Ở tuổi 86, má Trần Thị Liễu (ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh) vẫn còn minh mẫn. Má bộc bạch: “Chiến tranh qua lâu rồi, quê hương thay đổi nhiều lắm, má cũng già, hằng tháng có Nhà nước nuôi, nhà tình nghĩa cũng đã có rồi, giờ đâu mong muốn gì hơn”.
Ở tuổi 86, má Trần Thị Liễu (ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh) vẫn còn minh mẫn. Má bộc bạch: “Chiến tranh qua lâu rồi, quê hương thay đổi nhiều lắm, má cũng già, hằng tháng có Nhà nước nuôi, nhà tình nghĩa cũng đã có rồi, giờ đâu mong muốn gì hơn”.
Chị Huỳnh Thuý Diễn, Phó Chủ tịch UBND xã, kể: “Hôm Đại hội Đảng bộ huyện nhà, má được mời đến dự, sợ sức khoẻ má không ổn, mọi người hỏi má muốn về nghỉ ngơi không, má trả lời, ở lại với anh em cho hết ngày, không khí đại hội vui lắm”.
Minh hoạ: HOÀNG VŨ |
Đất U Minh trong cuộc đời má đi qua là những cánh rừng hoang vu nơi má tần tảo cấy lúa nuôi chồng, con đi kháng chiến. Là những giây phút má nuốt đau thương vào trong lồng ngực để tiếp tục sống, âm thầm và tận tuỵ chờ đến ngày quê hương giải phóng. Má nói: “Ở đây nhiều người cũng mất chồng, mất con như má, ai cũng đau, nhưng nếu ai cũng sợ đau thì còn ai đi đánh giặc?”.
Đến thăm má, chúng tôi mang theo một nỗi bùi ngùi: Lớp người của các má đã dần khuất bóng - Những người phụ nữ chân chất nông dân của Cà Mau, ít học, ít nói, chỉ có tấm lòng với cách mạng là thuỷ chung, son sắt. Những người mẹ anh hùng ở Cà Mau âm thầm và nhẫn nại, như thách thức thời gian, thách thức những đau thương.
Trong ký ức của má Liễu, U Minh thời chiến tiêu điều và rũ màu buồn. Má kể: “Vùng này dân ở lai rai, xa xa mới có một nóc nhà. Giặc quần đảo cũng dữ lắm à”. Má mồ côi lúc mới 16 tuổi, rồi sau đó má nên duyên với chồng là ông Nguyễn Văn Hải. Chồng má hy sinh năm 1959 dưới họng súng của bọn Mỹ - Diệm ác ôn.
Má nhớ như in: “Ổng đi công tác giao liên cho xã, gặp tụi biệt kích, nó bắn gãy hết một bên bả vai, chỉ còn dính chút da. Vậy là tụi nó lôi hai chân kéo lết trên đường, vừa lôi vừa đánh, ông ấy hy sinh”. Thi thể của chồng má, tụi giặc đem về đồn bên Vàm Cái Tàu dập, không cho má nhận. Hôm mở cửa mả, má năn nỉ tụi lính đồn cho đem dĩa trái cây, bó nhang qua thắp cho ông.
Ở nhà, má một nách hai con nhỏ. Má cắn răng cấy mướn, câu lưới để nuôi con. Dù trong cảnh nghèo, má vẫn một lòng với anh em cách mạng. Má là cơ sở nuôi cán bộ, làm luôn công tác giao liên. Hỏi má thời đó có cực dữ không, má trả lời: “Cực đến đâu thì mình cũng ráng, chỉ có điều lòng căm thù tụi giặc khiến mình không còn nghĩ đến cái cực nữa”. Má nói “anh em chỉ đến lai rai, bởi nhà má cũng bị giặc theo dõi gắt lắm”.
Rồi khi diệt đồn Vàm Cái Tàu, má mới đón hài cốt chồng về. Cũng có xa xôi gì đâu, ở bên này với bên kia sông mà má cứ mong ngóng mãi. Trong khói trận công đồn, lũ giặc thua tan tác, coi như chồng má trở về trong đoàn quân chiến thắng.
Không khí chiến tranh ngày càng ngột ngạt, má thương 2 đứa con nhỏ bơ vơ, rồi má đi bước nữa. Chồng sau của má cũng là du kích xã, vừa hiểu vừa thương má. Thêm một lần nữa, má lại gồng mình gánh vác gia đình để chồng hoàn thành nhiệm vụ. Cho đến ngày “tiếp thu”, chồng má trở về nguyên vẹn, bên cạnh má là đàn con 5 đứa đón mừng ba.
Má Liễu kể vui: “Thời đó làm ruộng sợ nhất đỉa trâu. Còn cá đồng thì minh thiên. Bắc nồi cơm lên, nách bồng con, tay cầm cần câu nhử nhử, chút xíu là đủ ăn rồi. Mà cấy lúa thất lắm, công chỉ có mấy giạ”. Thấy con nhỏ thiếu thốn, má gởi con rồi lội bộ ra chợ Cà Mau đổi cá, mua bánh trái về. Hôm nào có người đi thì quá giang bằng xuồng bơi. Có vất vả nhưng má nghĩ, “bom đạn không sợ, hoà bình rồi, hết chết chóc rồi, mình ráng cho con đầy đủ, sung sướng hơn”.
Vậy mà nỗi đau vẫn chưa thôi đeo đẳng má. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Con trai lớn của má, anh Nguyễn Văn Đại lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Má nhớ, “nó hiền lắm, cha con đều hiền, hồi nhỏ còn chiến tranh nó đâu học hành gì, thích đi chăn trâu, nhưng được cái là gan dạ và sống nghĩa tình”. Lúc anh Đại đi, gởi lại quê nhà người vợ và 2 đứa con cho má, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới sinh. Anh đi rồi trở về thăm nhà, thăm má một lần, má hỏi anh, anh trả lời: “Để con đi làm nghĩa vụ xong sẽ về nuôi má”. Vậy mà anh đi mãi. Năm 1982, đồng đội của anh Đại ở chiến trường Campuchia viết thư gởi về địa phương báo tin anh hy sinh. Xã giấu má, má cứ bồn chồn. Một thân một mình má ngược lên tận Thủ Đức, quê đồng đội anh Đại hỏi tin, mọi người cũng giấu má. Trở về Khánh An đâu 2 ngày, giấy báo tử của con má về tới.
3 năm sau, đơn vị gởi về địa phương giấy tờ của con má, vật dụng anh Đại để lại và… hài cốt của anh. Mỗi lần làm mâm cơm cúng, má lại thấy cùng lúc chồng và con. Cũng hiền lành, cũng ra đi vì nước vì non…
Má giờ đã có cháu gọi bằng cố, trong niềm vui tuổi già có con cháu kề cận, dù bệnh xương khớp hành hạ nhiều, nhưng thấy cảnh làng quê đổi mới, má mừng rơi nước mắt: “Thấy bà con lối xóm khá lên, nhà cửa đường sá đàng hoàng, má muốn thăm con cháu cũng tiện, muốn đi là có xe rước. So với hồi xưa thì sung sướng quá còn gì”.
Thời gian như ngưng đọng trong dáng ngồi của má, lật giở quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, má như tâm sự với người đã hy sinh: “Đảng, Nhà nước không quên chồng, con trai của má. Rồi cực khổ cũng qua hết thôi…”.
Ngoài kia là cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm đỏ hồng lên trong sắc chiều Khánh An. Mênh mông bất tận cánh rừng tràm thơm mùi xứ sở. Má tiễn chúng tôi về với lời “Cảm ơn mấy con nhiều nghen!”. Còn trong lòng chúng tôi, một tình cảm thiêng liêng, ấm áp và lớn lao cứ vương vấn mãi./.
Phạm Nguyên