Cần thừa nhận rằng tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Cà Mau chính là Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, xuất hiện từ năm 1960 thế kỷ XX. Từ cánh rừng đước hóc hiểm, xa xôi, cách Chi khu Năm Căn mươi mười cây số đã xây nên một nhịp cầu nối liền với bạn viết, bạn đọc, qua đó, nhen nhóm, lan ra một đời sống văn học, văn hoá đầy sức sống, sức chiến đấu lúc bấy giờ.
Cần thừa nhận rằng tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Cà Mau chính là Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, xuất hiện từ năm 1960 thế kỷ XX. Từ cánh rừng đước hóc hiểm, xa xôi, cách Chi khu Năm Căn mươi mười cây số đã xây nên một nhịp cầu nối liền với bạn viết, bạn đọc, qua đó, nhen nhóm, lan ra một đời sống văn học, văn hoá đầy sức sống, sức chiến đấu lúc bấy giờ.
Chúng ta xin ghi nhận và cám ơn công lao lớn của các bậc đàn anh, đàn chị đi trước - những người tổ chức, xây dựng, vun vén cho Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng thời kỳ phôi thai như: Nguyễn Phong Triều, Nguyễn Bá, Nguyễn Trung Tâm, Nguyễn Hải Tùng, Tam Nghị, Nguyễn Kiên Ðịnh, Nguyễn Mai, Nguyễn Xuân Bắc... Từ những hạt mầm kể trên, lần lượt làm nẩy nở thêm nhiều khả năng sáng tạo văn học: Lê Chí, Nguyễn Thanh, Ngọc Tám, Trần Thanh Tùng, Giang Bĩnh Sanh, Phạm Văn Tri, Hồng Nhiên, Nguyễn Duy Vinh, Quang Thắng…
Tạp chí Lúa Vàng và Tạp chí Văn nghệ Minh Hải. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Ðược trang bị lý tưởng cách mạng và nhiều phương diện khác, cộng với sự say mê sáng tạo, khổ luyện, lực lượng cầm bút của tỉnh đã làm ra nhiều tác phẩm trở thành tài sản tinh thần của nhiều thế hệ con người ở tỉnh cực Nam Tổ quốc ta.
Với thời gian khá dài 55 năm, Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng hoà quyện vào dòng chảy chung cuộc sống, chiến đấu của quân, dân trong tỉnh và có sức lan toả cả miền Tây Nam Bộ, nhiều tác phẩm được phát trên sóng Ðài Phát thanh Giải Phóng, Ðài Tiếng nói Việt Nam. Tạp chí đã từng san sẻ những nỗi đau trong chiến tranh của bà con ta qua những cuộc thảm sát đẫm máu của giặc ở Bàu Hang, Bình Hưng, Hàng Gòn, Khánh Lâm; có mặt hầu hết ở những mũi nhọn nhất của cuộc chiến đấu: Ðầm Dơi, Cái Nước, Hoà Thành, Tân Phú, Phong Thạnh, Khương Kiện, Rạch Cui, Kiểu Mẫu, Ô Rô, Cạnh Ðiền, Hàm Rồng, Viên An, kể cả vùng phụ cận 2 thị xã Cà Mau, Bạc Liêu.
Nhớ lắm những con đường mòn dưới ánh hoả châu vào đồn Quảng Phú, Thứ Vải, ấp chiến lược Cây Giang, sông Ông Ðốc... với hình ảnh những bà mẹ một tay cầm đèn, một tay rải trấu lên những thân cầu trơn trượt cho bộ đội đi qua; nhớ lắm những lần hành quân qua ngã ba Tâm Tình, Cựa Gà, Gò Cát, qua những cánh đồng lớn Long Ðiền Tây; nhớ lắm những trận mạc xao xác cỏ dại và tím tái hoa mua ven rừng U Minh Hạ... Tạp chí đã nhảy vào lửa!
Tất cả những sự kiện, con người trong chiến đấu biến thành vốn quý làm cất cánh cho nhiều khả năng sáng tạo văn học - nghệ thuật.
Do yêu cầu bức xúc của công cuộc cách mạng giành cơm no áo ấm, giành độc lập dân tộc, những tác phẩm chuyển tải trên tạp chí đều hướng con người nhìn về phía trước, vươn tới, giành giật sự sống còn và thôi thúc con người phải chiến thắng giặc trong mọi tình huống, hoàn cảnh.
Toà soạn Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng từ căn cứ địa Bù Mắc, Hàm Rồng di dời về Rạch Láng, Trống Vàm, Vịnh Dừa, Rau Dừa (huyện Cái Nước), Kinh Năm, Kinh Bảy (huyện Ngọc Hiển), Khánh Bình Tây, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời)... Bất cứ trong hoàn cảnh nào, toà soạn lúc đặt trong nhà dân, lúc vào vùng sâu xây cất lều trại, khi đắp công sự trên những bờ đìa trâm bầu giữa đồng nước nổi... tạp chí vẫn đến tay bạn đọc.
Tất cả những điều đó, Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng vang bóng một thời!
Từ 30/4/1975 trở lại đây, tạp chí được trang bị thêm nhiều mặt, đĩnh đạc, trầm tĩnh, xông xáo tiếp cận với nhiều ngổn ngang của cuộc sống, chiến đấu mới. Ðội ngũ những người sáng tác văn học trong thời bình lần lượt được bổ sung: Lê Ðình Trường, Nguyễn Trọng Tín, Lê Quân Phong, Lê Anh, Hoàng Anh Việt, Ðỗ Tuyết Mai, Trần Hữu Nghiễm, Võ Ðắc Danh, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Tư, Bích Ngân, Lê Minh Hiền, Lê Minh Nhựt, Huỳnh Thuý Kiều, Ðàm Thị Ngọc Thơ, Minh Nối, Nguyễn Thanh Vân, Trần Quang Thạch, Phạm Anh Hoan, Bùi Thị Khuê, B.T Áo Tím, Nguyễn Tuyết Nga, Ðoàn Phương Nam, Ngọc Diễm, Nguyễn Thái Thuận, Nguyễn Thị Việt Hà, Châu Anh Dũng, Phạm Quốc Rin…
Trong bối cảnh mới của đất nước, của tỉnh, con người qua phản ánh của văn học đa dạng hơn - con người với bao mối quan hệ: cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng chí, láng giềng... và đến những gì sâu kín nhất của con người, niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau, sự bất hạnh...
Ðặc biệt trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ năm 1986 trở lại đây, văn học nâng cao trách nhiệm hướng con người đến cái thiện, cái đẹp để lấn cái ác, cái xấu; phản ánh cái xấu, cái tiêu cực cũng nhằm tô đậm nhân ra cái thiện, cái đẹp, lòng trung thực, lòng tốt, lối sống nhân ái, lành mạnh, tinh thần lao động, dũng cảm, lạc quan và niềm tin, lý tưởng...
Chặng đường 55 năm, Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng nhiều lần thay tên đổi họ: Văn nghệ Minh Hải (1978-1987), Báo Văn nghệ Minh Hải (1988), Ðặc san Bán đảo Cà Mau (1992- 1993), Bán đảo Cà Mau (1994-2006), Văn nghệ Cà Mau (2007)...
Với những tiêu chí đã được đặt ra từ đầu, Tạp chí Văn nghệ Cà Mau tập trung phản ánh hình tượng con người Việt Nam cao cả trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, trong hội nhập và đổi mới đất nước... Không chạy theo thị hiếu tầm thường, càng không chạy theo sự vụ lặt vặt, tạp chí vừa hết sức cố gắng để xứng đáng là nơi tập hợp, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng văn học - nghệ thuật nói chung và nói riêng văn học...
Trước những yêu cầu lớn của Ðảng, của Nhân dân, của lĩnh vực văn học - nghệ thuật nói chung, Tạp chí Văn nghệ Cà Mau phải phấn đấu nhiều hơn nữa, có thể nói là sự phấn đấu nhọc nhằn, cam go, thử thách để xứng đáng với sự mong đợi của tỉnh nhà, của bạn viết, bạn đọc gần xa./.
Nhà văn Nguyễn Thanh (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Cà Mau)