Sau cơn sốt giá vụ mùa năm 2014, giờ đây diện tích gừng trồng tự phát trên địa bàn huyện Thới Bình được mở rộng nhanh chóng. Nhiều nông dân đã mạnh dạn phá bỏ mía để trồng gừng giờ đang trong tình trạng lo lắng cho đầu ra của loại nông sản này.
Sau cơn sốt giá vụ mùa năm 2014, giờ đây diện tích gừng trồng tự phát trên địa bàn huyện Thới Bình được mở rộng nhanh chóng. Nhiều nông dân đã mạnh dạn phá bỏ mía để trồng gừng giờ đang trong tình trạng lo lắng cho đầu ra của loại nông sản này.
Gia đình anh Võ Thanh Tùng, ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Ðông là một trong những hộ được xem “trúng số độc đắc” từ cây gừng vụ vừa qua, nhưng đến nay, nhắc đến việc trồng gừng anh có vẻ buồn. Trầm ngâm hồi lâu, anh mới cho biết, sau vụ trúng đậm cây gừng năm 2014, anh rủ thêm 2 người em ruột cùng nhau làm giàu, ai ngờ vô tình khiến 2 em bị thua lỗ luôn.
Anh Nguyễn Quốc Việt, ấp 6 La Cua đang bứng từng cây gừng để dồn lại do tỷ lệ gừng lên cây rất thấp. |
Anh Tùng giải thích: “Năm ngoái gia đình chỉ trồng chưa được 500 m2 gừng mà bán gần 100 triệu đồng, nếu so với mía cùng diện tích phải làm trên 10 vụ mới có được, có khác gì trúng số đâu. Thấy quá “ngon ăn”, tôi rủ 2 thằng em cùng phá thêm diện tích mía, đi mua giống, hướng dẫn kỹ thuật tụi nó, ai ngờ gừng trồng chẳng thấy lên gì hết”.
Trong số 2 người em theo anh Tùng “phá mía trồng gừng” thì anh Võ Minh Quân, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông còn vớt được chút đỉnh nếu tính đến thời điểm này, bởi gừng của anh lên cây được khoảng 40-50%. Thê thảm nhất là anh Võ Phi Hùng, khi gừng không lên được cây nào. Anh Hùng cho biết, anh cũng làm như mọi người: lên giồng, phủ rơm rồi trồng nhưng chờ hoài không thấy cây nào lên, đào lên mới biết gừng giống đã bị thối hết. Thấy không còn hy vọng nên hiện toàn bộ diện tích gần 500 m2 anh chuyển sang trồng… khoai ngọt.
Không riêng gia đình anh Tùng trồng gừng lên với tỷ lệ thấp, mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã cũng gặp phải tình trạng tương tự. Thấy giá gừng tăng cao, gia đình anh Nguyễn Quốc Việt, ấp 6 La Cua mạnh dạn phá bỏ hơn 2,5 công mía (2.500 m2) để lên giồng trồng gừng. Tuy nhiên, hiện tại gia đình anh phải cặm cụi từ sáng đến chiều tối để dồn lại cho đủ giồng, đủ liếp. Theo anh Việt, gừng giống trồng lên khoảng 50%, còn lại hư hết nên phải bứng dồn lại lấy đất trống trồng loại khác. Gừng trồng lên tỷ lệ thấp có lẽ là do giống, bởi hầu như ở đây ai cũng vậy, hiếm lắm mới có hộ đạt 70-80%.
Một trong những vấn đề khiến rất nhiều hộ dân vô cùng băn khoăn là có phải giống gừng họ đang trồng chính là gừng mà các hộ dân vụ trước đã bán, trước đó được khuyến cáo là không để giống được. Sự băn khoăn ấy hoàn toàn có cơ sở bởi anh Quân tính toán, trước đây 1 công gừng khoảng 7-8 tấn bán với giá từ 100-150 triệu đồng thì 1 kg trị giá 15.000-20.000 đồng. Nhưng 1 kg gừng giống người dân phải mua của thương lái từ 25.000-30.000 đồng. Như vậy, không khéo người dân tự mua gừng của nhau mà cứ ngỡ gừng giống. Người hưởng lợi chính là các thương lái.
Hiện tại, toàn bộ diện tích gừng của huyện Thới Bình trên 60 ha, đây đa phần là diện tích được chuyển từ cây mía thuộc 2 xã Biển Bạch Ðông và Trí Lực. Ðiều đáng lo ngại là hiện nay đầu ra sản phẩm này đang vô cùng bấp bênh. Anh Tùng cho biết, gừng được bán cho thương lái tự do, họ đi đến đâu thấy có gừng là vào hỏi, được giá thì mua, còn mua làm gì thì cũng không ai biết.
Diện tích gừng phát triển nhanh đang khiến các ngành chức năng của huyện lo ngại. Bởi không chỉ đầu ra sản phẩm hiện nay chưa ổn định mà còn để lại nhiều hệ luỵ trong sản xuất và đất đai. Theo anh Tùng, đất đã trồng gừng thì chỉ trồng được 1 vụ, mùa sau phải chuyển sang loại cây khác. Như vậy, hiện nay hơn 60 ha, liệu vụ mùa sau sẽ là bao nhiêu và diện tích cây mía sẽ tiếp tục bị thu hẹp do cây gừng lấn chiếm nếu gừng tiếp tục được giá.
Ðược biết, năm 2012 có thời điểm gừng sốt giá, nhưng đến lúc thu hoạch rộ, giá chưa được 5.000 đồng/kg khiến nhiều người lâm cảnh khốn đốn. Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng băn khoăn, diện tích gừng hiện nay đa phần là do người dân trồng tự phát vì giá gừng hiện khá cao so với mía. Tuy nhiên, đến thời điểm này huyện cũng chưa tìm được đầu ra nên cũng chưa thể định hướng cho người dân.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng nhận định, hiện toàn tỉnh đang triển khai đầu tư đồng bộ nhiều hạng mục công trình nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng theo từng vùng đã quy hoạch. Do đó, việc người dân tự phát trong sản xuất sẽ rất khó trong việc đầu tư cũng như chỉ đạo sản xuất. Sản xuất theo quy hoạch là một trong những giải pháp để người dân có thể giảm nhẹ được thiệt hại do biến động của nhiều yếu tố, từ thiên tai, thời tiết cho đến thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú