ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 03:48:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Áp lực thiên tai từ Tây sang Đông - Bài 2: Chông chênh đời sống ven biển

Báo Cà Mau (CMO) Không chỉ mất đất mất rừng, tình trạng sạt lở đã khiến nhiều hộ dân sống dọc theo các cửa biển, cửa sông thông ra biển, chông chênh. Song song với nguy cơ đến từ sạt lở thì mưa, bão, dông lốc và triều cường… đã đẩy cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân vào cảnh khó khăn.

Sông rạch xẻ dọc rồi lại xuyên ngang nối vào nhau trổ ra biển. Từ thuở khai hoang tại nhiều vùng đất ven các cửa sông ra biển đã hình thành những xóm làng với cuộc sống gắn liền với rừng, biển. Một thời rừng đước mênh mông, tài nguyên trên rừng dưới biển trù phú, cư dân khắp các tỉnh, thành trong cả nước dìu dắt nhau về đây phóng ranh, cắm cột dựng nhà, hình thành xóm làng ven biển.

Sào Lưới, Gò Công, Cái Đôi Vàm, Xẻo Quao, Hương Mai, Tiểu Dừa, Rạch Vinh, Ba Tỉnh, Đá Bạc... của biển Tây, hay Vàm Xoáy, Bồ Đề, Hố Gùi, Giá Cao, Giá Lồng Đèn, Gành Hào… của biển Đông là hàng loạt những xóm biển mà hầu như kể ra ai cũng biết.

Có những xóm biển trở nên đông đúc, sầm uất, nhưng cũng có nơi vẫn đìu hiu. Cuộc sống người dân phải chịu nhiều bất trắc trước tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan.

Áp thấp nhiệt đới đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân khu vực Đá Bạc.

Ra biển đặt lú cá tôm, sáng lại tranh thủ vào chợ Đá Bạc bán cá, tan chợ lại ngồi dọc theo tuyến đê biển Tây bán một số đặc sản phục vụ khách du lịch, thế nhưng cuộc sống gia đình chị Trần Thanh (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vẫn trong cảnh khó khăn. “Mấy mươi năm làm lụng, nhưng giờ vẫn chưa có căn nhà để ở”, chị Thanh trần tình.

Một mình đi biển, không ít lần chị Thanh phải đối diện với hiểm nguy. Chị kể, cách đây không lâu, khi đang chuẩn bị thu gom giàn lú đang phơi ngoài kè thì bất ngờ sóng lớn. Sóng đánh trùm qua kè hất tung hai mẹ con xuống biển, tay chị bị đập vào đá trầy xước rướm máu, cũng may chỉ 1-2 đợt sóng rồi thôi, nếu không là nguy.

Hay như mới đây, đợt áp thấp nhiệt đới đã gây ra thiệt hại nặng cho nhiều hộ dân ven biển trên địa bàn xã Khánh Bình Tây. Chị Thanh cho biết thêm, cả giàn lú gần 100 cái bị sóng đánh vùi mất, thiệt hại gần như hoàn toàn. Còn phương tiện vỏ thì bị sóng đánh va vào cây, vào đá thủng mấy lỗ.

Không riêng gia đình chị Thanh, bà con tại khu vực này đều bị thiệt hại tương tự, thậm chí có người còn nặng hơn. Đến nay đã gần một tháng nhưng vẫn chưa thể ra biển được. Không chỉ ngoài biển, nước còn tràn qua đê khiến đồ đạc trong nhà hư hỏng nặng.

Rời gia đình chị Thanh, chúng tôi theo con lộ bê-tông trên tuyến đê biển Tây đến với vàm Ba Tỉnh, thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc. Thời điểm chúng tôi đến đúng lúc ghe đang vào bờ. Hỏi thăm về hiệu quả khai thác thì đều nhận được cái lắc đầu và một hơi thở dài “thất lắm chú ơi”. Quả nhiên, sản phẩm đánh bắt được chủ yếu là cá tạp, phải thu gom đến 3 hộ chúng tôi mới mua được hơn 2 kg tôm tích.

Không riêng Đá Bạc, vàm Ba Tỉnh, kênh Xáng Mới hay Tiểu Dừa… dọc dài theo bờ biển Tây, cư dân sống ven biển đều không yên ổn trong mùa gió Tây Nam. Dãy rừng phòng hộ khu vực này thưa thớt, khá nhiều vị trí, cây bị sóng dữ bứng gốc, nằm la liệt… chờ chết. Một vài nơi, cây rừng còn khá mỏng, đến tận chân đê. Sóng to, gió lớn có thể ập tới bất cứ lúc nào, cùng với đó là thuỷ triều lên cao bất thường khiến dân cư ven biển luôn phải sống cảnh thấp thỏm không yên.

Khó khăn, chật vật cũng là tình cảnh của bà con tại xóm chài cửa biển Giá Lồng Đèn, ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. Cũng như các cửa biển nhỏ khác, bà con ở đây chủ yếu là dân di cư từ các nơi lân cận hoặc nơi khác về đây. Khoảng 22 hộ dân tại xóm chài Giá Lồng Đèn bao đời nay vẫn mưu sinh chủ yếu đánh bắt gần bờ. Thế nhưng, đã hơn 5 ngày sau đợt áp thấp nhiệt đới bà con không thể ra biển do sóng lớn, điều này đồng nghĩa với cuộc sống vốn đã khó lại càng khó hơn.

Hướng mắt về phía cửa biển, anh Nguyễn Văn Chuội trầm ngâm: “Khi mới xuống đây nhà mình ở tận ngoài cửa, nhưng do sạt lở phải di dời vào sâu trong này (cách cửa hơn 1 km - PV)”.

Trong câu chuyện cuộc sống mưu sinh hiện tại của bà con xóm chài Giá Lồng Đèn, anh Chuội nhớ lại một thời vàng son khi nơi đây còn là điểm du lịch thu hút hàng chục ngàn lượt khách mỗi tháng với vẻ đầy tiếc nuối: “Phải chi duy trì được đến thời điểm này thì giờ bà con đã giàu hết rồi”.

Ngư dân vàm Ba Tỉnh chủ yếu sống bằng nghề khai thác ven bờ với phương tiện nhỏ nên phải đối diện với nguy hiểm mỗi khi đến mùa gió Tây Nam.

Cửa biển Giá Lồng Đèn một bên là ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến và một bên là xã Nguyên Huân của huyện Đầm Dơi. Trước đây, mỗi tháng cứ vào ngày 9 và 24, mọi người trong và ngoài tỉnh gọi nhau về đây kín cả một bờ biển dài hàng cây số ra biển. “Không cần buôn bán, chỉ cần giữ vỏ máy là đã đủ tiền đi chợ. Hồi đó, đến ngày là vỏ máy đậu kín hai bên bờ kênh kéo dài 3-4 cây số”, anh Chuội kể trong sự tiếc nuối.

Tuy nhiên, hiện nay những hình ảnh ấy chỉ còn trong ký ức, thực tại xóm chài tại cửa Giá Lồng Đèn gần như cô lập, đến được nơi đây chỉ duy nhất bằng phương tiện thuỷ; còn cuộc sống của người dân vẫn ngày ngày đối diện với những cơn sóng dữ để mưu sinh, nhà ở thì cất nhờ trên đất rừng phòng hộ.

Cuộc mưu sinh hiện nay chủ yếu dựa vào lộc biển. “Không đất đai, không nghề nghiệp thì biết làm gì khác hơn ngoài bám biển. Lưới, lú, đăng các loại giống cua, cá kèo, có khi lên rừng bắt ốc, móc cua… mùa nào nghề ấy. Có lúc biển cũng hào phóng, có khi thì vô cùng khắc nghiệt. Tình trạng tàu ghe bị đánh thủng, hay phải chặt lú, lưới bỏ để chạy sóng là chuyện thường xuyên”, ông Chuội chia sẻ.

Du lịch đang là một trong những lĩnh vực mà tỉnh xác định sẽ tạo ra bước đột phá cho kinh tế biển, ven biển, bên cạnh khai thác, cơ khí, chế biến, vận tải biển, dịch vụ hậu cần... Đây cũng là mong mỏi của bà con Giá Lồng Đèn nói riêng và người dân đang sống dọc theo các cửa biển lớn nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh nói chung./.

 

Nguyễn Phú - Chí Diện - Khánh Phương

BÀI CUỐI: PHÁT HUY NGUỒN LỰC TẠI CHỖ

 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.