(CMO) Có một truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể về thân phận những người chuyên đi hát xướng mua vui cho thiên hạ. Nhiều lúc buổi tối thấy họ trên sân khấu lộng lẫy ngai vàng với kẻ hầu người hạ mà chiều hôm sau không chút phấn son ngồi bên đường bán chuối nướng. Tôi là dân miền Tây xa xứ, bên cạnh niềm cảm thương số phận người theo nghiệp cầm ca lúc cuối mùa nhan sắc còn là nỗi... thèm chuối nướng.
Không có món ăn vặt nào dễ bán, dễ chế biến, dễ được người khác đón nhận như chuối nướng. Chỉ chừng hơn trăm ngàn là có thể khởi nghiệp và ngay từ ngày đầu tiên đã thu lời bằng (hoặc hơn) chính số tiền bỏ ra. Cũng không cần phải mỏi cẳng rảo khắp đường phố, mỏi miệng để chào mời, mỏi lời để giới thiệu, hay phải phô trương bảng hiệu “tại đây bán chuối nướng”. Vậy mà với 2 cái thau nhỏ, có biết bao trường hợp thoát nghèo, nuôi con ăn học từ bà mẹ bán chuối nướng mà báo chí không biết, chỉ có người khoái ăn chuối nướng mới biết.
Chuối nướng là món rất “đoàn kết”, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Từ đứa trẻ nít đến bà già móm mém đều ăn được. Ăn vặt sau bữa cơm chính, ăn chính trong bữa nhậu hay ăn gở khi có bầu. Chuối nướng ăn lúc trời nắng chang chang cũng được hoặc đang lúc chờ cơn mưa tầm tã dứt hạt. Chuối nướng rồi gói trong vỏ chuối xanh cũng được, bọc trong giấy cũng ổn mà cầm trong tay không cần gói gì hết cũng xinh xắn, đáng yêu.
Nhưng nghề nào cũng có bí quyết của nó. Nếu chỉ cần lột vỏ ra rồi nướng như vậy thì khó có món chuối nướng để đi vào thơ văn một cách lưu luyến. Lưu truyền trong dân gian có hai môn phái chuối nướng: Môn phái thứ nhất chuối chỉ hơi hườm hườm một chút. Trước khi nướng, lột vỏ phơi dưới nắng độ 1, 2 tiếng cho vị ngọt của chuối chắt lại vào lõi. Môn phái thứ hai là ăn chuối chín nướng. Tức là chọn trái chuối chín mềm rồi nướng. Loại chuối này ăn mềm, ngọt đậm đà lẫn một chút nhẫn nhẫn, nhưng về hương vị ăn đứt loại chuối hườm hườm mấy phần và đòi hỏi người nướng phải thiệt chăm chút vì chuối dễ bị đen do lượng mật tươm ra quá nhiều. Sau này dân gian còn sáng tạo thêm mỡ hành bằng cách cắt đôi hoặc có người cho trái chuối vô giữa hai tấm thớt để đè bẹp ra, sau đó quết mỡ hành lên cho thơm, béo. Nhưng riêng chuối chín nướng hổng hạp với mỡ hành đâu nghen, kỳ vậy đó. Gần đến mùa Chạp thì trái chuối xiêm cũng mập ú và miếng chuối mới đưa vào miệng vị ngọt đã tuột xuống bao tử. Than dùng để nướng cũng là loại than đã dùng rồi chứ không phải than mới nên khi nhen để nướng lửa không cháy mạnh, cũng không bắn ra tia lửa. Người bán tuyệt nhiên phải là người kiên nhẫn, không chút hấp tấp, để làm sao có cái nóng vừa phải, hút tất cả vị ngọt vào sâu trong lõi để chuối chín bên ngoài vừa đẹp, vừa giữ được độ dẻo, độ ngọt của chuối.
Chiều trên dòng Mê Kông, nhìn từ tỉnh Khamouna (Lào). Ảnh: Phương Nam |
Cuộc hành trình về chuối nướng cứ trôi miết trong tâm tưởng và hành hạ cơn thèm dai dẳng của tôi trong suốt chục năm về miền Trung. Kỳ lạ thay cũng là chuối trên đất Việt, vậy mà rời khỏi Sài Gòn rồi, đến địa phận miền Trung và miền Bắc thì tuyệt nhiên không có bóng dáng của chuối nướng. Rồi đến một lần, tôi cũng thoả cơn thèm chuối nướng mà không cần về miền Tây, không phải trên đất Việt mà chính là được ăn bên dòng Mê Kông khi đến thăm nước bạn Lào và Thái Lan.
Ở tỉnh nhỏ như Khamouna (Khăm-muộn) có chuối nướng bán ven đường đã đành, mà ngay cả thủ đô Vientiane của Lào, chuối nướng bán đầy đường. Thậm chí là ở thủ đô, việc bán chuối nướng có vẻ... chuyên nghiệp hơn. Ngoài những góc ngồi cố định bên vệ đường, trong các chợ, chuối nướng còn được chất lên xe cùng với các loại khoai nướng, bắp nướng rong ruổi khắp mọi nơi.
Tôi mua một bọc to trong sự ngạc nhiên của 10 thành viên trong đoàn, bởi hầu hết là người ở miền Bắc và miền Trung. Chúng tôi cùng rảo bộ ra sông Mê Kông. Tại tỉnh Khamouna, sông Mê Kông rất rộng, còn đầy chất hoang sơ với hai bên bờ là những cây cổ thụ to, những cổng thờ thần rắn hoặc các tháp thờ theo tín ngưỡng của người Lào. Tôi nhìn nước dâng đầy tràn bờ, nụ cười hoan hỷ của người dân trước những con cá, con tôm mà sông Mê Kông đã ban tặng, cho trái chuối nướng vào miệng mà rưng rưng nước mắt. Sông Mê Kông khi chảy vào Việt Nam đã từng rộng lớn, hào hiệp và đẹp như thế này. Vậy mà có năm lo thắt ruột khi nước không về, nước biển mặn lại lấn sâu vào dòng chảy bởi là nước nằm cuối nguồn sông Mê Kông, ĐBSCL phải hứng chịu tất cả hậu quả từ tác động ở thượng nguồn. Tôi cứ lặng nhìn ráng chiều chìm dần từng vệt màu đỏ xuống lòng sông đầy phù sa và các quán ven sông thắp lên những ngọn đèn nhỏ treo lủng lẳng bên vách báo hiệu đêm sắp cận kề. Và khi Lào cũng bắt đầu xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng Mê Kông, có ai biết vẻ đẹp này vẫn còn hiện hữu trong vài năm tới?
Chuối nướng - món ăn đường phố được bày bán rộng rãi ở tỉnh Khamouna (Lào). Ảnh: P.N |
Hôm chúng tôi đến thủ đô Vientiane có anh bạn Chănthavone (làm việc tại Đài Phát thanh Quốc gia Lào và học chung tại Học viện Báo chí) cùng đi. Tôi vẫn tiếp tục mua một bọc chuối nướng thật to vì các bạn trong đoàn bắt đầu thích ăn. Chuối ở Lào nhỏ và ngọt. Anh Chănthavone ngạc nhiên và reo lên: “Á, P.N cũng biết ăn món này à. Người Lào thích ăn lắm nhưng ở Hà Nội không có”. Anh cho biết thêm, chuối nướng có thể ăn vào buổi sáng hoặc làm đồ ăn vặt giữa buổi. Người miền Tây hầu như không ăn chuối nướng vào buổi sáng.
Điểm đến của chúng tôi để ăn chuối nướng vẫn là dòng Mê Kông. Tất nhiên dòng Mê Kông ở thủ đô cũng nhuộm màu đô thị. Hai bên bờ sông, chỗ đẹp nhất, ngắm được sông Mê Kông nhiều nhất là các nhà hàng, khách sạn của người Pháp. Có nhiều khách sạn đã tồn tại từ khi người Pháp đặt chân đến đây. Các khách sạn của người Lào khó mà chen chân ở khu vực “đắc địa này”. Ai thích thiên nhiên thì ngồi ăn bên các dãy bàn nằm lộ ngoài trời và sát bên sông.
Sông Mê Kông được xem là biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Vientiane đến tỉnh Champasack. Bên đây dòng thuộc Vientiane thì bên kia là tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Rất có duyên khi hôm sau chúng tôi được qua tỉnh Ubon và tôi tiếp tục được ăn chuối nướng. Chuối nướng là món chế biến đơn giản nhất của người Thái Lan (ngoài ra họ có rất nhiều món làm từ chuối rất cầu kỳ). Những trái chuối chín vàng được nướng trên than hồng sẽ dậy mùi thơm ngào ngạt, nên nếu có đi qua những gian hàng chuối nướng, bạn khó cưỡng lại sức hút của nó. Người Thái còn có cách chế biến chuối nướng theo kiểu khác mà họ gọi là Khao Jee. Khao Jee thường có rất nhiều hình dạng khác nhau và tuỳ theo sở thích nặn bánh của người bán. Có bánh tròn tròn và thuôn dài, nhưng cơ bản vẫn là chuối, sau đó nướng lên. Nếu nói về các biến tấu từ chuối để tạo thành món ăn ngon thì Thái Lan nhiều vô kể, nhưng thật sự các món đều mau ngán và không ăn được nhiều dù được các nhà hàng sang trọng ưa thích. Món chuối nướng (chỉ trái chuối trần được nướng dưới lửa than) lại gây thương nhớ cho nhiều người.
Kết thúc hành trình của mình, tôi chiêm nghiệm được rằng, so với các biến tấu từ chuối, chuối nướng ít hiện diện trong các nhà hàng sang trọng. Cách chế biến đơn giản nhưng lại đi sâu vào lòng thực khách ở những nơi nó hiện diện. Ăn hoài, ăn mãi mà vẫn không ngán, vẫn thích ăn. Phải chăng sự mộc mạc gắn liền với sự hiện diện của những nơi dòng Mê Kông thấm sâu nguồn nước vào đất đó?!./.
Ghi chép của Đoàn Phương Nam