(CMO) Những năm qua, công tác khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh được quan tâm đầu tư nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng. Các tiến bộ KH&CN gắn liền với thực tiễn sản xuất, có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn đề tài nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Giai đoạn 2019-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai thực hiện 94 nhiệm vụ gồm 86 nhiệm vụ cấp tỉnh và 8 nhiệm vụ cấp quốc gia (thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen và đề tài, dự án độc lập cấp quốc gia). Theo đó, đã thực hiện được 78/86 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.
Đã qua, nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng KH&CN được thực hiện, góp phần phát triển kinh tế địa phương. |
Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN, nhận định: “Đa số các đề tài, dự án được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như cung cấp cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học, phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực; cung cấp các giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ứng dụng vào sản xuất và đời sống..., đóng góp tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống vẫn còn ít, quy mô nhỏ, nhiều đề tài tiến độ nghiên cứu chậm, nhiều đề tài khả năng ứng dụng nhân rộng chưa cao. Chưa hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, chế biến được các sản phẩm đặc sản đặc thù của địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm canh hoá, cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp còn thấp. Hàm lượng KH&CN, giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Khả năng huy động nguồn lực xã hội, tạo lập thị trường KH&CN còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ mới hình thành bước đầu.
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Nhiều đề tài không đưa vào thực tiễn được bởi vì liên quan đến tính khả thi, tức là bài toán về tính hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường khi chúng ta xét các đề tài đó mà chưa tính tới. Chẳng hạn như, ở địa phương mà đưa công nghệ lọc nước vào để xử lý nước nuôi tôm thâm canh và quảng canh, nhìn vào không khả thi. Bởi lượng nước ra vào vuông tôm nhiều, tiền đầu tư lớn. Do vậy, hướng chúng ta phải đi đến là ứng dụng các biện pháp sinh học để xử lý ngay từ đầu. Đương nhiên, các chế phẩm sinh học không thể xử lý 1-2 vụ vì môi trường nuôi thâm canh, siêu thâm canh bao lâu nay đã bị ô nhiễm rồi. Chúng ta phải giải quyết bằng bài toán cải tạo dần, nếu không vài năm nữa sẽ rất khó phục hồi”.
Nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, cần có những nghiên cứu khoa học giải quyết được vấn đề môi trường để sản xuất mang tính bền vững. |
Khái quát, phân tích một số vấn đề nội dung nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh, PGS.TS Lưu Thế Anh đề xuất: “Nhìn vào tiềm năng của tỉnh là phát triển ngư - nông - lâm nghiệp, nhưng rõ ràng chúng ta chưa chú trọng lâm nghiệp. Rừng ngập mặn Cà Mau có giá trị rất lớn, vừa có thu nhập từ nuôi tôm, vừa là nguồn thu rất lớn của tỉnh khi chúng ta được tham gia vào thị trường cacbon tự do. Do vậy, tỉnh nên chú trọng cải tạo nâng cao chất lượng để lưu trữ cacbon, đồng thời rừng còn có giá trị phòng hộ rất tuyệt vời”.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, cần chú trọng nuôi tôm theo hướng sinh thái hữu cơ để đạt chuẩn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Phải xây dựng các thương hiệu uy tín trên thị trường, đặc biệt phát triển tài sản trí tuệ: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và xuất xứ nguồn gốc. Nếu làm được điều đó, giá trị sản phẩm sẽ tăng từ 15-20%. Khi người dân thấy được hiệu quả kinh tế, giá trị thật sự mang lại, họ sẽ làm theo.
Ông Lưu thế Anh cũng lưu ý: “Đối với những nhiệm vụ KH&CN lớn cần nguồn lực Trung ương nên đặt hàng Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT… Vấn đề nghiên cứu nên thiết thực, đừng quá vĩ mô. Cần chú trọng quy mô tính chất và kinh phí phù hợp. Một vấn đề khoa học không thể giải quyết bằng một đề tài mà cần có khi 5-7 năm bằng nhiều đề tài. Quan trọng giải quyết vấn đề cấp bách thực tiễn và giải quyết trọn vẹn để đầu tư”.
“Việc đề xuất và xác định các đề tài dự án KH&CN đưa vào danh mục thực hiện hàng năm phải thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với mục tiêu và nhiệm vụ mà chương trình KH&CN đổi mới, sáng tạo 2021-2025 đã phê duyệt. Trong đó, tập trung vào các khâu đột phá, phát triển sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tập trung, nhất là các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, huyện. Việc xác định ứng dụng KH&CN trước tiên phải phục vụ cho sản xuất, đưa nhanh các tri thức KH&CN vào sản xuất. Khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa KH&CN trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển tỉnh Cà Mau bền vững”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh./.
Hồng Nhung