ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 26-11-24 07:46:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vùng ngọt lao đao vì sụp lún và sạt lở đất

Báo Cà Mau (CMO) Khi thấy con số thống kê toàn tỉnh đã có 147 tuyến lộ nông thôn bị sụp lún với chiều dài hơn 14 km, nhiều người rất quan tâm. Tuy nhiên, đó là con số của cách đây khoảng 1 tháng, còn hiện tại tình trạng sụp lún lộ giao thông nông thôn đã xác lập một kỷ lục mới khi vượt hơn 887 vị trí sụp lún, sạt lở đất với chiều dài hơn 21,1 km.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, biểu thống kê thiệt hại do sụp lún, sạt lở đất do hạn đã lên đến 13 trang mà co chữ cỡ 9 khiến ai cũng phải bàng hoàng lo ngại. Không dừng lại ở đó, mức độ sụp lún và sạt lở đất sẽ càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi ông Lê Thành Huấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh đưa ra nhận định: "Tình trạng sụp lún, sạt lở hiện nay chỉ đang ở giai đoạn 1, vẫn còn giai đoạn 2 và 3 phía trước”.

Tình trạng sụp lún và sạt lở đất hiện nay hầu như diễn ra tập trung ở vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thì mức độ không thua kém so với hậu quả mà Elnino năm 2016 để lại.

Đoạn lộ trên địa bàn xã Khánh Bình Đông bị sụp lún sâu với chiều dài hơn 20 m.

Mùa khô năm 2016 là nỗi ám ảnh khiến nhiều người không thể quên được. Tình trạng khô hạn và xâm mặn năm ấy đã khiến trên 52 ngàn héc-ta lúa ở Cà Mau bị thiệt hại, tỉnh phải chi trên 80 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân; Trên 52.400 ha tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến bị chết do nắng nóng và độ mặn tăng cao, ước tính thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

Đối với lộ nông thôn, đã có hàng chục ngàn ki-lô-mét bị sụp lún, sạt lở hay hư hỏng do rạn nứt, tỉnh phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục. “Có thể nói, việc khắc phục hậu quả do hạn hán năm 2016 để lại đối với lộ nông thôn kéo dài đến hết năm 2019 mới cơ bản. Các địa phương phải huy động tổng lực từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư khắc phục, sửa chữa, đường sá mới trở lại phẳng phiu như hiện nay”, ông Huấn cho biết thêm.

Còn tại sao nước dưới các tuyến kênh trên vùng ngọt hiện nay lại trở nên khô hạn nhanh đến thế thì cần tìm hiểu kỹ hơn về tập quán canh tác của người dân cũng như điều kiện tự nhiên ở vùng này. Vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời đến tháng 10 là đồng loạt đóng các cống để ngăn mặn, nước hầu như chỉ còn dưới kênh mương. Trong khi đó vùng này người dân gần như không có diện tích hoang hoá, từ ruộng lúa, hoa màu cho đến vườn cây ăn trái. Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, trong giai đoạn này hộ nào cũng tranh thủ dùng máy bơm để trữ nước trên ruộng làm lúa, sản xuất hoa màu… trong khi lượng nước dưới các kênh mương không có bao nhiêu nên tốc độ khô hạn của các kênh diễn ra rất nhanh. “Nếu tình trạng sản xuất như hiện nay kéo dài, không chỉ có hạn hán mới xảy ra sụp lún mà cả những năm bình thường cũng sẽ bị”, ông Huấn nhận định.

Phân tích sâu hơn về chuyên môn, ông Huấn chỉ ra thêm, vùng đất Cà Mau là vùng đất than bùn nên độ rỗng trong đất rất cao, khi gặp khô hạn kéo dài dẫn đến khoảng không trong đất lớn và tất nhiên là tình trạng sạt lở và sụp lún sẽ diễn ra.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khiến tình trạng sụp lún ngày một nhiều, đó là một số hộ dân dọc theo các tuyến kênh, rạch khai thác quá mức từ đáy kênh bằng các máy bơm hút và máy đào. Điều này còn lý giải vì sao các điểm sụp lún thường xuất hiện trước nhà dân.

Hiện nay, ngoài 887 điểm đã xảy ra sụp lún, sạt lở thì hàng loạt những tuyến đường cũng trên vùng ngọt hoá Trần Văn Thời đang trong tình trạng rạn nứt dọc dài và sâu. Theo dự báo, thời gian tới, nhất là khi mùa mưa bắt đầu, sạt lở đất ven kênh, rạch còn xảy ra nghiêm trọng hơn. 

Phân tích thêm nguy cơ sụp lún sẽ diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài hết tháng 4 như dự báo, ông Huấn chỉ rõ, giai đoạn 2 là giai đoạn khi nền đường trở nên khô dữ dội, cùng với tác động của tải trọng xe sẽ làm mặt đường bị lún sụp tại chỗ, tạo ra gợn sóng và mặt đường bị rạn nứt. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là giai đoạn 3, tức là lúc mưa xuống. Nếu mưa từ từ còn đỡ, nhưng khi mưa nhiều đường không những bị trượt mà còn có hiện tượng lún rất sâu. Đây là giai đoạn phá hoại dữ dội nhất.

Thực tế và dự báo là vậy, nhưng để khắc phục được tình trạng sụp lún và sạt lở hiện nay và thời gian tới thì gần như là không thể. Bởi lẽ, nguyên nhân chính gây sạt lở hiện nay là do mất áp lực nước (do kênh khô). Do đó, giải pháp tốt nhất là cân bằng lại áp lực nước, tức phải cho nước vào các kênh mương. Mà thực tế điều kiện không có nguồn nước ngọt bổ sung như Cà Mau thì biện pháp này chỉ là lý thuyết. Còn việc tiến hành gia cố cừ để kè thì theo ông Huấn cũng không khả thi do khung trượt quá sâu, chiều dài của cừ không đảm bảo nên không có tác dụng. Đồng thời, hiện nay, để vận chuyển vật tư vào khắc phục là vô cùng khó do đường thuỷ hiện đã không còn hoạt động được. Do đó, trước mắt, tại những điểm sạt lở nhẹ, thì chính quyền địa phương và người dân sử dụng vật liệu tại chỗ để đảm bảo an toàn trong lưu thông cũng như căng dây, cắm biển cảnh báo…

Từ hậu quả của đợt hạn hán năm 2016 và những thiệt hại ban đầu của năm 2020 này, vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục để người dân sản xuất lúa vụ 3 hay không? Hay nên chuyển sang canh tác 1 vụ màu, 1 vụ lúa? Bởi việc sản xuất lúa vụ 3 tiêu tốn rất nhiều nước và đây là một trong những nguyên nhân khiến các kênh bị cạn nước nhanh dẫn đến tình trạng sụp lún và sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, sản xuất lúa vụ 3 thời gian qua hiệu quả rất thấp, một phần do chi phí đầu vào cao, rủi ro cao, năng suất thấp, giá thành sản phẩm lại thấp. Và câu chuyện lúa bị thiệt hại, người dân đang bị thương lái ép giá do không có đường vận chuyển… là một minh chứng. Còn riêng đối với quá trình nạo vét kênh mương thuỷ lợi thì ông Huấn cho rằng, các đơn vị chủ đầu tư cần phải hết sức lưu ý, phải tránh tình trạng nạo vét quá sát bờ.

Trong suốt thời gian qua, việc làm lộ giao thông nông thôn của tỉnh chủ yếu được tập trung làm từ mặt đường, còn hiện nay tình trạng sụp lún lại chủ yếu là phần nền đường. Do đó, để khắc phục phải bắt đầu từ nền đường. Đây là một bài toán vô cùng khó do chi phí lớn, giao thông đường bộ bị hạn chế, còn giao thông thuỷ gần như kiệt quệ./.

Nguyễn Phú

Lấy ngắn nuôi dài, cải thiện thu nhập

Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có 11/20 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Ðể nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, người dân áp dụng nuôi trồng một số vật nuôi, cây trồng ngắn ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Nhiều tiềm năng, cơ hội khởi nghiệp

Cuộc thi kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Cà Mau đã tạo bầu không khí sôi động và đầy nhiệt huyết của các nhà sáng lập trẻ. Sự kiện không chỉ là nơi để kết nối các nhà đầu tư với những dự án tiềm năng, mà còn mở ra cơ hội để các dự án được phát triển, mở rộng quy mô và sẵn sàng vươn ra thị trường.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.