Ðược thiên nhiên ưu đãi, huyện Năm Căn có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, sự kết hợp hài hoà giữa rừng và biển khá đặc biệt so với các vùng khác; chính vì thế mà các sản phẩm đặc sản tại đây khó nơi nào sánh được về chất lượng như: tôm, sò, các loại cá..., đặc biệt là cua Năm Căn.
- Nỗ lực giữ thương hiệu Cua Năm Căn
- Phải khai thác tốt lợi thế so sánh của Năm Căn
- Cua Năm Căn phải thắng ngay trên “sân nhà”
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức
Từ khi có thương hiệu đến nay, sản phẩm cua Năm Căn có giá trị kinh tế cao hơn, có vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Sản phẩm cua đã tham gia trưng bày ở các điểm như: Hội chợ đặc sản vùng miền tại Hà Nội, Chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Cà Mau và các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại Cà Mau, Chương trình kết nối cung, cầu tại TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Cua và Festival Tôm Cà Mau...
Ông Dư Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dư Thái Bình, ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, cho biết: "Cua Năm Căn nói riêng, cua Cà Mau nói chung đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Về phía công ty, những năm qua đã có nhiều giải pháp để giữ thương hiệu, uy tín sản phẩm, hằng năm xuất bán sang thị trường Trung Quốc, Singapore trên 130 tấn".
Công ty TNHH Dư Thái Bình mỗi năm xuất bán sang thị trường Trung Quốc, Singapore trên 130 tấn cua thương phẩm.
Tới đây, công ty sẽ phối hợp với người dân xây dựng vùng nuôi, đảm bảo nhu cầu và nguồn cua chất lượng, xây dựng nhà xưởng chế biến thịt cua thành phẩm, nâng hạng sản phẩm cua từ OCOP 3 sao lên 4 sao; liên kết tìm thêm đối tác xuất bán sang thị trường Mỹ, Tây Âu..., góp phần tăng năng suất, sản lượng cua xuất bán sang thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Trọng Nhường, ấp Kinh Tắc, có kinh nghiệm gần 10 năm làm nghề ương cua giống. Với 200 ô dèo, mỗi tháng ông xuất bán 3-4 triệu con cua giống, thu nhập 20-30 triệu đồng.
"Tôi luôn nỗ lực sản xuất cua giống chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, môi trường ở Cà Mau, góp phần tăng năng suất, sản lượng cua nuôi cho người dân", ông Nhường chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Nhường (bìa trái), ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, ương dèo cua giống, hằng năm xuất bán 3-4 triệu con.
Từ uy tín, chất lượng cua Năm Căn nổi tiếng khắp nơi, một bộ phận thương lái lợi dụng giả mạo và trộn lẫn sản phẩm của những nơi khác, sử dụng dây trói gần với trọng lượng cua, điều này sẽ làm giảm uy tín sản phẩm đặc sản của Năm Căn và làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Bên cạnh đó, sản phẩm cua Năm Căn quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nguồn con giống thiếu sự kiểm soát; định hướng, quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; quy trình thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công, chưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhiều, dẫn đến chất lượng và sản lượng không đồng nhất, thiếu ổn định. Ngoài ra, các cơ sở thu mua cua phần lớn bán cho thị trường Trung Quốc, TP Hồ Chí Minh và cách thức mua bán của các cơ sở chủ yếu là theo hình thức uỷ thác; vì vậy, ảnh hưởng đến giá cả, đầu ra sản phẩm không ổn định.
Ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, cho biết: "Từ thực trạng khó khăn trên, UBND huyện có những giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm cua biển Năm Căn thời gian tới, xây dựng quy hoạch vùng nuôi cua tập trung, quy mô lớn nhằm tạo ra được vùng hàng hoá gắn liền với thương hiệu. Ðồng thời, nghiên cứu cải thiện chất lượng cua giống, ứng dụng các quy trình nuôi cua cải tiến để nâng sản lượng cua thương phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường nước ngoài. Chủ sở hữu Nhãn hiệu tập thể cần quản lý tốt thương hiệu thông qua quy chế sử dụng, quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Cua Năm Căn - Cà Mau" cần sâu rộng hơn đến với người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Ðẩy mạnh liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, chính quyền địa phương và tổ chức khác, tạo ra mạng lưới phân phối nghiêm ngặt và hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cả xuất khẩu, nhằm đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm".
Chứng nhận Nhãn hiệu tập thể "Cua Năm Căn - Cà Mau" tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm vươn xa trên thị trường.
Ðến nay, có 9 thành viên tham gia sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”, trong đó có 3 công ty, 3 hợp tác xã và 3 cơ sở. Ðể phát huy hiệu quả việc sử dụng và quản lý tốt thương hiệu, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền cho các thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu, tập trung vào các nội dung có liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”, đảm bảo thực hiện theo đúng quy chế đã ban hành, nhằm tránh trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”.
Việc quảng bá, xúc tiến thương mại được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Theo đó, các cơ sở được tạo điều kiện tham gia gian hàng tại các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp, kết nối sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ xây dựng Website quảng bá đối với Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” trên Trang thông tin điện tử huyện. Nhờ nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý nên sản phẩm cua Năm Căn đạt và duy trì chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao và có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP 4 sao thời gian tới.
Huyện Năm Căn có diện tích nuôi thuỷ sản 25.676,93 ha, trong đó có hơn 20.000 ha nuôi cua kết hợp, với sản lượng xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước trên 2 ngàn tấn cua/năm. Ðặc biệt, ngày 11/12/2015, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể "Cua Năm Căn - Cà Mau". Ðây là niềm vinh dự lớn cho người dân, đồng thời là tiền đề quan trọng để đưa cua Năm Căn nói riêng, cua Cà Mau nói chung vươn ra thị trường trong, ngoài nước và xuất khẩu.
Loan Phương - Minh Thừa