Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Hồ Văn Kiệt và vợ là chị Nguyễn Thị Thuỷ, ấp Tân Hoà, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, không giấu được niềm vui kể về những nhọc nhằn mà vợ chồng anh đã nếm trải.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Hồ Văn Kiệt và vợ là chị Nguyễn Thị Thuỷ, ấp Tân Hoà, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, không giấu được niềm vui kể về những nhọc nhằn mà vợ chồng anh đã nếm trải.
Lập gia đình năm 1992, được cha mẹ cho 4 công đất trồng lúa. Do năng suất lúa không cao, vợ chồng anh gặp không ít khó khăn, thuộc hộ nghèo của ấp. Từ năm 1994 đến 1996, 2 đứa con gái chào đời, vợ chồng anh lại khó khăn hơn. Nhưng với bản tính cần cù và không cam chịu đói nghèo, anh mạnh dạn vay vốn để đào ao thả cá, chăn nuôi heo, gà, vịt. Ban đầu, kinh nghiệm làm kinh tế còn hạn chế, song niềm đam mê lúc nào cũng khiến anh nghĩ đến công việc nên quên cả mệt nhọc.
Anh Kiệt thu hoạch rau màu. |
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bình quân mỗi năm gia đình anh lợi nhuận từ chăn nuôi hơn 40 triệu đồng. Cứ như vậy, đến năm 1998 anh đã mua được hơn 3 ha đất sản xuất để mở rộng quy mô trồng lúa, nuôi cá đồng kết hợp chăn nuôi với kinh nghiệm sẵn có.
Ðến năm 2001, có chủ trương chuyển đổi từ đất trồng lúa của các xã khu vực phía Tây của huyện Ðầm Dơi sang nuôi tôm, từ quy hoạch nuôi cá đồng đã có, anh bắt tay thả con giống, đây là điều kiện để kinh tế gia đình anh Hồ Văn Kiệt có điều kiện vươn lên nhanh hơn.
Bên cạnh đó, anh còn quy hoạch 0,2 ha đất để trồng rau màu, trồng cây ăn trái tạo ra nguồn rau, quả sạch cho gia đình và bà con lối xóm. Kết quả từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm anh có thu nhập từ nuôi tôm sú truyền thống, kết hợp nuôi cua thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, 2 đứa con gái của anh đều chăm ngoan, học giỏi, hiện nay cả hai đều là sinh viên đại học.
Anh Hồ Văn Kiệt bộc bạch: “Tôi rất vui mừng, kinh tế gia đình giờ này ổn, 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Trước đây mình nghèo, nay thấy bà con khó khăn tôi thông cảm và nhiệt tình chia sẻ”.
Trưởng ấp Tân Hoà Mai Văn Kiểng nhận xét: “Anh Kiệt là người rất chịu khó, từ hộ nghèo nay trở thành hộ khá, giàu. Có điều kiện, anh rất tích cực đóng góp tiền xây dựng các công trình phúc lợi địa phương như cầu, đường, trường học và các nguồn quỹ phúc lợi xã hội khác”.
Từ những thành công trên, gia đình anh Kiệt vinh dự được UBND huyện Ðầm Dơi tặng giấy khen hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, được công nhận gia đình văn hoá tiêu biểu và gia đình hiếu học./.
Bài và ảnh: Trần Danh