(CMO) Phải hẹn nhiều lần tôi mới có dịp gặp đông đủ hội viên các tổ hùn vàng của chị em phụ nữ Ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Chị Ngô Thị Tính, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 4, bộc bạch: “Ở vùng nông thôn này, người lao động ngày làm tháng ăn nên hết thời gian đồng án thì làm rẫy, chăn nuôi để tăng thu nhập. Vì thế, muốn tập họp chị em là cần có thời gian mới được”.
Chi hội Phụ nữ Ấp 4, xã Trần Hợi là một trong những cơ sở hội hoạt động hiệu quả với cách làm sáng tạo, từng bước giúp đỡ nhau cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Điểm nhấn hoạt động của chi hội là mô hình Tổ hùn vàng, duy trì hiệu quả gần 20 năm qua. Được thành lập năm 2005, từ 1 tổ chỉ có 11 hội viên đến nay đã lên được 3 tổ và thu hút hơn 100 hội viên tham gia. Các tổ hùn vàng không chỉ giúp cho chị em hội viên giải quyết được khó khăn trong cuộc sống, mà còn tạo điều kiện để chị em có đồng vốn lớn để phát triển kinh doanh, xây dựng mái ấm an cư vững chắc.
Đồng vốn "tiếp sức"
Vừa dọn dẹp căn nhà mới, chị Phan Thị Nga vui vẻ: “Cũng nhờ đồng vốn tương trợ nhau của các chị em trong các tổ nên vợ chồng tôi mới xây dựng được căn nhà khang trang như hiện nay. Chứ không thì chuyện dự định cất nhà chắc còn lâu lắm mới thực hiện được”.
Một buổi bốc thăm nhận vàng của tổ. |
Chị Nga cùng chồng (anh Nguyễn Văn Tiến) cưới nhau khi còn rất trẻ. Anh là người gốc Ninh Bình, cùng gia đình vào Nam theo phong trào đi phát triển vùng kinh tế mới (năm 1977). Dù không sinh ra trên quê hương Cà Mau nhưng anh chọn nơi đây là đích đến cuối cùng và quyết tâm “cắm rễ” để phát triển. Anh lập gia đình và bắt đầu chăm lo cuộc sống khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Với 3 công đất ít ỏi, làm không đủ trang trải cuộc sống, anh làm thuê thêm đủ nghề để mưu sinh và lo cho các con. Rồi chị Nga được chị Tính vận động tham gia vào tổ hùn vàng theo mùa; thời điểm năm 2005 mới có 1 tổ duy nhất, 6 tháng mới khui 1 lần và 1 lần hùn là 1 chỉ vàng 24K.
Chị Nga nhớ lại: ‘Thời điểm đó khó khăn dữ lắm, cứ sợ vào rồi đóng không nổi, nhưng nghe chị Tính nói cũng ham và có động lực tích cóp. Nghĩ rằng, không lẽ 6 tháng mà mình không dành dụm được 1 chỉ vàng sao? Cứ vô rồi có của, khi cần mình xin hốt có tiền để xoay sở”. Thế là chị Nga tham gia vào tổ. Sau các đợt hùn,
với đồng vốn có được, chị dần dà mua thêm đất sản xuất, từ 3 công đất phụ ấm giờ anh chị nhân lên hơn được 3 ha và có vốn cất căn nhà hơn 1 tỷ đồng.
Chị Tính cho biết: “Ban đầu chỉ có 1 tổ với 11 tổ viên, số vàng hùn trong 6 tháng là 1 chỉ. Đến năm 2010, thành lập thêm 1 tổ mới với số vàng hùn là 2 chỉ trong vòng 6 tháng. Đến năm 2018, theo nhu cầu của chị em, số vàng hùn được nâng lên 4 chỉ/6 tháng và mở thêm 1 tổ mới. Hùn vàng theo mùa, có nghĩa là xong mùa vụ mới tổ chức mở đợt, bình quân 1 năm các tổ viên hùn 8 chỉ/hội viên, có người có điều kiện hùn nhiều dây thì đóng khoảng 10 chỉ/ năm/hội viên nên số tiền hốt ra được rất nhiều”.
Không chỉ riêng hộ chị Nga mà trên địa bàn ấp có rất nhiều hộ nhờ đồng vốn này mà cất được nhà cửa khang trang. Chị Tính nhẩm đếm: “Có trên 10 hộ sử dụng đồng vốn này để cất nhà, ổn định cuộc sống và các hộ này vẫn còn tiếp tục tham gia ở các tổ để có vốn làm ăn”.
Như hộ bà Bùi Thị Thêm, cũng tham gia vào tổ hùn vàng từ năm 2005, từ đồng vốn tích lũy được, ông và bà quyết định cất căn nhà khang trên 1 tỷ đồng để an hưởng tuổi già. Bà Thêm bộc bạch: “Thời mới vào Nam khó khăn dữ lắm, khổ đến mức không có gạo mà ăn. Muốn làm ăn cũng không có vốn. Nhờ phụ nữ ấp thương tình tạo điều kiện cho vào tổ hùn vàng, từ đó có vốn, vợ chồng tôi thuê đất làm ăn rồi có tiền tiếp tục tham gia tổ hùn vàng, rồi có vốn lớn hơn mua đất sản xuất. Rồi giờ có điều kiện xây nhà”.
Không chỉ giúp nhau xây nhà, mà tổ hùn vàng còn giúp cho nhiều tổ viên có điều kiện khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như hộ bà Lê Thị Bé Hai, là hộ nghèo, không có tư liệu sản xuất, bà được chính quyền địa phương hỗ trợ cất được căn nhà để có nơi che mưa che nắng. Đến năm 2018, bà được chị em trong tổ tạo điều kiện cho tham gia vào tổ. Nhờ vậy, bà có được đồng vốn, mua xe đẩy đất cho người con trai đi đẩy đất thuê. Từ đó, kinh tế gia đình có phần ổn định và có dư để góp trả định kỳ cho những hội viên khác.
Bà Hai không giấu được nước mắt: “Nếu không nhờ chị em phụ nữ ấp giúp đỡ, không biết khi nào tôi mới có số tiền gần 500 triệu đồng để phát triển kinh tế. Tôi nhắc con tôi hoài, ráng lo làm để vươn lên vì người ta đã tạo điều kiện cho mình, việc còn lại là do mình có chịu khó hay không thôi”.
Chị chị Phan Thị Nga dọn dẹp căn nhà mới xây trị giá hơn 1 tỷ đồng. |
Chữ Tín và minh bạch
Trước nhiều thông tin về các vụ bể hụi tràn lan trên mạng xã hội và ở địa phương có thể gây lo lắng, nhưng tất cả tổ viên các tổ hùn vàng ở Ấp 4 vẫn không gợn chút lăn tăn nào. Hỏi vui các chị là với số vàng hùn lớn như vậy các chị có sợ không? Ai cũng cười, rồi bảo: “Có chị Tính lo hết, có gì đâu phải sợ. Khi nhận vàng bắt buộc phải có đầy đủ vợ và chồng mới cho nhận, phải ký giấy hẳn hoi mà. Vả lại, chị em trong xóm ai cũng trọng chữ Tín lắm. Không ai để cho bản thân mình mất uy tín cả”, một hội viên bộc bạch.
Tổ hùn vốn do chị Tính là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đứng ra vận động và là “đầu mối”, cứ sau mỗi mùa vụ các chị em trong tổ quây quần bên nhau để bốc thăm ký nhận vàng. Chị Tính cho biết: “Bắt buộc phải có mặt đông đủ chị em mới bốc thăm, bốc xong là vàng trao tay liền, không được mang về nhà mà phải trao cho người được nhận ngay. Nếu người đó chưa cần sử dụng thì có thể nhường lại cho chị em khác trước mặt của tất cả chị em”.
Chia sẻ về cách làm bài bản, minh bạch của chị em trong tổ hùn vàng Ấp 4, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trước khi thành lập các tổ, chị em ở xã làm hồ sơ trình UBND xã xác nhận và xin được mở các tổ hùn vàng, trong hồ sơ ghi rõ số vàng hùn mỗi đợt và công khai số người tham gia; sau khi được UBND xã ký duyệt xác nhận đủ điều kiện mới mở tổ. Ngoài ra, ở ấp cũng có Ban Nhân dân ấp xác nhận rõ ràng, cụ thể nữa”.
Anh Nguyễn Văn Tiến cười tươi: “Làm ăn với nhau cần chữ Tín, còn nếu cố tình gian dối thì phải chịu tội trước pháp luật, người dân mình thật thà nên không ai làm vậy đâu. Từ lúc tham gia tới giờ chưa có trường hợp nào xảy ra nên người dân chúng tôi yên tâm lắm”.
Hết mùa lúa, gia đình bà Bùi Thị Thêm tăng gia sản xuất bằng mô hình chăn nuôi nhằm lấy ngắn nuôi dài để có tiền tham gia vào tổ tiết kiệm của ấp. |
Được biết, ngoài mô hình hùn vàng, Chi hội Phụ nữ Ấp 4, xã Trần Hợi còn triển khai nhiều mô hình khác nhằm giúp chị em còn khó khăn có thêm nguồn vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Qua đó, chi hội còn đẩy mạnh tuyên truyền đến gia đình các hội viên về phòng, chống bạo lực gia đình, chung sức lo xây dựng đời sống văn hóa.
Với cách làm hay, sáng tạo, Chi hội Phụ nữ Ấp 4, xã Trần Hợi được đánh giá là một trong những chi hội điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, và mô hình hùn vàng tiết kiệm của chi hội góp phần khẳng định thêm tính hiệu quả của phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở vùng nông thôn./.
Bài và ảnh: Kim Cương