(CMO) Để triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị, tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, cải thiện thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng và sự an toàn. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục cơ cấu lại hệ thống TCTD, chi nhánh TCTD, quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn tỉnh gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Nhân viên NHNN kiểm đếm tiền tệ. |
Việc thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" mà UBND tỉnh mới ban hành, trong đó, để đảm bảo mục tiêu giữ vững tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống trên địa bàn luôn thấp hơn 3% cả giai đoạn 2016-2020, ngành ngân hàng phải tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy định pháp luật.
Đồng thời, thành lập các đoàn công tác làm việc với các ngân hàng thương mại để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh. Giữ vững ổn định, an toàn hệ thống các TCTD trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Xây dựng, phát triển, cơ cấu lại mạng lưới các TCTD, đảm bảo hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phương hướng hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Mục tiêu là 100% đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất một chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc, thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, tài sản đảm bảo, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng rủi ro. Rà soát, đánh giá lại các khoản nợ đang được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phân loại theo đúng quy định của pháp luật.
Về kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, đề án yêu cầu các TCTD tích cực chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; xây dựng triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng.
Ông Giang Viễn Hoà, Trưởng Phòng Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cà Mau, cho biết: “NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Và cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công”./.
Trương Việt Mỹ
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau đã triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; Chỉ thị 06/CT-NHNN của Thống đốc NHNN về thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và những nội dung cơ bản của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" trên địa bàn tỉnh. |