ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-7-25 16:48:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xây dựng thương hiệu muối trắng Tân Thuận

Báo Cà Mau (CMO) Xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi có 168 ha sản xuất muối, với 70 hộ, năng suất đạt từ 65-70 tấn/ha/năm.

Muối trắng Tân Thuận là tên gọi của người dân đặt cho loại muối “cao sản” ở Tân Thuận, bởi hạt muối rất sạch, chỉ cần sơ chế là có thể ăn được. Muối ở đây trắng, hột muối giòn xốp chứ không cứng. Theo người dân địa phương, để hạt muối có độ trắng như vậy đòi hỏi người làm phải bỏ nhiều công sức, nhất là công đoạn xử lý phèn và lớp cặn trong nước biển.

Xã Tân Thuận nằm giáp ranh với thị trấn Gành Hào, huyện Ðông Hải, nơi tập trung sản xuất muối nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu và được đặt nhà máy sản xuất muối tinh luyện lớn của tỉnh bạn. Thế nhưng, nguồn muối trắng của Cà Mau đến nay vẫn chưa vào nhà máy tỉnh bạn được, bởi giá thành bán cho nhà máy vẫn chưa tiến đến thoả thuận.

Trong năm 2020, diêm dân tại xã vui mừng khi HTX sản xuất muối đầu tiên tại địa phương được thành lập. Thế nhưng, niềm vui đó chỉ đến với một số người, bởi trong 70 hộ làm muối chỉ có 8 hộ tham gia vào HTX.

Giám đốc HTX Muối trắng Tân Thuận Lý Văn Ðẳng chia sẻ: “Diêm dân cũng giống nông dân làm ruộng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhất là nghề này đầu lúc nào cũng đội nắng. Muốn kêu gọi người dân vào HTX, trước mắt phải cho người dân thấy được lợi ích khi tham gia”.

Kho trữ muối nhà anh Lý Văn Ðẳng đã đổ đầy, tràn ra khỏi khu mái che.

Từ khi HTX đi vào hoạt động, việc duy nhất diêm dân được hỗ trợ là giá điện, còn lại những vấn đề hỗ trợ khác vẫn nằm trên bàn giấy. Nhiều người chia sẻ, đến cả việc muốn đem giấy tờ ruộng muối đi vay vốn sản xuất còn bị ngân hàng từ chối, do không nằm trong diện hỗ trợ.

Từ lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đến nay, việc giao thương trở nên khó khăn, thương lái các tỉnh bạn không thể đến mua, nên trữ lượng muối của diêm dân Tân Thuận tồn rất nhiều. Tuy giá thành cao, nhưng kho trữ không đủ sức chứa, nên phải che tum ngoài ruộng, từ đó thất thoát sản lượng khá cao, mỗi năm từ 5-10%.

Về lượng muối tồn đọng trong kho, anh Lý Văn Ðẳng cho biết: “Tính đến thời điểm này là 90 tấn. Ðây là lượng muối tồn từ năm 2020 đến nay, cũng là tình trạng chung của các hộ làm muối tại xã. Bên cạnh đó, phí vận chuyển cao, hiện giá nhân công 1 giạ muối (30 kg) là 5.000 đồng/lượt chuyển, thêm phí tàu ghe vận chuyển, trừ hết chi phí, lãi mỗi giạ muối 20.000 đồng”.

Với quy mô sản xuất muối năng suất cao như hiện nay, bình quân mỗi năm diêm dân Tân Thuận sản xuất hơn 10.000 tấn muối trắng. Tuy nhiên hiện tại, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái địa phương khác, còn tại địa phương chỉ phục vụ hậu cần nghề đánh bắt thuỷ hải sản.

Ông Hồ Quan Thuỳ, phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xã Tân Thuận, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang làm quy trình xây dựng thương hiệu Muối trắng Tân Thuận. Hỗ trợ tư vấn bà con diêm dân tham gia HTX để xây dựng thương hiệu muối sạch, từ đó kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ bao tiêu đầu ra sản phẩm”.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Quốc Khải cho biết: “Thời gian qua, hầu hết bà con ảnh hưởng kinh tế bởi đại dịch Covid-19. Xã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con phục hồi kinh tế, trong đó có nghề làm muối của diêm dân tại xã. Hiện còn nhiều hạn chế do đang thực hiện Chỉ thị 16. UBND xã cũng đã cấp giấy phép vận chuyển cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh”.

Ông Khải cho biết, sắp tới muối trắng Tân Thuận sẽ đăng ký thương hiệu OCOP. Việc làm này nhằm khẳng định thương hiệu muối của địa phương, bên cạnh đó sẽ thúc đẩy giao thương với các doanh nghiệp, đặc biệt là đưa nhãn hàng muối ăn của địa phương vào hệ thống các siêu thị trong toàn quốc. Ðây là giải pháp phải thực hiện lâu dài./.

 

Phương Diện

 

Liên kết hữu ích

Khởi đầu tiềm năng bán tín chỉ carbon 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị mới từ việc bán tín chỉ carbon. Với diện tích rừng rộng lớn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty U Minh Hạ) đang có lợi thế rất lớn để tham gia vào thị trường này. 

Rau má được mùa

Khoảng 2 tuần nay, rau má tại các khu vực trồng rau màu của xã Vĩnh Thanh, tỉnh Cà Mau đang được thương lái thu mua với giá từ 16-18 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân rất phấn khởi vì sản xuất có lợi nhuận khá cao.

Cà Mau lần đầu có 2 sản phẩm muối đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đợt 1 năm 2025, Hội đồng OCOP Trung ương đã công bố 47 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP 5 sao. Trong đó, tỉnh Cà Mau vinh dự có 2 sản phẩm đầu tiên được xếp hạng ở cấp quốc gia.

Cà Mau trước bài toán bảo tồn đa dạng sinh học 

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu những đặc điểm riêng biệt với các hệ sinh thái nước ngọt độc đáo. Nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ và các vùng ngọt hoá nhân tạo. Thế nhưng, việc bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) khu vực này đã và đang đối diện với nhiều thách thức. 

Mùa dọn kèo ong giữa rừng U Minh

Mùa mưa đến cũng là lúc những người dân gác kèo ong ở vùng lâm phần rừng tràm U Minh tất bật vào vụ dọn kèo, để chuẩn bị đón mùa ong mới. Ở vùng đất mà rừng tràm bạt ngàn như Ấp 13, xã Khánh An, nghề Gác kèo ong không chỉ là sinh kế mà còn là nếp nghề truyền đời, gắn bó với bao thế hệ.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Nhìn vào thực tế tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại thẳng thắn chỉ rõ, việc thi công các công trình trọng điểm còn khá ì ạch, chậm chạp và khả năng cuối năm tỷ lệ giải ngân của các đơn vị sẽ không đạt yêu cầu, bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Quan trọng hơn, sẽ làm chậm và mất thời cơ để tỉnh tăng tốc, phát triển, làm lỡ nhịp đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết đối với những công trình là niềm mong mỏi của Nhân dân, nhất là công trình y tế.

Nông dân lãi thấp vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân ở xã Ninh Quới đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, niềm vui ngày mùa không trọn vẹn khi giá lúa giảm, năng suất không cao, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng mạnh. Ðiều này khiến lợi nhuận của nông dân sau một mùa vụ chăm sóc vất vả chỉ ở mức thấp, thậm chí một số hộ chỉ hoà vốn.

Tái sinh rừng phòng hộ 

Với trên 300 km chiều dài bờ biển, tỉnh Cà Mau sở hữu tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Những bãi bồi ven biển mang theo phù sa trù phú, dần hình thành không gian phát triển rộng lớn trong tương lai.

Về xã Hồng Dân vấn vương hương bánh tráng

Một ngày đầu tháng 7, bon bon trên đường bê-tông ở ấp Thống Nhất, xã Hồng Dân, tạo ấn tượng trước mắt chúng tôi là những liếp bánh tráng trắng tinh vừa được người dân tráng xong, đem phơi để đón tia nắng sớm đầu ngày. Những tia nắng vàng ươm rọi xuống, cho những chiếc bánh khô, vừa độ dẻo, ngon, mang hương vị đặc trưng của làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi.

Sinh kế trên đất rừng U Minh Hạ

Có truyền thống gắn bó lâu đời trên đất rừng, nay ở cơ chế mới, cùng với tinh thần lao động cần mẫn, đời sống người dân lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau càng được cải thiện. Mô hình sản xuất xen canh trên đất rừng song hành phát triển du lịch là hướng đi đúng cần được nghiên cứu và nhân rộng.