(CMO) Những chỉ đạo kịp thời cho năm học mới 2021-2022 của Bộ GD&ÐT về hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng dịch Covid-19; Quyết định chưa thu học phí năm học mới; sự điều chỉnh hình thức dạy và học trực tuyến từ bậc học THCS trở lên của ngành giáo dục Cà Mau… đã nhận được phản hồi tích cực của xã hội.
Quen dần hình thức mới
Ngay sau khi ngành giáo dục dừng việc dạy trực tuyến ở bậc tiểu học, vào ngày 17/9, với số học sinh gần 108.700 em, hầu như mọi gút mắc của vấn đề khó khăn trang thiết bị của học sinh được cởi bỏ. Thế nhưng, những gia đình đã lỡ mua sắm trang thiết bị cho con em mình rơi vào tình cảnh khá hụt hẫng. Nhưng rõ ràng, khi nhìn vào hiện thực sinh động trong 1 tuần “thử lửa” của học sinh tiểu học huyện Phú Tân, khẳng định rằng những thiết bị ấy không hề lãng phí, mà hết sức cần thiết để các em tiếp tục con đường đến với tri thức.
Ở bậc học THCS, THPT, hình thức học trực tuyến vốn đã quen thuộc hơn, ít vấn đề nảy sinh hơn. Ông Vũ Văn Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, thông tin: “Khối 7, 8, 9 thì ổn, còn khối 6 thì mới nên có chút khó khăn. Năm rồi chúng tôi đã triển khai dạy 30% trực tuyến, năm nay thực hiện 100% thì vừa làm, vừa khắc phục các vấn đề phát sinh”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau, cho biết: “Chủ trương của ngành giáo dục là dừng các tiết học trực tuyến cho học sinh cấp tiểu học. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên vẫn kết nối, ôn luyện và kiểm tra việc tự học của các em bằng phương pháp này. Nghĩa là với những phụ huynh đã trang bị thiết bị cho con em mình vẫn hữu ích. Còn với những học sinh chưa có thiết bị, rõ ràng là một thiệt thòi so với các bạn trong việc học tập”.
Bà Trần Cẩm Hường, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Phú Tân, cho biết: “Cho đến cuối tuần học thứ nhất, toàn bộ học sinh khối 9 đã có thiết bị để học trực tuyến, số học sinh thiếu thiết bị ở bậc THCS không nhiều. Phòng GD&ÐT đã có hướng dẫn để các đơn vị trường học thực hiện tốt hơn nữa hình thức dạy và học trực tuyến”. Theo đó, ngoài kêu gọi tinh thần cống hiến của đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục Phú Tân còn kêu gọi các nguồn lực xã hội hoá, kịp thời trang bị máy và sóng cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các trường học nắm chặt địa bàn, học sinh, hoàn cảnh gia đình của các em để vận động, tuyên truyền, thuyết phục và tạo điều kiện thuận lợi nhất để không gián đoạn việc học tập của học sinh. Do tình hình giãn cách phòng, chống dịch, Phú Tân chưa thực hiện được phương án chia theo nhóm học sinh cùng địa bàn. Nếu các biện pháp phòng, chống dịch nới lỏng hơn, Phú Tân sẽ áp dụng giải pháp trực tiếp cho học sinh chưa có thiết bị và trực tuyến cho số học sinh còn lại. Ðồng thời, lên phương án cho việc song hành triển khai vừa trực tuyến - vừa trực tiếp theo tỷ lệ quy định ngay khi điều kiện cho phép".
![]() |
Ðội giáo viên hỗ trợ việc học trực tuyến của Trường Tiểu học Kim Ðồng (xã Phú Tân, huyện Phú Tân). |
Tại một số đơn vị trường học có điều kiện hơn, hình thức dạy trực tuyến nhưng tương tác như trực tiếp sẽ được triển khai. Các trường này có hệ thống đường truyền tốt, có trang thiết bị đảm bảo việc ghi hình, truyền tải và tương tác toàn bộ bài giảng của giáo viên đến học sinh trên các nền tảng công nghệ tích hợp.
Theo bà Hường: “Dịch bệnh khó lường nên phải chuẩn bị tất cả các phương án để đảm bảo quyền được học cho học sinh. Nếu cứ thụ động, trông chờ, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của riêng năm học này, mà sẽ là cả quá trình học tập của học sinh”.
Ông Vũ Văn Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Phú Tân, thì khẳng định: “Nếu đảm bảo các điều kiện cần và đủ, dạy và học trực tuyến khi đã thành thục thì kết quả cũng không hề thua kém trực tiếp đâu. Ở hình thức này, ưu điểm lớn nhất là thúc đẩy tinh thần tự học, sáng tạo và chủ động của học sinh. Ðiều này, hình thức học trực tiếp chưa chắc có lợi thế bằng”.
Nuôi dưỡng ước mơ tri thức
Ngày 15/9, khi nhận tin báo trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật môi trường tại Trường Ðại học Cần Thơ, tân sinh viên Lương Ngọc Trâm, Trường THPT Nguyễn Văn Nguyễn, huyện Thới Bình, mừng vui không thể tả. Trong căn nhà nhỏ, 4 nhân khẩu tràn đầy niềm tin, hy vọng và cả sự lo lắng.
Trâm đã đạt ước mơ giảng đường đại học theo người chị gái đang học năm thứ 3 đại học ngành Kiến trúc. Niềm vui ấy càng trĩu nặng trên đôi vai chai sần của vợ chồng anh Lương Văn Tuân và vợ là chị Lê Hồng Thắm, phụ huynh của hai sinh viên.
Ðôi tay chai sạm, anh Tuân chìa ra rồi nghèn nghẹn cười trong niềm hạnh phúc: “Các con thi đậu đại học thì cứ an tâm học. Cha mẹ cố gắng, lây lất rồi cũng vượt qua thôi”.
Hỏi về công việc, anh Tuân cũng không còn nhớ nổi để kể những công việc mà hơn 10 năm qua anh đã làm. Vì gia cảnh khó khăn, khi cưới vợ, ra riêng anh được gia đình cho 2 công đất canh tác lúa - tôm. Không trông chờ vào 2 công đất ít ỏi, vợ chồng anh nhận làm thuê nhiều công việc nhà nông: mùa cấy thì nhận mỗi ngày cấy 2 công lúa; mùa gặt thì nhận công gặt; vùng đất Tapasa ở Tân Phú, Thới Bình chuyển sang trồng hoa màu thì anh nhận làm công thả giàn dưa, rồi khuân vác vật liệu xây dựng.
Năm 2019, con gái lớn Lương Ngọc Bội đăng ký thi đại học ngành Kiến trúc, vì anh chị ít chữ nên thấy con chăm học đành chiều ý và nuôi hy vọng. Nhận tin báo con đậu đại học, anh chị mừng nói không nên lời. Rồi ngày đưa con lên trường nhập học, anh phải tìm người thân hỏi thăm đường đi nước bước. Vì đã ngoài 40 tuổi, anh chưa một lần ra khỏi đất Cà Mau.
Anh chị cứ bươn chải, Bội học 2 năm liền đều có kết quả sinh viên giỏi của Trường Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. “Con học giỏi, bao nhiêu mệt nhọc tôi quên mất”, anh Tuân thổ lộ.
Tháng 9/2021, đang tất bật chuẩn bị chi phí học tập cho Bội tựu trường năm thứ 3 và trang bị máy tính (vì ngành Kiến trúc có nhiều bài học, bài tập bằng công nghệ) thì anh nhận tin báo con gái út Lương Ngọc Trâm đậu đại học ngành Kỹ thuật môi trường Ðại học Cần Thơ.
“Mừng lắm, nhưng lo lắm! Mấy tháng nay dịch bệnh, giãn cách không đi làm thuê được, giờ phải lo cả 2 mối chi phí cho con”, vợ anh Tuân vừa cười vui bỗng lo lắng khi nhắc đến thủ tục và chi phí nhập học.
![]() |
Lương Ngọc Bội, sinh viên năm thứ 3 Trường Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, học trực tuyến tại nhà ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình vì chưa thể đến trường. |
Mối lo của anh chị cũng đang là mối lo của vợ chồng anh Võ Văn Ðuôl, huyện Thới Bình. Trong khi đang tập trung cho vụ lúa - tôm với nhiều chi phí, thì phải lo thêm chi phí năm cuối cho con gái lớn học ngành Luật ở Phân hiệu Ðại học Bình Dương tại Cà Mau. Con gái thì có sẵn điện thoại để học nhưng bao nhiêu bài tập, tiểu luận môn phải hoàn thành mà chưa mua nổi máy tính. “May mà có người em cho mượn máy, chớ tôi chưa biết phải làm sao”, anh Ðuôl trần tình.
Khi biết thông tin Phân hiệu Ðại học Bình Dương tại Cà Mau sẽ hỗ trợ sinh viên bằng nhiều giải pháp có thể đóng phân kỳ học phí (chia thành nhiều lượt đóng), cô sinh viên ngành Luật năm cuối Võ Huỳnh Như, con anh Ðuôl, mừng rớm nước mắt. Ðây chính là điều kiện, là sự hỗ trợ thiết thực nhất để em được tiếp tục ước mơ giảng đường./.
Quốc Rin - Phong Phú
Bài 3: THÔNG THOÁNG THỦ TỤC