Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, sự xâm hại quá mức của con người đã làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, trong đó có nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) trên biển.
- Tăng cường tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
- Hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Quyết bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thuỷ sản
Theo những người cao niên tại huyện Trần Văn Thời, trước những năm 1990, khai thác biển được coi là nghề ăn nên làm ra của nhiều ngư dân khu vực ven biển và được ví như nghề hưởng lộc trời. Bởi chỉ trong con nước ra biển đánh bắt, từ 10-15 ngày, mỗi phương tiện có thể khai thác được hàng chục tấn thuỷ sản các loại, thu nhập hàng chục triệu đồng thời điểm ấy, nên đời sống nhiều ngư dân rất khấm khá.
Ông Hồ Hữu Bạn, ngoài 70 tuổi, ở Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, gắn bó gần trọn cuộc đời với nghề khai thác biển, nhưng hiện tại ông đã bỏ nghề. Nguyên nhân phần vì sức yếu, phần vì làm ăn không hiệu quả. Ông Bạn nhớ lại: "Hồi đó, dụng cụ phục vụ nghề khai thác biển còn khó khăn, thiếu thốn, đâu có đầy đủ như bây giờ, nhưng làm ăn được lắm. Lúc đó, ở đây đa số là ghe nhỏ, khoảng 10-20 tấn trở lại, có khi ra biển đánh một lưới là đầy ghe".
Do sự phát triển ngày càng hiện đại của nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản, cộng với việc khai thác không đi đôi với bảo vệ nên thời gian qua, NLTS trên biển có chiều hướng giảm mạnh. Ðặc biệt là thời gian gần đây, tình trạng khai thác ven bờ hoặc dùng các loại phương tiện, ngư cụ không đúng kích cỡ để khai thác thuỷ sản theo kiểu tận thu, tận diệt đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các giống loài thuỷ sản. Từ đó, NLTS trên biển suy giảm nghiêm trọng.
Hiện tại, nhiều ngư dân ở thị trấn Sông Ðốc không còn khả năng ra biển hoạt động, đành để phương tiện neo bờ.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, chia sẻ: "Bây giờ, nghề biển làm ăn khó lắm, gần như không có lời, nhưng có ghe mà không đi biển thì biết làm gì bây giờ, nên cũng ráng bám nghề".
Ông Nguyễn Văn Niêm, ấp Kinh Hòn Bắc, cho biết: “Ða số ghe biển hoạt động từ huề đến lỗ, nhưng mình không nghỉ được, phải làm cầm chừng, nếu nghỉ thì bạn ghe bỏ đi hết, đến khi làm lại sẽ không có người đi với mình".
Do làm ăn thua lỗ nên số lượng phương tiện ra biển khai thác thuỷ sản ngày càng giảm. Nhiều người đã gắn bó với nghề lâu năm, nay không có khả năng tiếp tục bám biển, phải rao bán tài sản, nhưng cũng không ai mua, đành ngậm ngùi nhìn phương tiện nằm bờ.
Ông Trịnh Quốc Ðạt, Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, buồn bã cho biết: “Mấy năm trước tôi làm ăn cũng đỡ, mà làm riết rồi thiếu nợ ngân hàng luôn. Bây giờ tôi không còn khả năng ra biển hoạt động nữa, đang kêu bán 3 chiếc ghe, nếu bán được tôi sẽ bỏ nghề, chớ nghề biển hiện nay khó khăn đủ thứ, làm là lỗ".
Thời gian qua, các cấp, các ngành nỗ lực rất lớn trong triển khai thực hiện các biện pháp để khôi phục và bảo vệ NLTS như: thực hiện quyết liệt công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ðặc biệt, từ sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 17 ngày 26/2/2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác NLTS có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh, các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, cam kết không dùng các loại công cụ, phương tiện, hoá chất cấm để khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt. Ðồng thời, thành lập các Tổ cộng đồng theo dõi, giám sát việc chấp hành Chỉ thị số 17; khuyến khích, treo thưởng cho những người phát hiện, cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm cho các ngành chức năng để xử lý kịp thời. Mở các phiên toà xét xử lưu động công khai, nghiêm túc, nhằm giáo dục, răn đe các trường hợp khác. Tổ chức nhiều đợt thả con giống thuỷ sản; thả rạn san hô nhân tạo cho các loài thuỷ sản có nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển.
Với ngần ấy nỗ lực của ngành chức năng vẫn chưa đủ cho NLTS từng bước khôi phục. Ðể nghề khai thác biển bền vững, cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của người dân. Có như vậy, biển cả mới không quay lưng với con người và sẽ ban tặng cho con người nhiều sản vật hơn, giúp ngư dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Anh Quốc