(CMO) LTS: Một năm học đặc biệt đã diễn ra với biết bao tâm trạng của cả phụ huynh, giáo viên, học sinh, sinh viên và chính quyền các cấp. Ở Cà Mau, vẫn còn hơn 13.000 học sinh gặp khó trong học trực tuyến. Sau một tuần triển khai dạy và học trực tuyến, ngành giáo dục Cà Mau đã có điều chỉnh khi chỉ áp dụng hình thức này từ bậc THCS trở lên. Thực tế, việc triển khai dạy và học trực tuyến tại Cà Mau bước đầu đi vào nền nếp, ổn định. Ðồng hành cùng đó là nhiều cách làm hay, sáng tạo; sự vào cuộc của toàn xã hội, dần tháo bỏ những "nút thắt" khó khăn.
Bài 1: Dù khó vẫn phải làm
Mặc dù có sự chuẩn bị, nhưng không tránh khỏi khó khăn khi bắt tay vào dạy và học trực tuyến. Dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Song, với quyết tâm cao và phù hợp với xu thế, ngành giáo dục đang từng bước vận hành năm học mới khoa học và kịp thời có những điều chỉnh hợp lý.
Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì giải pháp an toàn nhất cho sức khoẻ là học trực tuyến. |
Dư luận về cách học mới
Ðây là câu chuyện được dự báo từ trước, khi ngày khai giảng cận kề, ngành giáo dục Cà Mau quyết định hình thức học trực tuyến cho hơn 208.000 học sinh (trừ bậc học mầm non) trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết: “Phương án này đã được tính toán và xây dựng rất cụ thể tuỳ theo diễn biến của dịch bệnh. Cái mới bao giờ cũng khó, nhưng khó không phải đến mức không làm được. Ngành đã ghi nhận những ý kiến phản hồi từ thực tế triển khai trong tuần đầu tiên. Vấn đề là phải nhìn thẳng vào khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ. Bởi trong điều kiện này, dạy và học trực tuyến là hình thức phù hợp”.
Ngay sau khi triển khai hình thức học trực tuyến từ bậc tiểu học trở lên, ngành GD&ÐT đã nhận được rất nhiều phản hồi, trong đó có cả những ý kiến phản đối.
Ông Nguyễn Minh Luân thông tin: “Có mấy vấn đề chủ yếu dư luận đặt ra. Một là, hiệu quả học tập, nhất là đối với bậc tiểu học, đặc biệt là lớp 1. Hai là, điều kiện khó khăn của một bộ phận học sinh vì hoàn cảnh gia đình mà thiếu sóng, thiếu máy để áp dụng hình thức học này. Ba là, vấn đề vận hành, hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận và thực hiện của giáo viên, học sinh và phụ huynh”. Theo đó, có một bộ phận ý kiến cực đoan là không cho con em mình tham gia học tập theo hình thức này, đến khi nào hết dịch thì học trực tiếp".
Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 13.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Con số này qua 1 tuần thực tế triển khai, còn lại khoảng 10.000, tập trung chủ yếu ở bậc tiểu học. Ở một diễn biến khác, thị trường máy tính, điện thoại thông minh tại tỉnh Cà Mau cũng trở nên "nóng”, vì các gia đình đồng loạt mua sắm trang thiết bị để phục vụ việc học tập của con em mình.
Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Cà Mau trải lòng: “Chúng tôi chia sẻ sâu sắc với học sinh, phụ huynh vì những khó khăn, bất tiện này. Nhiều gia đình khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh, đã thắt lưng buộc bụng để dành tiền mua sắm trang thiết bị cho con mình. Có gia đình phải nhờ vả, vay mượn, tìm đủ cách để xoay xở sao cho con mình có điều kiện học tập. Buồn hơn, có những hoàn cảnh quá khó khăn, không thể trang bị được máy tính, điện thoại, mạng để con em mình tham gia học. Ðiều này ngành giáo dục đã có dự báo, ước lượng và chủ động giải pháp từ sớm, nhưng rõ ràng là không thể tránh khỏi khó khăn, thách thức”.
Nhiều phụ huynh lớp 1 đề nghị báo chí phải phản ánh cho đầy đủ, cụ thể khó khăn đến mức nan giải của việc học tập theo hình thức trực tuyến. Theo đó, các em còn quá nhỏ, chưa biết gì và cho rằng học như thế thì kết quả chỉ là số “0” tròn trĩnh, lãng phí. Một số ít phụ huynh đã đưa ra lựa chọn loại trừ: một là học trực tiếp, hoặc là dừng việc học của con em mình 1 năm để năm sau học lại…
Tất yếu của công nghệ 4.0
Ghi nhận tại huyện Phú Tân, nơi đa phần các trường học nằm ở vùng nông thôn. Bà Trần Cẩm Hường, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Phú Tân, thông tin: “Trong gần 9.000 học sinh tham gia học trực tuyến ở bậc tiểu học và THCS, hiện còn gần 870 em thiếu thiết bị tham gia học. Dù đã vận dụng nhiều cách, nhưng nhiều em học sinh, nhất là bậc tiểu học chưa thể theo học trong tuần đầu tiên”. Con số học sinh tại Phú Tân thực tế tham gia học trực tuyến dù có biến động, nhưng duy trì ở ngưỡng trên dưới 90%.
Ông Lê Hoàng Danh, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Bình, cho hay: “Năm học mới toàn huyện ghi nhận 359 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về dạy và học trực tuyến, phần lớn giáo viên chưa quen, chưa thành thạo trong việc dạy học trực tuyến; việc soạn bài giảng trực tuyến mất nhiều thời gian. Một số giáo viên khả năng sử dụng tin học còn hạn chế và chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Mặt khác, đường truyền Internet không ổn định, nhiều lúc học sinh vào để học nhưng không được, thậm chí giáo viên đang hướng dẫn cho học sinh học cũng bị gián đoạn. Một bộ phận không nhỏ học sinh chưa quen với việc học trực tuyến, ý thức tự giác trong học tập chưa cao, vẫn còn học mang tính hình thức, đối phó”.
Khó khăn trong việc triển khai hình thức học trực tuyến là vấn đề chung của tỉnh Cà Mau. Ðánh giá những khó khăn hiện tại, TS Nguyễn Minh Luân cho rằng: “Thử thách lần này của ngành giáo dục là chưa có tiền lệ, kinh nghiệm, nhưng rõ ràng là bài học quý”.
Bản thân người đứng đầu ngành giáo dục vô cùng tâm huyết với lộ trình chuyển đổi số, hiện đại hoá ngành giáo dục tại Cà Mau trong những năm qua. Theo ông Luân, thực tế việc dạy và học trực tuyến đã được thao dượt từ năm học trước, cũng do tình hình dịch căng thẳng. Tất nhiên là ở năm học rồi, mức độ, tính chất có khác hơn so với việc tổng lực triển khai như năm nay.
Ở góc độ chủ quan, có một số đơn vị trường học, giáo viên chưa thật sự chủ động để đón nhận hình thức dạy và học trực tuyến. Vấn đề không nằm ở thiết bị, năng lực mà là ở tâm thế của mắt xích quan trọng này. Nếu trường học, giáo viên còn lúng túng, thì trách gì sự hoang mang, lo lắng của phụ huynh, học sinh.
Nhìn nhận một cách toàn diện, ông Luân chia sẻ: “Về tổng thể, điều kiện kinh tế - xã hội Cà Mau chưa chín muồi để áp dụng một cách tổng lực, triệt để cho phương thức dạy và học trực tuyến. Chúng ta chỉ có thể làm tốt trong chừng mực, mức độ nhất định thôi. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh thế này, không có lựa chọn nào tốt hơn. Chúng tôi nhấn mạnh là tốt hơn, chớ không phải là tối ưu. Và mong muốn lớn nhất của ngành không gì khác là dịch bệnh được kiểm soát, tất cả học sinh được trực tiếp đến lớp”.
Việc học tập của các em là quan trọng. Thạc sĩ Trịnh Huỳnh An, Phân hiệu phó Phân hiệu Ðại học Bình Dương tại Cà Mau, cho biết: “Việc học trực tuyến đã được nhiều trường đại học ở Việt Nam và thế giới áp dụng nhiều năm qua. Tuy nay áp dụng vào địa bàn Cà Mau còn mới mẻ (ngay cả sinh viên), nhưng đó là phương pháp tất yếu trong tình hình hiện nay”.
Tất nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội của Cà Mau, chuyện còn đó những vấn đề bất cập của việc học trực tuyến là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đừng vin vào những lý do cục bộ, cực đoan để bài xích, chối bỏ hình thức học này.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh gần đây, khi bàn về công tác dạy và học năm học mới, ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, đã chỉ rõ: “Khi đặt vấn đề sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết, việc lựa chọn hình thức học trực tuyến là phù hợp, là lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. Ðây là giải pháp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của học sinh, phụ huynh, xã hội. Không vì dịch bệnh mà làm gián đoạn quyền được học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh”. |
Quốc Rin - Phong Phú
Bài 2: GUỒNG MÁY ÐÃ VẬN HÀNH