ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 18:43:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Hồng Cối”

Báo Cà Mau

(CMO) Năm 1965, khi đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phong toả gắt gao, cắt đứt đường vận chuyển vũ khí, phương tiện phục vụ chiến đấu… từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bấy giờ, đường Hồ Chí Minh trên bộ đã nối tới miền Ðông. Với tầm nhìn chiến lược, Khu uỷ và Quân khu 9 mở đường 1C nối từ Tây Ninh, đi nhờ qua biên giới bạn Campuchia, qua An Giang, Kiên Giang và Cà Mau để vận chuyển vũ khí, kịp thời phân phối cho chiến trường Tây Nam Bộ. Ðảm nhận công việc này, có Ðoàn 195 (Quân khu 9) và Liên đội I, II TNXP (tập hợp từ các tỉnh miền Tây). Trên con đường huyết mạch đó, anh chị em TNXP và Ðoàn 195 vượt muôn ngàn gian lao vất vả vừa vận chuyển vũ khí vừa chiến đấu với địch để thông đường, bảo vệ các kho hàng; đồng thời, còn đưa đón hàng chục ngàn cán bộ từ Cà Mau và các tỉnh miền Tây lên R (Trung ương Cục miền Nam) học tập, công tác và đưa nhiều đoàn cán bộ, các binh chủng chủ lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ.

Cũng trên tuyến đường 1C huyền thoại ấy, có 1 nữ TNXP quê Cà Mau giỏi tài bắn súng cối (pháo) nên được anh em đồng đội gọi biệt danh “Hồng Cối”.

Bà Hồ Thanh Hồng tự hào vì được góp sức mình vận chuyển vũ khí về miền Nam chiến đấu trên tuyến đường 1C huyền thoại.

Đã hơn 10 ngày giặc đổ quân, pháo kích. Mặc dù ta chống trả quyết liệt nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Ban đầu chúng bắn pháo lưa thưa, vài ba hôm cho biệt kích mò vào núi. Về sau chúng tăng cường pháo kích dày đặc hơn. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của ta, chúng đều bị đánh dạt trở ra.

Tại núi Sóc Mẹt, huyện Túc Mía, tỉnh Kampot trên nước bạn Campuchia có khá nhiều hàng của ta đang vận chuyển về cất giấu (gồm dây cháy chậm, kíp mìn, thuốc dẻo TNT, cối 120 ly, súng đạn và một số thuốc men...), chờ vận chuyển tiếp qua biên giới về nước. Hơn 10 ngày trước, được tin nguỵ quyền Sài Gòn huy động Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21 sắp có cuộc tấn công quy mô lên đất bạn Campuchia, có xe tăng và máy bay yểm trợ, nhận định địch sẽ đánh vào núi Sóc Mẹt, ban chỉ huy bố trí phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các kho hàng.

Hồ Thanh Hồng cùng mấy anh chị em thanh niên xung phong (TNXP) đang vận chuyển hàng tại đây, được đồng chí Tư Hùng, chỉ huy liên đội, bố trí chiến đấu cùng các đồng chí giữ kho của Ðoàn 195. Bấy giờ cả 2 lực lượng cộng lại chỉ khoảng 20 người, được bố trí thành 3 chốt, bám trụ ở 4 hang có chứa nhiều hàng.

Ðể yểm trợ cho các hang, Hồ Thanh Hồng được phân công lên đồi điều khiển khẩu cối 6. Nơi đặt khẩu cối là 1 mỏm đá nhô ra, mỗi ngày bọn chúng bắn pháo vào núi hàng chục lần, chị cứ phải liên tiếp bò vào, bò ra bắn chống trả. Ngoài bắn pháo, chị còn được ban chỉ huy phân công dùng ống dòm quan sát thật kỹ tình hình địch bên dưới để mỗi chiều báo cáo lại. Từ ống dòm, chị thấy rất rõ bãi đổ quân của địch cặp lộ nhựa, cách chân núi chưa đầy 1 cây số. Chúng che lều trại, xe tăng đậu dày đặc, trực thăng dập dìu lên xuống. Còn bãi pháo của giặc nhỏ lớn đếm được hơn 20 cây; mỗi lần bắn, chúng phải dùng ô-bạc-lưa hô khẩu lệnh. Những lần chúng bắn, không thua B52 bừa. Chúng cứ bắn xả vào núi và vào các vùng chung quanh, kinh thiên động địa.

Khoảng ngày thứ 11 trở đi, giặc đánh vào núi dữ dội. Ban đêm chúng bắn pháo vào các miệng hang, ban ngày cho phản lực dội bom. Ðánh bom B52 và bắn pháo bầy xong, chúng cho xe tăng và bộ binh càn vào. Chốt 2 có 2 đồng chí hy sinh là Phan Thị Mười và Lê Thị Hạnh.

Lương thực cạn dần, đơn vị ở cách xa hơn 20 cây số, đường tiếp tế bị cắt. Nan giải nhất là nước dùng để uống và nấu cơm. Cũng may lúc ấy đầu mùa mưa, anh chị em hứng từng giọt nước trong khe hang đá nhín ra nấu cơm và thấm giọng.

Nói là hang, như thật ra gọi “ảng” thì đúng hơn, bởi chỉ hang đầu là sâu, các hang còn lại độ chừng chục mét. Giặc đánh tới thì coi như không đường thoát. Nhưng anh chị em đều xác định phải chiến đấu tới cùng.

Vị trí bắn cây pháo 6 trên đồi đã bị lộ, chỉ huy lệnh Hồ Thanh Hồng phải đặt một khẩu pháo gần chân núi, tại miệng hang thứ tư, nơi để khá nhiều hàng. Chị bò vào kho lấy cây cối 8, lau vội mỡ bò rồi nhanh chóng lắp ráp đặt vào vị trí. Bấy giờ đồng chí Năm Bé bắn cây AT tăng hết đạn nên quay sang phụ chị.

Các hang vẫn chiến đấu quyết liệt và được cây pháo của chị bắn yểm trợ. Theo nguyên tắc, sử dụng súng cối phải có 3 người; 1 người ngắm định vị toạ độ, 1 người gắn liều, ngòi nổ, 1 người bỏ trái và thực hiện nhiệm vụ bắn. Với cây cối 6 còn nhẹ, chứ cối 8 nặng gần 200 kg, các bộ phận như đế, chân và nòng tách rời, mỗi lần bắn phải vác từng bộ phận tới vị trí rồi ghép lại. Bắn xong cũng phải tháo ra mới vận chuyển đi được. Các vị trí khác chỉ làm nhiệm vụ lúc đầu, xong đâu đó rồi rút lui, chỉ còn lại vị trí bắn. Ở các lần đánh trận, chị đều đảm nhận vị trí này.

Những trận đánh trước vì chủ động nên việc phối hợp khá nhịp nhàng. Có khi cũng không đủ 3 người cùng thực hiện các công việc trước khi bắn, nhưng cố gắng chịu khó thì 2 người, thậm chí 1 người cũng khắc phục và bắn được.

Tính ra, đây là trận thứ 5 chị được phân công dùng súng cối. Trận đánh đầu tiên tại kênh Vĩnh Tế, phải nói là hết sức hồi hộp, vì vừa mới được đi học bắn pháo về. Vậy mà 25 trái đạn pháo vẫn nổ suôn sẻ và đúng mục tiêu. Lòng chị vui không sao tả xiết.

Có lẽ ghi nhận được khả năng bắn súng cối của chị, nên nhiều trận sau đó, chị thường được phân công tham gia chiến đấu. Trận thứ 2 ở đồn Bẹm-so trên đất Campuchia, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 30 trái đạn cối nổ giòn. Rồi trận tập kích ở lung Tà-bung, cũng trên đất Campuchia, 32 trái đạn cối bắn chặn đầu giặc trên mặt lộ cũng nổ trơn tru, đúng vị trí góp phần làm nên chiến thắng. Hay trận pháo kích Cà-ly-vông, trên đất bạn, chị cũng cho nổ liền một mạch 35 trái đạn. Nhiệm vụ hoàn thành trong niềm vui thắng trận và trong sự thán phục của mọi người.

Càng đánh, càng có thêm kinh nghiệm. Nhưng trận này chiến đấu trong tình thế bị động, lực lượng ít, địa hình lại trên đồi núi nên gặp nhiều trở ngại. Lần bắn cây cối 8 này, đồng chí Năm Bé phụ tiếp gắn liều cháy và ngòi, còn lại một mình chị tự lực. Nhưng khó khăn không phải là ở thiếu người phụ trợ, điều đáng nói là ở địa hình. Những lần trước, đế cối đặt trên nền đất nên bắn rất êm. Lần này phải đặt đế trên đá, mỗi lần bắn, đế cối nhảy vồng lên, cây pháo xoay vòng và ngã vật. Ðể giúp cây pháo vững, trúng mục tiêu, sau mỗi lần bắn xong đứng lên bỏ tiếp trái đạn (độ 5 kg) vào nòng, chị phải lấy hết sức mình tỳ người ôm nòng pháo, chân đạp đế rồi mới cho nổ. Nhưng lần nào cũng vậy, vì sức nổ của đạn cối rất mạnh, cây pháo vồng lên ngã vật đập trúng đầu, tay chân và ngực chị. Cứ như thế, chiến đấu từ 6 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa, chị cũng không nhớ mình bắn hết bao nhiêu trái đạn.

Khi giặc ngơi tiếng súng thì chị cũng hụt hơi, thân người ê ẩm. Bấy giờ hai bàn tay rát buốt, da phỏng rộp, máu rướm ra. Thì ra, trong lúc lấy cây cối từ kho, phần vì gấp, phần không có sẵn giẻ, chị dùng quần áo mặc trong người lau vội mỡ bò nhưng không đủ sạch. Khi bắn liên tục, cây pháo nóng lên, cộng với sức nóng của mỡ bò tan chảy mới ra nông nỗi.

Ba miệng hang kia đều tắt tiếng súng. Giặc đã tràn lên, cho nổ trái và khói mù vào các miệng hang dữ dội. Rồi xe tăng cụm lại một chỗ, chỉ cách miệng hang chị chừng 100 m. Lúc này vì giặc đến quá gần, ngoài tầm, không bắn pháo được nữa. Trực thăng đảo trên đầu, lính từ trên núi cũng càn xuống, chị bẻ vội nhánh cây ngụy trang khẩu pháo rồi rút vào hang.

Chúng tiếp tục cho pháo bắn xả vào miệng hang chị dữ dội. Rồi cho nổ mìn, bắn khói mù vào đó. Chị bị thương ngay khoé mắt, máu chảy ròng ròng xuống mặt. Chị và đồng chí Năm Bé ghìm sẵn khẩu AK trên tay, nếu địch mò vào thì xả đạn, quyết tử với kẻ thù.

Cả hai không ai nghĩ mình sẽ còn sống. Trong giây phút cận kề sinh tử, hình ảnh người mẹ quê nhà lại hiện lên. Chị thương mẹ vô cùng. Ngày ấy chị đã trốn mẹ để được đi. Lúc bấy giờ ba chị mới mất, mẹ rất đau buồn. Khi đó là vào tháng 2/1967, tại ấp Ðất Cháy, Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời quê chị, người ta có tổ chức cuộc cắm trại, kêu gọi thanh niên tham gia cứu nước. Lúc đó chị chưa tròn 16 tuổi, xin mẹ đăng ký tham gia nhưng mẹ nói chị còn nhỏ, không đồng tình. Và rồi chị đã trốn mẹ ra đi.

Bây giờ là tháng 6/1970, tính ra, chị xa nhà đã 3 năm lẻ. Ðiều kiện chiến tranh khắc nghiệt, hơn 3 năm qua chị không có tin tức gì của gia đình. Ðược đi, được học tập quân sự, chính trị, học 10 lời thề của chiến sĩ cách mạng, chị sẵn sàng đương đầu với muôn ngàn khó khăn gian khổ, kể cả cái chết, để cùng thực hiện nhiệm vụ lớn lao vận chuyển vũ khí về phục vụ chiến đấu, góp phần đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Trên tuyến đường này, đã có biết bao anh chị em, đồng đội đã hy sinh cũng vì nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Họ phải gửi thân nơi đất bạn trong điều kiện không có rương, hòm; tới mảnh cao su bó lấy người đôi khi còn không có. Thậm chí, vào mùa nước nổi, thân xác họ còn phải xóc chéo tại cánh đồng nào đó nơi xứ lạ quê người. Thương xót lắm, đau đớn lắm! Nhưng trong hoàn cảnh này, nếu ai cũng sợ chết thì lấy ai làm nhiệm vụ. Chị không sợ chết, chỉ áy náy một điều, nếu chết đi chị vẫn thấy còn nợ mẹ mình một lời xin lỗi...

Trời chập choạng tối. Cuối cùng thì bọn giặc cũng chỉ cho nổ trái, bắn pháo mù mà không dám bò vào hang. Ðó là ngày thứ 16 chiến đấu cầm cự với địch. Ngoài bãi cụm quân, đèn đã sáng, bọn chúng vẫn náo động, ồn ào.

Theo giao ước, dù thế nào mỗi ngày các chốt cũng phải cử người đến điểm quy định để gặp ban chỉ huy nhận nhiệm vụ. Chị và đồng chí Năm Bé cố gắng bò tới điểm hẹn. Ðến nơi, chỉ gặp được 3 đồng chí ở kho. Ðợi mấy tiếng cũng không thấy thêm ai, mọi người nhận định, chắc các đồng chí ấy đã hy sinh. Bấy giờ đạn đã hết, lương thực cũng hết, chị và các anh em quyết định rút về đơn vị. Ðồng chí Sáu Xông, cán bộ Ðoàn 195, đề nghị chị và 3 đồng chí nam rút trước, còn mình trở lại hang dùng dây cháy chậm, thuốc dẻo và kíp mìn thiêu huỷ kho hàng, không để lọt vào tay giặc, rồi mở đường máu trở về.

Thương đồng đội, nhưng trong tình thế đó, cũng không biết làm gì khác hơn. Khi chị và đồng đội rút đi khoảng vài cây số thì thấy lửa ở kho bốc cháy dữ dội. Giặc hoảng hốt nổ súng và bắn trái sáng sáng cả một góc trời. 4 người tiếp tục lần theo nửa triền núi, vòng qua sau lưng núi, xuống tới chân bên kia thì vầng đông vừa rạng. Về đến đơn vị khoảng 10 giờ ngày thứ 17. Suốt ngày hôm qua và đêm hôm không ai có một hột cơm, ngụm nước nào vào bụng, nên gần như kiệt sức hoàn toàn. Các anh chị chạy ra mừng đón, ôm chầm nhau khóc, tưởng không còn được gặp mặt...

 ***

Nữ TNXP giỏi bắn súng cối ngày đó giờ tuổi đời đã thất thập, trở về sống bình dị ở quê nhà ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời. Mấy mươi năm rồi, bụi thời gian phủ nhiều mảng mờ lên quá khứ; nhưng dường như với bà, trận chiến đấu ấy vẫn như mới hôm nào...

“Toàn đơn vị TNXP chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, được lệnh trở về quê hương, ai cũng vui mừng. Nhưng khi chia tay, lòng ai cũng bùi ngùi, lưu luyến. Bởi chúng tôi bỏ lại sau lưng gần trọn một thời con gái. Nơi đó, còn có những đồng đội tôi mãi mãi không về…". Lặng im trong xúc động, chợt mắt bà ánh niềm vui: "Còn cái tên “Hồng Cối” là do anh em đồng đội đặt cho. Mỗi lần nhắc lại, vẫn thấy chút tự hào một thời tuổi trẻ”...

 

Huyền Anh

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.