./.
Huỳnh Lâm