(CMO) Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tổ chức Hội thảo bàn giao sản phẩm Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”, vào sáng 21/6.
Với thông điệp “Nguồn nước dưới đất không tái tạo. Đã sử dụng hôm nay sẽ không còn cho mai sau”, Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” được triển khai từ tháng 7/2017-6/2022, từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức. Tại ĐBSCL, dự án được triển khai tại các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và An Giang.
Ông Andreas Renck, Cố vấn trưởng Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”, thông tin về kết quả triển khai tại 4 tỉnh ĐBSCL. |
Tại Cà Mau, dự án đã xây dựng 5 cụm giếng và tiến hành lấy mẫu lõi khoan, phân tích quan trắc mực nước dưới đất liên tục trong 4 năm. Kết quả cho thấy lưu lượng khai thác nước dưới đất gia tăng 17% mỗi năm. Vùng ven biển suy giảm mực nước mạnh hơn và tốc độ mạnh nhất ở các khu tập trung đông dân cư, khu vực có khu công nghiệp.
Dự án đề xuất các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở từng đô thị. Cụ thể, tiến hành các quy hoạch vùng bảo vệ miền cấp, đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; quy hoạch vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất; xây dựng, hoàn chỉnh mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất và bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, quản lý và đối tượng sử dụng nước về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Ông Đỗ Quang Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trườngTN&MT Cà Mau, cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 600 giếng khai thác nước dưới đất được cấp phép, còn lại hàng ngàn giếng nhỏ được người dân khai thác tại hộ gia đình, nhiều giếng khoang hư hại, bỏ hoang, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm.
Cà Mau hiện có khoảng 600 giếng khai thác nước ngầm được cấp phép phục vụ tại các cụm tuyến dân cư tập trung. (Trong ảnh: Cụm công trình cấp nước xã Khánh Lâm, huyện U Minh). |
“Là địa phương ven biển, những khi xảy ra hạn hán thì tình trạng khai thác nước ngầm để sử dụng lớn hơn, làm cạn kiệt nước dưới dất, dễ dẫn đến gây sụt lún đất, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn… Kết quả của dự án làm cơ sở giúp ngành tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những giải pháp quản lý, khai thác đất dưới nước một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an toàn và phù hợp với thực tế, cũng như bảo vệ sử dụng lâu dài, vì sự phát triển bền vững cho tương lai”, ông Đỗ Quang Hưng thông tin thêm./.
Trần Nguyên