(CMO) Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) hình thành trong 7 năm qua, đã góp phần giúp nhiều gia đình hội viên nông dân trong tỉnh xây dựng thành công các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.
4.665 hội viên hưởng lợi từ đề án
Sau 7 năm, Ðề án “Hoạt động của QHTND tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2014-2020” đã huy động được 42 tỷ 872 triệu đồng, giải ngân 250 dự án, giúp 4.665 hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Thị Quyết cho biết: "QHTND hoạt động với phương châm phi lợi nhuận, là một trong những kênh tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên nông dân đã xây dựng được các mô hình sản xuất bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần trong công tác giảm nghèo ở các địa phương".
Có thể kể đến các mô hình hiệu quả như: nuôi tôm tít bằng lồng, nuôi sò huyết thương phẩm, ươm dèo cua giống, nuôi tôm - cua kết hợp ở huyện Năm Căn; nuôi tôm 2 giai đoạn, trồng nấm rơm, ủ phân hữu cơ, trồng rau an toàn, nuôi cá chình, cá bống tượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong ao tôm kém hiệu quả ở huyện Trần Văn Thời; trồng rau trong nhà lưới, trồng rau an toàn ở TP Cà Mau; nuôi tôm sinh thái có sử dụng chế phẩm sinh học ở huyện Ngọc Hiển; nuôi tôm 2 giai đoạn, đánh bắt hải sản bằng câu kiều ở huyện Phú Tân... Qua các mô hình, dự án, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động thành lập mới được 250 THT và 17 HTX, góp phần thực hiện tiêu chí 13 trong chương trình xây dựng NTM.
Hiệu quả tích cực
Những ngày cuối năm, không khí Tết sôi động hẳn lên ở cánh đồng của bà con nông dân xã Tân Thành và phường Tân Thành, TP Cà Mau. Tại vườn dưa lưới của các thành viên THT nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tân Thành, dưa lưới đã chín, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Hồ Quốc Trạng cho biết: "Ban đầu có một số hộ dân trên địa bàn tự tìm tòi, học tập và thực hiện mô hình này, thấy hiệu quả và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, Hội Nông dân xã đề xuất với thành phố thành lập THT, hỗ trợ vốn để thành viên có điều kiện tham gia".
Ông Hồ Quốc Trạng, Ấp 3, xã Tân Thành tăng thu nhập từ trồng dưa lưới. |
Theo đó, năm 2020, THT được hỗ trợ 800 triệu đồng cho 8 hộ dân của THT thực hiện mô hình trên. Ðến thời điểm này, trong tổ THT thực hiện được 4 nhà màng trồng dưa lưới, mỗi nhà 2.000 m2, với 1.200 dây dưa. Mỗi năm có thể thực hiện được 4 vụ, bình quân mỗi vụ lợi nhuận 50-60 triệu đồng.
Tại phường Tân Thành, 10/12 thành viên CLB nuôi cá chình, bống tượng của Ấp 3 cũng hết sức phấn khởi khi đã và đang bắt tay thu hoạch cá, cùng một số nông sản khác để kịp ăn Tết. Bà Võ Thị Út, thành viên CLB, cho biết: "Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, chỉ có 4,5 công đất, gia đình bà đào ao nuôi cá chình, bống tượng; tận dụng diện tích đất trống trên bờ trồng thêm rau đắng. Rồi cũng nhờ một phần từ các nguồn vốn hỗ trợ nông dân, vốn ngân hàng chính sách, góp phần giúp gia đình có thêm vốn trang trải tiền cá mồi, cải tạo ao đầm… Với mô hình trồng rau, nuôi cá, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng/năm".
Còn tại Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, từ phong trào trồng bồn bồn tự phát trong dân, đến hình thành THT trồng bồn bồn với 10 thành viên. Tháng 11/2019, nguồn QHTND đã đầu tư cho THT 100 triệu đồng, giúp các thành viên nhân rộng mô hình. Ðến nay diện tích đã lên đến hơn 20 ha.
Ông Tăng Văn Thắng, Tổ phó THT, cho biết: Từ nguồn vốn QHTND đã góp phần tích cực, tạo đà để nông dân có điều kiện phát huy hiệu quả sáng kiến, các mô hình mà họ có ý định thực hiện. Mô hình trồng bồn bồn của THT hiện nay đang phát triển tốt, nếu đầu ra ổn định, sẽ góp phần mang lại thu nhập từ 2-10 triệu đồng/tháng.
Bà Trần Thị Quyết cho biết thêm: Trước khi thực hiện đề án, kinh tế của hội viên nông dân gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nhàn rỗi lao động, chưa được tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Từ khi có nguồn QHTND, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân. Ðặc biệt, nhằm giúp hộ vay sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc triển khai cho vay vốn, các cấp hội còn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, các nhà khoa học, nhất là đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho hàng trăm ngàn lượt hội viên tham gia. Từ đó, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm nghèo trong cộng đồng./.
Loan Phương